Mỗi loài sâu hại thường có đặc điểm sinh học khác nhau nên yêu cầu các biện pháp phòng trừ cũng khác nhau. Nếu tiến hành các biện pháp phòng trừ chung cho tất cả các loài sâu hại thì chi phí sẽ rất cao, hiệu quả phòng trừ kém không mang tính khả thi. Biện pháp phòng trừ có hiệu quả bền vững nhất là phục hồi hệ sinh thái rừng hoàn chỉnh trong đó có sự cân bằng về số lượng cá thể loài trong chuỗi thức ăn. Vì vậy, trong công tác phòng trừ sâu hại chỉ nên tập trung vào một số loài sâu hại chủ yếu có khả năng gây hại tại khu vực. Khi nghiên cứu đặc điểm dịch sâu hại ta thấy các loài sâu hại chỉ gây hại khi có mật độ lớn và gây ảnh hưởng xấu tới mục tiêu kinh doanh của con người. Một loài sâu hại có tiềm năng phát dịch - loài có khả năng sinh sản cao - cần có điều kiện môi trường thuận lợi. Nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của sâu hại và sử dụng tốt các loài thiên địch, ta cần đi sâu phân tích để rút ra các loài sâu hại chủ yếu. Những chỉ tiêu để xác định loài sâu hại chủ yếu gồm:
- Số lần xuất hiện của loài sâu trong các đợt điều tra = SLXH - Mật độ của loài sâu hại (M), tỷ lệ cây có loài sâu hại (P%).
- Mức độ gây hại của sâu (R%).
Đây là những chỉ tiêu đặc trưng nhất cho quần thể sâu ở thời điểm hiện tại vì: Số lần xuất hiện sâu hại thể hiện mức độ phổ biến của chúng; Mật độ đánh giá mức độ đe doạ của quần thể sâu hại đối với cây trồng. Tỷ lệ cây có sâu phản ánh mức độ lan tràn của quần thể sâu hại; Hình thức gây hại khác nhau sẽ có ảnh hưởng khác nhau tới cây trồng. Cuối cùng, mức độ gây hại của sâu là chỉ tiêu đánh giá mang tính tổng hợp các chỉ tiêu kể trên. Để đánh giá chính xác loài sâu hại nào là loài gây hại chính còn cần đến các thông tin như quá trình phát dịch và nguy cơ phát dịch của chúng. Do các nghiên cứu về sâu hại cây Thầu dầu ở nước ta còn mới mẻ nên chưa có những thông tin đó. Với thời gian nghiên cứu ngắn thì đây là phương pháp khá đầy đủ và chính xác để xác định các loài sâu hại chủ yếu. Kết hợp với việc tìm hiểu tình hình sâu hại trong những năm gần đây để việc xác định được chính xác hơn.
Bảng 4.4: Kết quả điều tra sâu hại Thầu dầu tại khu vực nghiên cứu
Stt Loài sâu SLXH M (con/cây) P% Cây có sâu R% Mức hại 1 Mối đất 1 + 2 Sâu khoang 4 0,17 11,2 + 3 Sâu róm 4 túm lông 4 0,02 14,3 + 4 Sâu róm vàng 3 0,01 11,2 + 5 Rầy xanh 5 2,147 23,2 ++ 6 Bọ hung nâu nhỏ 3 0,01 10,1 + 7 Vòi voi 5 0,433 24,4 ++ 8 Bọ rùa đen 1 +
Nhìn vào Bảng 4.4 ta thấy: Căn cứ vào số lần xuất hiện (SLXH) của sâu có thể xếp hạng các loài sâu hại theo thứ tự sau đây:
1. Loài Rầy xanh, Vòi voi xuất hiện trong cả 5 lần điều tra. Như vậy đây là hai loài phổ biến nhất của khu vực nghiên cứu.
2. Loài đứng thứ hai về số lần xuất hiện là Sâu khoang và Sâu róm 4 túm lông (Ngài độc), có 4 lần xuất hiện trên tổng số 5 lần điều tra. 3. Sâu róm vàng và Bọ hung nâu nhỏ xuất hiện 3 lần.
4. Các loài còn lại chỉ điều tra được một lần.
Nếu chỉ lựa chọn những loài có số lần xuất hiện lớn hơn 50% số lần điều tra để xét tiếp các chỉ tiêu khác ta thấy số loài có thể là sâu hại chủ yếu chỉ còn 6 loài, đó là: Loài Vòi voi, Sâu khoang, Rầy xanh, sâu róm 4 túm lông, sâu róm vàng và Bọ hung nâu nhỏ.
Xét về chỉ tiêu mật độ có thể dễ dàng thấy rằng các loài sau đây có mật độ khá cao: Vòi voi (0,433 con/cây); Rầy xanh (2,147 con/cây); Sâu khoang (0,17 con/cây)
Mật độ và tỷ lệ cây có sâu thường có quan hệ với nhau, những loài có mật độ cao thường cũng có chỉ số P% cao: Trong bảng trên có thể thấy các loài có tỷ lệ cây có sâu 10% gồm: Vòi voi, Sâu khoang , Sâu róm 4 túm lông, Rầy xanh.
Đánh giá mức độ gây hại của các loài sâu: Căn cứ vào đặc điểm gây hại của sâu có thể thấy các loài sâu hại quả, hại rễ rất nguy hiểm, Khi gây hại mạnh chúng có thể làm chết cây hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh trưởng, phát triển và chất lượng của cây.
Như vậy, trong số 8 loài côn trùng thu được, các loài Vòi voi và loài Rầy xanh là 2 loài sâu hại nguy hiểm nhất hiện nay nên được coi là sâu hại chủ yếu trên cây Thầu dầu ở thời điểm nghiên cứu này. Loài Sâu khoang, Sâu róm 4 túm lông, Sâu róm vàng và Bọ hung nâu nhỏ cũng là những loài rất đáng chú ý, đây là những loài sâu hại có tiềm năng trở thành sâu hại chủ yếu. Sau đây là một số thông tin về các loài sâu hại này.