3.1.1.1. Đánh giá khả năng khai thác nguồn nước mặt từ các sông chính
1. Tổng lượng dòng chảy và mực nước các sông chính
Hà Nội sử dụng nguồn nước chủ yếu từ hệ thống sông Hồng, sông Đáy và sông Đuống, trong đó từ hệ thống sông Hồng là chính. Thời gian gần đây có những lo ngại về khả năng nguồn nước của các sông này cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, phân tích chi tiết số liệu quan trắc thủy văn cho thấy về mặt tổng lượng dòng chảy thì hoàn toàn có thể đảm bảo, lượng dòng chảy không những không giảm mà còn tăng so với thời kỳ những năm 1980, vấn đề khó khăn chính là mực nước trên các sông hạ thấp. Nguyên nhân được xác định là do mặt cắt lòng dẫn mở rộng hoặc đáy sông hạ thấp [5], [6]. Trên sông Hồng, tại trạm Sơn Tây, lưu lượng có xu thế tăng (Hình 3.1a) trong khi mực nước lại có xu thế giảm mạnh (Hình 3.1b); Tương tự như vậy đối với trạm Thượng Cát trên sông Đuống (Hình 3.2). Điều này cho thấy, để có thể tiếp tục khai thác nguồn nước sông thì trước mắt phải có các giải pháp xử lý cục bộ đối với các công trình lấy nước cũ hoặc xây dựng mới công trình có mực nước thiết kế phù hợp với thực tại và có xem xét xu thế diễn biến trong tương lai.
a) Diễn biến lưu lượng QTB mùa kiệt b) Diễn biến mực nước HTB mùa kiệt Hình 3.1 Diễn biến lưu lượng và mực nước mùa kiệt tại trạm Sơn Tây trên sông
a) Diễn biến lưu lượng QTB mùa kiệt b) Diễn biến mực nước HTB mùa kiệt Hình 3.2 Diễn biến lưu lượng và mực nước mùa kiệt tại trạm Thượng Cát trên
sông Đuống
2. Đánh giá chất lượng nước các sông chính
- Sông Hồng và sông Đuống theo các kết quả nghiên cứu thành phần hóa học đến nay các thành chủ yếu cùng như hàm lượng các nguyên tố vi lượng, thành phần độc hại còn nhỏ hơn giới hạn cho phép đối với nước làm nguồn sản xuất nước sạch trừ đoạn sông gần nơi xả thải của khu xử lý nước thải của Hà Nội. Nước sông Hồng, sông Đuống rất phù hợp cho tưới cây lương thực hoa màu vì lượng chất lơ lửng của nước thích hợp với các loại cây trồng. Sông Đáy đoạn từ Đập Đáy đến Ba Thá được khoanh định vào vùng cấm khai thác sử dụng trong mùa khô, đoạn ở khu vực Mỹ Đức hiện nay nước còn khá tốt kể cả vào mùa khô nên có thể sử dụng để tưới [7].
Như vậy, có thể thấy rằng về mặt tổng lượng, các hệ thống sông hoàn toàn có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước. Vấn đề đặt ra ở đây là phải có các giải pháp công trình phù hợp để có thể lấy đủ nước tưới trong mùa kiệt khi mực nước các sông hạ thấp kỷ lục như hiện nay.
3.1.1.2. Đánh giá khả năng khai thác nguồn nước mặt từ các ao, đầm vùng bãi sông
Qua thực tế điều tra cho thấy thực tế sử dụng nguồn nước từ các ao, hồ, kênh rạch để tưới cho vùng bãi là không nhiều. Mực nước trong ao giao động theo mùa, theo nguồn cấp, nhưng trung bình năm chiều sâu ở mức từ 1,5 – 3,0m. Các ao hồ hiện nay ngoài tạo nguồn nước tưới còn kết hợp nhiệm vụ nuôi trồng thủy sản. Trong số các ao hồ vùng bãi chỉ có khoảng 27ha mặt nước, chiếm khoảng 40% diện tích ao hồ được sử dụng để tưới cho sản xuất nông nghiệp khi cần, còn lại là làm nhiệm vụ nuôi trồng thủy sản là chính. Đối với các ao nuôi trồng thủy sản, mực nước trong ao luôn được chủ nuôi khống chế ở mức hợp lý, nên việc khai thác nước từ các ao này rất phức tạp. Một số ao hồ được sử dụng để tạo nguồn tưới cho nông nghiệp, thường xuyên được
cấp nước bổ sung từ các trạm bơm lấy nước từ sông chính để duy trì tạo nguồn nước tưới khi cần (ví dụ như các ao hồ vùng bãi xã Văn Đức, huyện Gia Lâm…). Đặc biệt kể từ khi các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Hồng được xây dựng, lũ sông Hồng không còn lên cao thì các ao, đầm, kênh rạch vùng bãi sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy cũng không có nước và dần bồi lấp thành đất bãi có thể canh tác trồng trọt các loại cây trồng khác nhau.
Thực tế nguồn nước từ các ao hồ đầm vùng đã cấp nước tưới cho khoảng 2,84% diện tích đất nông nghiệp vùng bãi. Với chiều sâu mực nước trung bình trong năm từ 1,5 – 3,0m thì tổng lượng nước trữ của ao hồ khoảng 1,0 – 1,98 triệu m3, tuy nhiên nguồn nước cấp vào ao hồ là không thường xuyên. Chất lượng nước ao hồ hiện nay vẫn đảm bảo để tưới cho cây trồng, vì vậy đánh giá khả năng khai thác nguồn nước mặt từ các ao, hồ để cấp nước tưới cho vùng bãi sông là đảm bảo. Có thể thấy các ao hồ có trữ lượng nước không lớn so với nhu cầu tưới thực tế của vùng bãi sông, nhưng cũng có thể đáp ứng được một số diện tích tưới cục bộ của các địa phương.
Tuy nhiên do nguồn sinh thủy ít, nguồn cấp bổ sung chủ yếu từ các trận mưa và bơm cấp bổ sung của con người, nên phần lớn ao hồ rất cạn kiệt vào mùa khô. Vì vậy đánh giá đây không phải là nguồn cấp nước thuận lợi và ổn định cho một vùng sản xuất nông nghiệp với diện tích lớn vùng bãi. Có thể sử dụng cấp nước tưới cho một số diện tích canh tác cục bộ có quy mô nhỏ, phù hợp với ao hồ hiện trạng cấp nước cho 4- 5% diện tích nông nghiệp vùng bãi sông.
3.1.1.3. Khả năng khai thác nguồn nước mặt để cấp nước tưới.
Xét tổng thể đối với lưu vực sông Hồng nhu cầu nước cho giai đoạn hiện tại trên lưu vực sông Hồng là rất lớn khoảng 21 tỷ m3, trong đó nhu cầu nước cho ngành trồng trọt chiếm 85%, thuỷ sản chiếm 11%.
- Về tổng lượng nước: Cũng theo đánh giá về khả năng đáp ứng của nguồn nước trong Luận án tiến sĩ “Nghiên cứu biến động tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của tác giả Lại Thế Vinh, 2016 cho thấy:
+ Tổng nhu cầu sử dụng nước trong năm của tất cả các ngành trên lưu vực chỉ chiếm 10% tổng lượng nước đến trên lưu vực trong năm, và tổng lượng mùa kiệt vẫn lớn hơn rất nhiều nhu cầu nước mùa kiệt, tỷ lệ nước cầu/cung là 16%.
nhất (tháng II và tháng III hàng năm) đối với vùng thượng du và hạ du cho thấy: Ở phía thượng du trong những tháng kiệt nhất, lượng nước sẵn có vẫn đáp ứng đủ. Ở phía hạ du đặc biệt vào tháng II, là tháng kiệt nhất nhưng lại có nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp rất cao phục vụ gieo cấy, thì lượng nước đến thấp hơn lượng nước yêu cầu. Vào tháng II, tổng lượng cung về nước ít hơn hẳn so với tổng lượng cầu về nước và tỷ lệ cầu/cung về nước lên đến 132%, tương ứng lượng nước thiếu toàn vùng ĐBSH vào tháng II lên đến 257m3/s. Như ở trên đã phân tích vào mùa kiệt mực nước sông xuống thấp, nhiều công trình thủy lợi xây dựng đã lâu hiện không lấy được nước. Tuy nhiên các công trình mới xây dựng trong mấy năm gần đây có thể khai thác được như: Trạm bơm Xuân Phú, huyện Phúc Thọ; trạm bơm Cửa Đình, huyện Gia Lâm…, các trạm bơm này được thiết kế với mực nước bể hút phù hợp với mực nước trong sông vào mùa kiệt những năm gần đây.
Như vậy, có thể thấy rằng về mặt tổng lượng, các hệ thống sông hoàn toàn có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước. Tuy nhiên vẫn có tình trạng thiếu nước sản xuất vẫn xảy ra ở một vài thời điểm nhất định. Nếu có biện pháp điều hòa nguồn nước phù hợp, công trình khai thác nước hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm thì sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước vào mùa kiệt hiện nay.