- Mục tiêu cụ thể:
2.3.1. Phương pháp luận
Phương pháp nghiên cứu của đề tài dựa trên quan điểm hệ thống Kinh tế - Sinh thái học, coi nguồn tài nguyên rừng vừa là một bộ phận của hệ thống tự nhiên vừa là một bộ phận của hệ thống kinh tế - xã hội và giữa chúng có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ, hay nói cách khác sự tồn tại và phát triển bền vững của nguồn tài nguyên rừng không thể tách rời khỏi các yếu tố về điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội và môi trường:
- Rừng là một bộ phận của hệ thống tự nhiên, bởi vì sự tồn tại và phát triển của rừng phụ thuộc vào những quy luật của tự nhiên, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác trong hệ thống tự nhiên như địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, sinh vật.... Do quan hệ chặt chẽ với các yếu tố tự nhiên mà có thể quản lý rừng bằng cách tác động vào các yếu tố tự nhiên. Trên quan điểm hệ thống có thể xem những giải pháp quản lý rừng như là những giải pháp điều khiển hệ
thống tự nhiên theo chiều hướng thúc đẩy sinh trưởng, phát triển và hình thành năng suất của HSTR. Đây là lý do vì sao trong đề tài này, nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên, yếu tố môi trường đến các chức năng dịch vụ hệ sinh thái rừng được coi là một nội dung quan trọng.
- Rừng là một bộ phận của hệ thống kinh tế, bởi vì sự tồn tại và phát triển của rừng gắn liền với các hoạt động kinh tế của con người như: các hoạt động sản xuất Nông Lâm nghiệp, khai thác lâm sản, săn bắt chim, thú... Cuộc sống của một bộ phận nhân dân cũng như sự phát triển của một số ngành kinh tế phụ thuộc vào sự phát triển của nguồn tài nguyên rừng. Ngoài ra, rừng cũng tác động mạnh mẽ tới các yếu tố kinh tế thông qua cung cấp nguyên liệu, năng lượng và thông tin cho nhiều hoạt động kinh tế của con người. Nó có tác động tới nhiều yếu tố của hệ thống kinh tế từ sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu dùng, tích luỹ ... Từ những mối quan hệ đó, có thể quản lý rừng bằng việc tác động vào những yếu tố kinh tế. Đây là lý do để đề tài đưa nội dung nghiên cứu liên quan đến hiệu quả các hoạt động sản xuất của cộng đồng dân cư trên khu vực nghiên cứu.
- Rừng là một bộ phận của xã hội loài người, vì sự tồn tại và phát triển của rừng phụ thuộc nhiều vào các hoạt động sống cũng như tổ chức xã hội của con người. Nguồn tài nguyên rừng phát triển hay suy thoái (huỷ hoại) luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố xã hội như: trình độ văn hoá, kiến thức về kinh doanh rừng, nhận thức về giá trị của rừng, ý thức với luật pháp Nhà nước, trách nhiệm với cộng đồng, những phong tục, tập quán, hệ thống tổ chức xã hội, chính sách liên quan đến quản lý rừng... Những yếu tố xã hội không là nguyên nhân trực tiếp tác động đến rừng nhưng lại đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững tài nguyên rừng. Do rừng có liên quan chặt chẽ với các yếu tố xã hội nên có thể quản lý rừng bằng tác động vào những yếu tố xã hội. Trên cơ
sở đó đề xuất một số giải pháp tác động vào các mối quan hệ xã hội để tổ chức quản lý rừng hợp lý nhằm lôi cuốn cộng đồng vào hoạt động quản lý bảo vệ rừng.
Trong đề tài này các giải pháp quản lý rừng luôn hướng vào mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên rừng gắn với phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng. Vì vậy, các nghiên cứu trong đề tài đều tiếp cận với những nghiên cứu phát triển theo trình tự logic chung của vấn đề là: phân tích thực trạng, xác định nguyên nhân và xây dựng giải pháp phù hợp với nhu cầu phát triển của cộng đồng trên khu vực.
QLRBV là hoạt động vừa mang tính kỹ thuật vừa mang tính kinh tế - xã hội, nhân văn. Chính vì vậy, khi nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cũng phải dựa trên quan điểm phát triển hài hoà, bền vững đa ngành, đa mục tiêu:
+ Phát triển ngành lâm nghiệp với các ngành khác
+ Đảm bảo hài hoà giữa lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội và môi trường. + Đáp ứng nhu cầu trước mắt và duy trì được lợi ích lâu dài.