CHƯƠNG 1 : GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU
2.2 Lý thuyết tài chính hành vi
Bắt đầu từ những năm thập niên 80, các nhà nghiên cứu kinh tế đã tập trung vào những thiếu sót, lỗ hỏng của mô hình tài chính truyền thống. Trải qua nhiều nghiên cứu, các nhà học thuật đã thành lập nên các lý thuyết về tài chính hành vi. Nếu như lý thuyết tài chính truyền thống cho rằng nhà đầu tư không thể đánh bại thị trường bằng các phương pháp phân tích chứng khoán và lựa chọn cổ phiếu thì lý thuyết tài chính hành vi cho rằng nhà đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận bất thường bằng cách lựa chọn và phân tích cổ phiếu. Theo De Bondt (1998) , quan điểm của lý thuyết tài chính hành vi là “thị trường gồm những người chơi không hoàn toàn sáng suốt trên thị trường không hoàn hảo“ . Lý thuyết tài chính hành vi nhận định rằng trên thị trường chứng khoán có tồn tại những bất thường và thị trường chứng khoán không phải bao giờ cũng có hiệu quả.
Theo Daniel et al. (1998) đã thực hiện phân loại những nghiên cứu về tài chính hành vi thành năm nhánh chính và sau đây là một số các công trình nghiên cứu điển hình của từng nhánh:
+ Tác động của các thông tin được công bố đối với giá chứng khoán trên thị trường. Những công trình nghiên cứu này nhằm mục đích để đo tốc độ điều chỉnh thị giá của cổ phiếu đối với những thông tin mới công bố trên thị trường. Đồng thời, những công trình nghiên cứu này cũng xem xét, đánh giá mức độ phản ứng chậm của thị trường đối với các thông tin được công bố. Kết quả thu được cho thấy, một số nghiên cứu chẳng hạn như nghiên cứu của Bernard & Thomas (1990) thu được kết quả sau giai đoạn thông báo thông tin thì có thể cổ phiếu có thể sinh ra lợi nhuận bất thường .
+ Hiệu ứng xu thế ngắn hạn điển hình như các nghiên cứu của Jegadeesh & Titman (1993) và của Jagadeesh & Titman (2001), kết quả nghiên cứu cho thấy nhà đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận bất thường bằng cách mua cổ phiếu đang lên giá và bán cổ phiếu đang giảm giá trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng sau ngày công bố thông tin.
+ Nếu thị trường trong ngắn hạn có những phản ứng thái quá thì sau đó trong dài hạn sẽ xuất hiện sự đảo chiều. Nghiên cứu của Lakonishok et al. (1994) cho thấy do sự xuất hiện của các rủi ro phát sinh thêm sẽ gây ra hiệu ứng đảo ngược xu thế dài hạn không thể được giải thích theo một cách thông thường. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư phản ứng thái quá với thông tin tiếp nhận được do đó đẩy giá cổ phiếu tăng cao mà không tính đến khả năng các công ty này có thể đã hoạt động kém hiệu quả trong thời gian gần đây. Các nhà đầu tư ngược xu thế sẽ đầu tư vào cổ phiếu giá trị và thoái vốn khỏi các cổ phiếu tăng trưởng.
+ Đảo ngược xu thế dài hạn, theo nghiên cứu của Bondt & Thaler (1987) cho thấy rằng giá cổ phiếu vượt trội hơn trên thị trường trong 5 hay 6 năm sẽ có xu hướng quay về giá trị nội tại của nó. Do đó, lời khuyên cho các nhà đầu tư là nên mua các cổ phiếu dài hạn đang giảm giá và bán khống các cổ phiếu ngắn hạn đang tăng giá thì có thể thu được lợi nhuận bất thường.
+ Thanh khoản quá cao sẽ đẩy giá chứng khoán tăng cao hơn so với giá trị cơ bản: theo kết quả nghiên cứu của Shiller (2003) thu được cho thấy sự bất thường được tạo ra bởi thanh khoản cao sẽ gây ra nhiều thách thức đối với EMH hơn so với các bất thường tài chính khác như hiệu ứng ngày trong tuần, hiệu ứng tháng Giêng. Lập luận này có cơ sở và rất khó có thể phản biện được. Thanh khoản cao sẽ tạo thay đổi về giá mà không có sự hỗ trợ của các yếu tố cơ bản.
+ Các nghiên cứu khác như: hiệu ứng tuần hoàn (cyclical), hiệu ứng thời vụ (calendar). Đối với hiệu ứng thời vụ, nghiên cứu của Rozeff & Kinney (1976) cho thấy rằng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu trong tháng Giêng sẽ cao hơn đáng kể so với các tháng khác trong năm. Theo phân tích Arnold (2008) ở khía cạnh học thuật của cũng chứng minh hiệu ứng cuối tuần, theo đó lợi nhuận thu được trong các ngày thứ Sáu sẽ cao hơn và thấp hơn vào các ngày thứ Hai.