Với việc thiết lập quyền ưu tiên cấp nước cao nhất đối với nhu cầu nước tại các nút cân bằng và nhu cầu nước môi trường, trong khi chưa quan tâm đến nhu cầu phát điện tại các hồ chứa, kết quả tính toán cân bằng nước năm 2002 và 2010 đã phản ánh thực trạng thiếu hụt nguồn nước trên lưu vực sông Bé đang có xu hướng gia tăng với mức độ trầm trọng hơn. Trong khi tiềm năng nước trên lưu vực không có sự thay đổi nhiều với lượng nước tính đến cửa sông khoảng 3,2 tỉ m3 (2002) và 2,4 tỉ m3 (2010) thì nhu cầu nước trên lưu vực lại có sự gia tăng nhanh chóng với lượng nhu cầu ước tính trong năm 2002 là 34,5 triệu m3
đã tăng lên 61,5 triệu m3 trong năm 2010. Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng thiếu nước tại 3 trong tổng số 5 nút cân bằng là Thác Mơ, Cần Đơn và Srock Phu Miêng trong các tháng kiệt của dòng chảy với tổng lượng thiếu hụt năm 2002 và 2010 tương ứng là 0,89 và 5,85 triệu m3. Thêm vào đó, trong khoảng thời trên, lượng nước trên dòng chảy chính sông Bé tại các vị trí sau hồ Thác Mơ, Cần Đơn và Srock Phu Miêng suy giảm xuống dưới mức cho phép, khiến cho tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng, tạo lên tác động cộng hưởng mang tính tiêu cực không chỉ đến kinh tế, xã hội mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của lưu vực.
Để khắc phục tình trạng nói trên, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như sau:
- Đối với nông nghiệp, ngành sử dụng nước nhiều nhất (chiếm tới hơn 90% tổng các nhu cầu nước của lưu vực), cần áp dụng các hình thức tưới tiết kiệm nước như tưới phun, tưới rỉ, đồng thời giữ nước, giữ ẩm cho đất để giảm lượng nước tưới cho các loại cây trồng, qua đó có thể dành được lượng nước đáng kể cung cấp cho các ngành khác vốn sử dụng nước ít hơn so với ngành trồng trọt.
- Trong lĩnh vực công nghiệp, áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật cho phép sử dụng tiết kiệm nước mà vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất.
- Củng cố, nâng cấp đi đôi với việc điều chỉnh vận hành hợp lý các công trình thủy lợi hiện có và phát triển thêm các công trình thủy lợi mới (chủ yếu là hồ chứa nước và đập dâng).
[117]
- Khôi phục và phát triển diện tích rừng, thảm thực vật để điều hòa lượng nước giữa các mùa với nhau. Đồng thời, tiến hành tích trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô và phòng tránh lũ lụt.
[118]
CHƯƠNG 7
KẾT LUẬN, ĐỀ XUẤT