Hiện tại chính phủ đang bắt đầu xây dựng Quy hoạch Điện VIII, dự kiến ban hành vào năm 2021. Bên cạnh xem xét các khía cạnh về kỹ thuật và kinh tế, đánh giá tác động về môi trường, trong đó có môi trường không khí cũng như tác động sức khỏe là rất cần thiết. Nghiên cứu này mong muốn đưa ra phân tích và so sánh tác động ONKK và sức khỏe của các kịch bản phát triển điện khác nhau nhằm đóng góp cho quá trình ra quyết định của Quy hoạch điện VIII sắp tới.
Trong khuôn khổ nghiên cứu này, nhóm tác giả sẽ đánh giá tác động ONKK và sức khỏe của các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành vào năm 2017 và 3 kịch bản phát triển điện than tới năm 2030 bao gồm kịch bản Quy hoạch VII điều chỉnh, kịch bản EE&RE theo tiêu chuẩn phát thải hiện tại như đã trình bày ở trên, và kịch bản EE&RE với tiêu chuẩn phát thải thắt chặt hơn. Cụ thể trong kịch bản thắt chặt tiêu chuẩn, tất cả các nhà máy vận hành trước năm 2025 áp dụng mức: 200mg/
Nm3 đối với SO2, 200mg/Nm3 đối với NOx, và 20mg/Nm3 đối với bụi, tương đương với tiêu chuẩn cũ của châu Âu. Các nhà máy vận hành sau năm 2025 áp dụng tiêu chuẩn đối với SO2, NOx và bụi lần lượt là 100 mg/Nm3, 100 mg/ Nm3 và 10 mg/Nm3. Đây là tiêu chuẩn tham khảo từ một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Trong báo cáo này, các vấn đề về đánh giá CLKK, ONKK, thiệt hại do ONKK gây ra, đặc biệt là tác động đến sức khỏe con người từ các tài liệu thu thập được và phân tích khả năng tác động của việc thực hiện các kịch bản phát triển nguồn điện của Việt Nam sẽ được nghiên cứu nhằm giúp hiểu đúng hơn về CLKK cũng như tính khả thi, hiệu quả kinh tế, môi trường khi thực hiện Quy hoạch và các kịch bản phát triển điện nêu trên.
Thông điệp của nghiên cứu này là: Gửi lời cảnh báo tới những người có quan tâm về khả năng tác động của hoạt động phát triển điện than ở Việt Nam đến CLKK và sức khỏe con người.
Phương pháp