Trong các xí nghiệp có sử dụng hoá chất phải lưu ý đánh giá mức độ độc hại của môi trường (phần phụ lục), tổ chức phòng cấp cứu có đủ các loại thuốc cấp cứu thông thường, máy hô hấp nhân tạo. Đồng thời phải tổ chức huấn luyện cho cán bộ chuyên môn, hướng dẫn cách cấp cứu cho công nhân để họ có thể xử trí sơ bộ khi xảy ra nhiễm độc.
6.1. Ngăn không cho chất độc xâm nhập
- Nếu vào đường hô hấp đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi bị nhiễm độc, cho ra chỗ thoáng khí, nới bỏ quần áo để tránh ảnh hưởng đến đường hô hấp.
- Nếu vào đường da, niêm mạc: Rửa kỹ bằng nước lạnh, xà phòng.
- Nếu vào bằng đường tiêu hoá: Rửa dạ dày càng sớm càng tốt, nước rửa nên cho thêm chất có tính hấp thụ (than hoạt), chất giảm độc (lòng trắng trứng, tanin, bicarbonat...).
Nếu không có phương tiện rửa, gây nôn bằng kích thích cơ giới hoặc Apomorphin (0,5% 1ml dưới da). Chống chỉ định trên khi có rối loạn hô hấp tuần hoàn.
6.2. Thuốc chống độc đặc hiệu
Các loại thuốc có tác dụng với chất độc như trung hoà, đối kháng về mặt chức năng giải phóng men tranh chấp hoặc tác dụng hoá học tạo thành chất ít độc đối với cơ thể.
6.3. Nhanh chóng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể
Đa số các chất độc thải qua thận nên cho nạn nhân uống nhiều nước, truyền dịch đẳng trương hoặc dùng thuốc lợi niệu.
Khi vô niệu cho thẩm phân phúc mạc hoặc chạy thận nhân tạo.
6.4. Điều trị triệu chứng
- Khi có rối loạn hô hấp: Đặt ống thông khí quản, hút đờm dãi. Nếu ngừng thở phải dùng hô hấp nhân tạo.
- Nếu có phù phổi cấp dùng các thuốc phong bế hạch, khi cần chích máu tĩnh mạch 200 : 300 ml.
- Nếu thiếu oxy cho thở oxy hoặc khí carbogen. - Rối loạn tim mạch cho thuốc trợ tim.
Có thể dùng thuốc an thần, chống co giật và giảm đau nếu cần.