Biến đổi về kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) làng bản của người nùng ở huyện bình gia tỉnh lạng sơn (1986 2013) (Trang 89 - 93)

6. Cấu trúc của đề tài

3.4 Biến đổi về kinh tế

Những chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như biến đổi về không gian sinh tồn đã làm cho đời sống kinh tế ở các bản của người Nùng ở huyện Bình Gia biến đổi nhanh chóng so với giai đoạn 1986 - 1998.

Trải qua những thăng trầm về kinh tế và văn hóa nhưng đến nay, kinh tế nông nghiệp vẫn là nền kinh tế chủ đạo của người Nùng ở Bình Gia. Các nghành nghề khác vẫn chỉ mang tính chất phụ trợ, kinh tế nông nghiệp của đồng bào đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể về tất cả các mặt như về tư liệu sản xuất, cơ cấu giống cây trồng, năng suất và chất lượng.

Với sự hỗ trợ của nhà nước và địa phương, đồng bào đã đẩy mạnh các biện pháp thâm canh tăng vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Nhờ đó sản lượng lương thực quy thóc liên tục tăng qua các năm: từ 16.608 tấn năm 2000 lên 19.946 tấn năm 2005 và năm 2010 đạt 21.607 tấn. Bình quân lương thực đầu người theo đó cũng tăng đáng kể: năm 2000 là 314 kg/người, đến năm 2010 đạt 412 kg/người [49].

Cơ cấu giống lúa và giống cây trồng nói chung có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Tỷ lệ các giống lúa lai có năng suất cao ngày càng được đưa vào sản xuất. Các cây công nghiệp hàng năm như thuốc lá, lạc, đỗ tương, thuốc lá,… đều tăng cả về diện tích và sản lượng. Đến năm 2010, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đã đạt 7.242 ha trong đó: Diện tích lúa là 4.040,6 ha đạt 99,3% kế hoạch; Diện tích ngô là 1.164,2 ha đạt 107,8% kế hoạch; Cây chất bột có củ trồng được 597,6 ha đạt 93,4% kế hoạch; Cây thực phẩm các loại trồng được 497,5 ha đạt 97,5% kế hoạch; Cây thạch đen trồng được 430 ha [49].

Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng cả năm là 7.619,8 ha bằng 102,3 kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt là 22.189 tấn, bằng 97,0% kế hoạch. Trong đó: diện tích lúa cả năm là 4.085 ha, sản lượng 16.237,6 tấn; ngô cả năm 1.290,5 ha, sản lượng 5.951,4 tấn; cây chất bột có củ 633,3 ha, đạt 99,0% kế hoạch; cây thực phẩm 732,8 ha, đạt 104,7%; cây công nghiệp hàng năm 298 ha, đạt 87,6% kế hoạch; cây hàng năm khác 579,4 ha, đạt 141,3% kế hoạch.[50]

Trong cơ cấu cây công nghiệp hàng năm đáng kể nhất là cây thạch đen chiếm 58, 4 % diện tích cây công nghiệp. Thạch đen là loại cây khó trồng, đòi hỏi nhiều công chăm sóc trong suốt quá trình trồng cho đến khi thu hoạch, kén đất, thời gian sinh trưởng chậm. Tuy nhiên trong giai đoạn 2000-2010, diện tích và sản lượng thạch đen tăng do đồng bào trồng để bán sang Trung Quốc. Năm 2000 diện tích thạch đen là 180 ha đến năm 2010 đã tăng lên 415,4 ha với sản lượng là 1770 tấn. Việc trồng thạch đen đã góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào Nùng. Thạch đen được trồng nhiều ở các xã Hồng Phong, Hoa Thám, Quý Hòa, Vĩnh Yên, Yên Lỗ, Hưng Đạo, Bình La, quy mô các xã này là 400 ha, chiếm 80% diện tích và sản lượng toàn huyện.

Trong các bản làng người Nùng, cây hồi chiếm vị trí quan trọng. Trong giai đoạn 2000- 2010, sản lượng hồi khô của Bình Gia tăng nhanh từ 450 tấn năm 2000 đến năm 2010 đã tăng lên 780 tấn.[78] Đa số những rừng hồi của đồng bào đều cách nhà khá xa, khoảng từ 2-3 km. Do vậy vào mùa thu hoạch hồi (bắt đầu từ tháng 8 cho đến hết tháng 11 hàng năm), đồng bào phải dậy từ rất sớm. Những người hái hoa hồi nhanh và gặp những cây hồi sai quả một ngày hái được từ 50 đến 70 kg với giá trên thị trường hiện nay là 10.000 đ/ kg hồi tươi và 40.000/kg hồi khô, trung bình thu nhập mỗi ngày 200-300.000. Nghề trèo hồi rất vất vả vì bị say, buồn nôn do mùi dầu hồi, ngoài ra hai bàn chân còn bị sưng tím do phải leo trèo trên cây cả tháng. Đặc biệt nguy hiểm hơn vì cành hồi rất giòn và dễ gẫy hơn các loại cây khác, nếu không may bị ngã, nhẹ thì gãy chân gãy tay, nặng có thể tử vong. Giá hoa hồi mỗi năm cao thấp khác nhau, nhưng cũng mang lại khoản thu nhập đáng kể cho người trồng hồi.

Chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện Bình Gia, đàn gia súc, gia cầm phát triển chậm. Trong giai đoạn 2000 – 2005 đàn trâu tăng từ 19.608 con lên 20.843 con. Giai đoạn 2005 -2010 đàn trâu giảm từ 20.843 con xuống còn 16.042 con [49]. Số lượng đàn trâu giảm là do quá trình cơ giới hóa tăng, nhu cầu sức kéo giảm xuống, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều diện tích chăn thả trước đây được sử dụng vào trồng rừng. Xã có số lượng trâu lớn là Tân Văn, Minh Khai, Hồng Phong, Hoa Thám, Hưng Đạo, Thiện Long. Đàn bò có số lượng ít hơn đàn trâu nhưng hiện nay đang tăng dần do nhu cầu sử dụng thịt tăng, là thực phẩm được ưa chuộng trên thị trường, nhất là trong điều kiện nhiều loại dịch bệnh bùng phát như dịch cúm gia cầm dịch lơn tai xanh… nên người dân đã hướng sang sử dụng thịt bò. Các xã có số lượng đàn bò lớn là Quang Trung, Tô Hiệu, Hồng Thái, Thiện Thuật… Đàn gia cầm phát triển chậm, đồng bào chủ yếu chăn gà, vịt với quan điểm tận dụng thức ăn thừa cũng như phụ phẩm nông nghiệp và các loại thức ăn từ tự nhiên nên năng suất chưa cao.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Gia tuy có phát triển nhất định nhưng chủ yếu là trong lĩnh vực khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công đồ mộc, chế biến lương thực, thực phẩm… bước đầu đã tạo được thu nhập cho người lao động. Máy móc, trang thiết bị đã được đầu tư, đổi mới nhưng chỉ với quy mô nhỏ, hộ gia đình, sản phẩm đơn giản, chưa sản xuất được những sản phẩm có giá trị để mở rộng thị trường. Trong các bản làng người Nùng, các nghề tiểu thủ công nghiệp đã bị mai một đi nhiều. Nghề mộc và đan lát vẫn được duy trì nhưng ở quy mô gia đình. Tại đa số các làng bản, đồng bào đã quan tâm phát triển nghề chế biến nông sản như làm đậu phụ, nấu rượu, xay sát gạo…..

Trao đổi buôn bán của người Nùng ở Bình Gia đã phát triển tấp nập hơn trước. Ngoài chợ Trung tâm ở thị trấn Bình Gia, chợ Pắc Khuông và chợ Văn Mịch , trong giai đoạn này Bình Gia còn có các chợ cụm khu vực là các chợ Hoa Thám và chợ Khuổi Lào. Các chợ này có vai trò thu gom nông sản hàng hóa của nông dân ở các xã như hoa hồi khô, đậu, lạc, mật ong,.. mang đi tiêu thụ tại thành phố Lạng Sơn và xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong các bản làng đều có những hộ kinh doanh, luân chuyển nhiều loại hàng hóa. Nhờ mạng lưới giao thông liên xã đã được hoàn thiện nên vệc trao đổi buôn bán của đồng bào Nùng đã phát triển hơn nhiều.

Những năm gần đây, hiện tượng vượt biên trái phép đi làm thuê trở thành một nguồn thu đáng kể của người dân địa phương. Bất chấp nguy hiểm, đồng bào không làm thủ tục xuất cảnh do mất thời gian, thời hạn ngắn khiến họ đi theo con đường vượt biên trái phép vì miếng cơm manh áo. Theo tư liệu điền dã của tác giả: “Chặt mía ở Trung Quốc được 65 – 70 nhân dân tệ tương đương với 200 đến 230 nghìn đồng tiền Việt Nam, ngày làm 8 tiếng, nhiều người đi hết vụ mía có mức thu nhập khoảng 20 – 30 triệu đồng” [80]. Bên cạnh những lợi nhuận đáng kể thì chặt mía thuê vẫn là công việc mạo hiểm vì những lí do

như vượt biên trái phép nên bị công an Trung Quốc bắt giữ, bị chủ quỵt tiền, bị đánh đập, cướp tiền… có trường hợp bỏ mạng nơi đất khách quê người.

Theo thống kê của công an huyện, năm 2011 số công dân Bình Gia xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê là 532 lượt người, đến năm 2013 đã tăng lên là 1659 lượt người. Trước tình hình trên, các cấp chính quyền địa phương đã tuyên truyền ngăn chặn kịp thời nhưng tình trạng vượt biên trái phép vẫn còn xảy ra. Hiện tượng này buộc các cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay đưa ra các biện pháp ngăn chặn và có chính sách cải thiện đời sống nhân dân.

Ngoài ra, người dân còn thường tham gia làm thời vụ với các công việc như bốc vác, khai thác rừng, làm công nhân cho các công ty điện tử. Với nghề bốc vác, nhiều hộ gia đình đã thu được lợi nhuận cao, cải thiện được cuộc sống hàng ngày, địa điểm làm việc chủ yếu của đồng bào là ở các cửa khẩu Na Rì, Cổng Trắng Văn Lãng (Tân Thanh) với mức lương là 200.000 đồng/ngày [68].

Nền kinh tế phát triển góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, tuy nhiên nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao. Theo tài liệu của phòng lao động thương binh xã hội, năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo là 43,38% đến năm 2008 giảm xuống còn 38,10%. Từ năm 2009, số hộ nghèo lại tăng một phần do có những hộ thoát nghèo lại tái nghèo trở lại. Năm 2010 số hộ nghèo chiếm 61,35%, nhưng nhờ những chính sách và tích cực của Đảng và địa phương, số hộ nghèo ở Bình Gia đã có xu hướng giảm, năm 2013 đã giảm xuống 49,0%. Riêng với đồng bào Nùng năm 2010 có 5.079 hộ nghèo đến năm 2013 đã giảm xuống còn 4.364 hộ [76]. Như vậy, cuộc sống của đồng bào ngày càng có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nhờ những chính sách phát triển kinh tế nông – công – thương nghiệp chung của huyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) làng bản của người nùng ở huyện bình gia tỉnh lạng sơn (1986 2013) (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)