Căn cứ vào các tài liệu còn lưu giữ tại các Công ty Lâm nghiệp và các Ban quản lý rừng như bản Thuyết minh kỹ thuật, bản thiết kế kỹ thuật đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi trồng rừng, kết hợp với phỏng vấn các chủ rừng cho thấy các biện pháp kỹ thuật đã được ứng dụng trồng 2 loài keo (Keo tai tượng, Keo lai) như sau:
4.3.1. Về giống
- Đối với Keo tai tượng: Toàn bộ giống Keo tai tượng đều là giống hạt nhập từ Australia, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Cây con được tạo từ hạt, gieo ươm tại địa phương, vỏ bầu bằng Polyetylen kích thước 8x12cm. Hạt giống xử lý nứt nanh và gieo trên luống đất, khi cây mầm hình mũ diêm nhú lên mặt đất hoặc có 2 lá thật thì nhổ cấy vào bầu đất đã đóng sẵn trong vườn ươm. Cây con được nuôi
dưỡng trong vườn ươm từ 2,5-3 tháng tuổi thì đủ tiêu chuẩn xuất vườn, chiều cao trung bình từ 25-35cm, phần lớn từ 30-35cm. Chăm sóc con trong vườn ươm chủ yếu là tưới nước đủ ẩm mỗi ngày 2 lần; nhổ cỏ và phá váng mặt bầu định kỳ từ 10- 15 ngày một lần.
- Đối với Keo lai: Giống Keo lai được sử dụng ở hai tỉnh chủ yếu là cây con nhân giống bằng phương pháp giâm hom của các dòng BV10, BV16, BV32 và BV33, sản xuất tại địa phương hoặc đi mua của các công ty Lâm nghiệp có bộ phận chuyên sản xuất giống như Trung tâm khoa học sản xuất Nông Lâm nghiệp Quảng Ninh, Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc, một số mua của Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam).
Bảng 4.7: Tổng kết các biện pháp kỹ thuật cơ bản đã ứng dụng để xây dựng các mô hình có triển vọng gỗ lớn
Tỉnh
BPKT Quảng Ninh Bắc Giang
Thời vụ trồng Tháng 7-9 Tháng 6-8
Giống - Keo lai: BV10, BV16, BV32, BV33, cây hom;
- Keo tai tượng: Úc (nhập), cây hạt;
- Tiêu chuẩn cây con: từ 2,5-3 tháng tuổi; H = 25-35cm. - Có nguồn gốc rõ ràng.
- Keo lai: BV10, BV32, BV33, cây hom;
- Keo tai tượng: Úc (nhập), cây hạt;
- Tiêu chuẩn cây con: từ 2,5-3 tháng tuổi; H = 25-30cm. - Có nguồn gốc rõ ràng. Kỹ thuật xử lý thực bì - Phát dọn thực bì toàn diện; - Đốt cháy hết xác thực vật trên mặt đất. - Phát dọn thực bì toàn diện; - Đốt cháy hết xác thực vật trên mặt đất. Kỹ thuật làm đất - Làm đất cục bộ theo hố; - Cuốc hố thủ công: 40x40x40cm, thực tế chưa đạt?. - Làm đất cục bộ theo hố; - Cuốc hố thủ công: 40x40x40cm, thực tế chưa đạt?.
Kỹ thuật trồng - Phương thức trồng: thuần loài; - Mật độ trồng: 1.660 cây/ha (2x3m); - Bón lót: 200g NPK (5.10.3) - Phương thức trồng: thuần loài; - Mật độ trồng: 1.660 cây/ha (2x3m); - Bón 200g NPK (5.10.3) + 300g Vi sinh hữu cơ
Kỹ thuật chăm sóc rừng
- Phát thực bì toàn diện;
- Dãy cỏ theo hàng rộng từ 0,8- 1,0m, hoặc dãy cỏ quanh gốc rộng 0,8-1,0m.
- Không bón thúc. - 02 lần/năm
- Phát thực bì toàn diện; - Dãy cỏ theo hàng rộng từ 0,8-1,0m, hoặc dãy cỏ quanh gốc rộng 0,8-1,0m.
- Không bón thúc. - 02 lần/năm
Tỉa thưa - Không tỉa thưa. - Phần lớn không tỉa thưa, chỉ có một số mô hình tỉa thưa 1-2 năm gần đây.
4.3.2. Xử lý thực bì
Hầu hết các chủ rừng đều khẳng định cần thiết phải xử lý thực bì toàn diện bằng phương pháp phát đốt, tức là phát thực bì toàn diện trước khi trồng từ 1-2 tháng để khô rồi đốt. Vì một số diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt được phép cải tạo có thực bì khá dày và rậm, chủ yếu là tre, vầu, nứa tép, không xử lý theo cách phát đốt thì không thể trồng rừng. Một số khác trồng lại rừng trên đất đã khai thác keo hoặc bạch đàn, cành lá và ngọn còn lại khá dày trên mặt đất, nếu không đốt thì rất khó thi công và có nguy cơ cháy rừng rất cao, nên cũng cần phải phát đốt.
4.3.3. Kỹ thuật làm đất
Phần lớn các mô hình keo có triển vọng đã điều tra đều làm đất bằng phương pháp thủ công và cục bộ (bảng 4.7), sử dụng cuốc để đào hố, theo thuyết minh kỹ thuật thì hầu hết đều thiết kế kích thước hố là 40x40x40cm, nhưng theo nhận xét của các chủ rừng và cán bộ kỹ thuật thì thực tế kích thước hố đào không đạt được
như vậy, mà chỉ đạt khoảng 30x30x30cm. Vấn đề này là một thực tế, cán bộ kỹ thuật không sát sao chắc chắn sẽ có tình trạng như vậy, thậm chí khoảng cách giữa các hàng và khoảng cách giữa các cây trên hàng cũng không chính xác, phần lớn là trồng dầy hơn, mật độ tăng hơn so với thiết kế.
4.3.4. Kỹ thuật trồng
- Thời vụ Trồng: Theo nhiều tài liệu thì các tỉnh miền Bắc nước ta có hai thời vụ trồng rừng chính là vụ Xuân và vụ Hè-Thu, nhưng khuyến cáo tốt nhất là trồng vụ Xuân. Tuy nhiên, phần lớn các đơn vị cũng như cá nhân người dân ở khu vực điều tra đều trồng vào vụ Hè - Thu. Mặc dù người ta đều biết là trồng vụ Hè - Thu không tốt bằng vụ Xuân, do nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do chính là đầu năm chưa chuẩn bị kịp nhân tài vật lực phục vụ cho trồng rừng. Ngoài ra, phong tục và tập quán của nhiều dân tộc vùng núi phía chưa thực sự sắn sàng làm việc vào những ngày đầu Xuân.
- Phương thức trồng và mật độ trồng: chủ yếu là trồng tập trung thuần loài, mật độ theo thiết kế là 1.660 cây/ha (cự lý: 2x3m), đây là mật độ thích hợp cho trồng rừng gỗ nhỏ, chu kỳ từ 6-7 năm. Tuy nhiên, có thể trồng rừng gỗ lớn theo mật độ này, nhưng đến năm thứ 4 hoặc thứ 5 cần phải tỉa thưa, để lại từ 750-850 cây/ha là thích hợp (Nguyễn Huy Sơn, 2009).
- Bón lót: Hầu hết các công ty Lâm nghiệp vùng Đông Bắc nói chung và hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang nói riêng đều bón lót cho rừng trồng keo bằng phân vô cơ, cụ thể là đa số các cơ sở sản xuất ở cả hai tỉnh đều bón lót 200g NPK (5.10.3)/hố, một số cơ sở ở Bắc Giang có bón thêm khoảng 300-500g phân hữu cơ vi sinh. Khi phỏng vấn 08 cán bộ kỹ thuật của 8 Công ty Lâm nghiệp và 02 cán bộ kỹ thuật của Sở NN&PTNT hai tỉnh về cơ sở khoa học xác định loại phân và liều lượng phân để bón thì 100% số họ nói rằng đây là định mức qui định của Công ty. Khi phỏng vấn 05 người dân tự bỏ vốn ra để trồng trên đất được giao thì họ nói rằng Công ty làm như vậy thấy tốt thì làm theo. Như vậy, liều lượng và loại phân bón chưa có cơ sở khoa học, mà chỉ làm theo kinh nghiệm.
- Trồng rừng: Trồng rừng chính thường trồng sau những trận mưa, trước khi trồng cây 1-2 ngày đã tiến hành bón phân, lấp hố và đảo phân đều trong hố, vun đất bên ngoài vào đầy hố và cao hơn mặt đất từ 3-5cm. Khi trồng, dùng tay, hoặc cuốc đào một lỗ sâu hơn chiều cao của bầu cây. Bóc bỏ vỏ bầu, đặt cây ngay ngắn vào hố và vun đất ấn chặt quanh bầu đất, vun thêm đất cao hơn mặt đất từ 3-5cm. Thông thường, sau từ 1-2 tháng tiến hành trồng dặm những cây chết bằng những cây cùng lứa để dự phòng trong vườn ươm.
4.3.5. Kỹ thuật chăm sóc rừng
Kế thừa tài liệu thuyết minh kỹ thuật kết hợp phỏng vấn chủ rừng của 6 mô hình có triển vọng gỗ lớn cho thấy hầu hết các mô hình chỉ được chăm sóc trong 3 năm đầu kể từ khi trồng, năm đầu do trồng vụ Hè - Thu nên chỉ chăm sóc 1 lần vào cuối mùa mưa, 2 năm sau đó, mỗi năm chăm sóc 2 lần, lần 1 vào đầu mùa mưa và lần 2 vào đầu mùa khô kết hợp chống cháy rừng. Nội dung chăm sóc chủ yếu là phát thực bì toàn diện trên toàn bộ diện tích, dãy cỏ theo hàng rộng 1,0m, nhưng thực tế chỉ đạt 0,8m, xới đất quanh gốc rộng từ 0,6-0.8m. Hầu hết chưa có qui định bón thúc phân cho rừng trồng năm thứ 2 và thứ 3. Làm đường băng trắng xung quanh các lô rừng trồng để chống cháy rừng bằng cách phát sạch thực bì dọn ra ngoài, ít khi dãy cỏ trên đường băng.
4.3.6. Kỹ thuật tỉa thưa rừng
Trong 06 mô hình có triển vọng gỗ lớn đã điều tra đều trồng với mật độ ban đầu là 1.660 cây/ha, mục tiêu khi trồng là kinh doanh gỗ nhỏ chu kỳ 7 năm, làm dăm và bột giấy, có 01 mô hình Keo tai tượng trồng ở Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã được chuyển hóa thành rừng cung cấp gỗ lớn từ năm thứ 5 kể từ khi trồng (tỉa thưa năm 2014), theo hồ sơ lưu giữ tại Công ty Lâm nghiệp Lục Ngạn thì mật độ trước khi tỉa thưa còn khoảng từ 1.150-1.280 cây/ha, tỉa thưa cường độ khoảng 25%, mật độ hiện tại còn từ 820-880 cây/ha, mật độ này khá phù hợp với nghiên cứu về cây Keo lai ở Đông Nam bộ của Nguyễn Huy Sơn (2009), nên rất có triển vọng.
Tuy nhiên, số liệu ngay sau tỉa thưa và các tài liệu liên quan thuộc bản quyền của Tổng Cục Lâm nghiệp, do chưa tổng kết mô hình và chưa công bố, nên chưa được phép cung cấp để sử dụng trong phạm vi đề tài này. Đối tượng tỉa thưa là những cây cong queo, sâu bệnh, cụt ngọn, cành nhánh lớn, phân cành thấp, cây sinh trưởng kém nằm dưới tán, cây chèn ép lẫn nhau.
Hình 4.9. Mô hình Keo tai tượng chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn
ở Lục Ngạn, Bắc Giang