Kết quả theo dõi các triệu chứng chủ quan thay đổi nhanh nhất bắt đầu từ ngày thứ 30 sau điều trị và trở về bình thường vào ngày thứ 90 sau điều trị đó là: khát, ăn nhiều, đái nhiều, mờ mắt và đau đầu. Các triệu chứng khác như mệt mỏi, ngủ kém, tê bì, ra mồ hôi và đại tiện táo đều được cải thiện rõ rệt bắt đầu từ ngày thứ 60 và trở về bình thường vào ngày thứ 90 sau điều trị (bảng 3.23). Sự cải thiện các triệu chức cơ năng giữa các thể theo Y học cổ truyền có sự tương đồng (ít có sự khác biệt, bảng 3.32)
Theo Y học cổ truyền chứng tiêu khát phát sinh thường do ăn bồi bổ nhiều đồ cao lương mỹ vị, uống rượu nhiều, làm cho trung tiêu tích nhiệt; hoặc do thất tình mà sinh uất, uất thì hoá nhiệt; hoặc do tiên thiên không đầy đủ, phòng dục quá độ, dẫn đến thận tinh suy hao, hư hỏa nhiễu động, bệnh lâu ngày dẫn tới tạng phủ biến đổi như bệnh ở phế, vị và đặc biệt bệnh ở thận. Phế là thượng nguyên của thuỷ, chịu trách nhiệm điều hoà thuỷ dịch, nếu suy giảm chức năng này thì đi tiểu nhiều (đái nhiều). Phế không phân bố thuỷ dịch thì miệng khát muốn uống (uống nhiều). Vị là bể chứa thức ăn, vị hoả thịnh thì mau đói muốn ăn (ăn nhiều). Thận để tàng thuỷ, thận khí hoá bất thường, cố nhiếp mất quyền thì tinh chất giáng xuống dưới sinh tiểu đục và có vị ngọt [113].
Thành phần bài thuốc TVGĐP gồm các vị thuốc có tác dụng điều trị chứng tiêu khát chữa chứng uống nhiều đái nhiều, ăn nhiều, ngủ kém ra mồ hôi đại tiện táo như:
- Sa sâm: có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn, vào kinh phế, trừ hư nhiệt, trừ ho. Công dụng: dưỡng âm, thanh phế, chỉ khát, tả hoả.
- Hoài sơn: có vị ngọt tính bình, đi vào 4 kinh tỳ, vị, phế, thận. Có tác dụng mạnh bổ tỳ vị, chỉ tả, bổ phế thận, sinh tân chỉ khát, bình suyễn, sáp tinh.
- Thiên hoa phấn (rễ cây qua lâu): vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, quy kinh phế, vị. Tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, nhuận phế, giải độc, tiêu ung thũng, bài nùng, lợi sữa.
- Khiếm thực: là một vị thuốc bổ có tác dụng thu liễm, trấn tĩnh dùng trong các bệnh đau nhức dây thần kinh, tê thấp, đau lưng, đau đầu gối. Còn có tác dụng chữa di tinh, đi đái nhiều, phụ nữ khí hư (bạch đới).
- Tri mẫu: vị đắng, tính lạnh, không độc, có tác dụng tư thận, bổ thuỷ, tả hoả, thường được dùng chữa bệnh tiêu khát (đái tháo đường), hạ thuỷ ích khí.
Các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch có tác dụng lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể khi cơ chế bệnh sinh là do âm hư sinh nội nhiệt (ở tạng phế, vị, thận), bồi bổ thuỷ dịch đã được nhiều tác giả nghiên cứu cho rằng có tác dụng giảm khát, trừ phiền, chữa các chứng khát nhiều, uống nhiều, ăn nhiều mau đói, người gầy khô, táo bón hay gặp trong chứng Tiêu khát [19], [22], [29], [28], [41].
Các vị thuốc khác như đan sâm có tác dụng hoạt huyết hóa ứ chỉ thống giúp cho giảm các triệu chứng đau đầu, mờ mắt và tê bì. Kỷ tử, thục địa, khiếm thực, ích trí nhân đều có tác dụng bổ can thận, tư âm, ích tinh... là những vị thuốc điều trị gốc bệnh (can thận âm hư).
Mặt khác các vị thuốc cấu tạo nên bài thuốc đều có chứa những thành phần có tác dụng hạ đường huyết đã được chứng minh (bảng 4.1). Kết quả nghiên cứu hạ glucose máu, hạ lipid máu trên động vật là chuột nhắt trắng gây
ĐTĐ typ 2 cũng đã cho thấy bài thuốc có tác dụng điều trị ĐTĐ typ 2 trên thực nghiệm. Các kết quả trên thực nghiệm và cải thiện các triệu chứng lâm sàng chứng tỏ phép biện chứng luận trị của YHCT trong điều trị chứng tiêu khát có sự tương đồng với lý luận của YHHĐ trong điều trị ĐTĐ. Sự kết hợp các vị thuốc có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, bổ can thận, ích tinh với các vị thuốc tư âm, thanh nhiệt sẽ điều trị được cả tiêu và bản theo YHCT. Mặt khác theo Y học hiện đại tác dụng hạ đường máu, điều chỉnh rối loạn lipid máu cũng đồng nghĩa với việc điều trị và dự phòng các biến chứng như mờ mắt, đau đầu, tê bì… do biến chứng tổn thương mạch máu (hậu quả ĐTĐ). Với kết quả trên lại một lần nữa chứng minh về sự tương đồng của YHCT với YHHĐ cả trong lý thuyết và trên thực tiễn lâm sàng.