Định hướng dạy học của luận văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học trích đoạn tiểu thuyết ông già và biển cả trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 theo đặc trưng thể loại​ (Trang 73 - 84)

7. Dự kiến cấu trúc của luận văn

2.3 Định hướng dạy học của luận văn

2.3.1 Thể loại và đặc điểm của văn bản

Tác phẩm "Ông già và biển cả" thuộc thể loại tiểu thuyết nhưng đây là một tiểu thuyết khá đặc biệt bởi tác phẩm đi ngược lại hoàn toàn với khái niệm của

tiểu thuyết truyền thống khi tác phẩm này có dung lượng khá ngắn ngủi (gần 100 trang với khoảng 27000 chữ), nhân vật ít ỏi, cốt truyện chỉ là một lát cắt, một khoảnh khắc trong cuộc đời chứ không phải toàn bộ cuộc đời nhân vật... Giống như một tảng băng trôi, tác phẩm có bề nổi về mặt ngôn từ không nhiều nhưng lại có phần mạch ngầm văn bản thì rất lớn. Không chỉ có dung lượng tác phẩm và số lượng nhân vật ít ỏi mà các yếu tố khác như ngôn từ, chi tiết, cốt truyện... trong tác phẩm đều hết sức cô đọng.

2.3.2 Hướng tiếp cận trích đoạn

Tiểu thuyết là một thể loại thuộc loại hình tự sự và một tác phẩm tự sự thì

"bao giờ cũng có cốt truyện. Gắn liền với cốt truyện là hệ thống nhân vật ... và đòi hỏi nhà văn phải sáng tạo ra hình tượng người trần thuật". Về mặt nội

dung, một tác phẩm tự sự nói chung bao giờ cũng gồm có hai mặt: bức tranh về đời sống và tư tưởng tình cảm của tác giả. Về mặt hình thức thì tác phẩm tự sự có ba yếu tố: cốt truyện, nhân vật, lời kể. Dạy một tác phẩm tự sự là đưa học sinh bước vào thế giới hình tượng trong tác phẩm và thế giới tâm hồn của tác giả. Cả hai yếu tố này được được biểu đạt qua: cốt truyện, nhân vật, lời kể. Tác phẩm "Ông già và biển cả" là một tác phẩm độc đáo, đi ngược lại

những quan niệm truyền thống về tiểu thuyết trước đó nhưng nó vẫn được xếp vào thể loại tiểu thuyết bởi nó vẫn có những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết. Cái làm cho tác phẩm này trở nên độc đáo là sự bứt phá trong cách thể hiện trái với những quan niệm truyền thống về tiểu thuyết. Tức là, về cơ bản tác phẩm này cũng như các tác phẩm tự sự nói chung và tiểu thuyết nói riêng đều có những yếu tố cơ bản của một tác phẩm tự sự như: cốt truyện, nhân vật, lời kể... nhưng cách thể hiện của tác giả lại hoàn toàn khác truyền thống. Cốt truyện không dài dòng, không nhiều tình tiết, không có tham vọng tái hiện lại cả cuộc đời nhân vật mà chỉ tái hiện khoảnh khắc. Nhân vật ít ỏi. Lời kể độc đáo, mới lạ, không chỉ có một mình người kể chuyện dẫn dắt câu chuyện mà còn có cả sự tham gia của cả nhân vật.

Do đó, luận văn đề xuất định hướng dạy học trích đoạn này theo đặc trưng thể loại và sẽ tiếp cận nó từ ba yếu tố hình thức để dẫn đến hai mặt của nội dung tác phẩm.

Theo định hướng ấy, tiến trình hoạt động trên lớp của thầy sẽ là lần lượt tìm hiểu từ cốt truyện, đến nhân vật và đến lời kể. Với mỗi yếu tố này thầy và trò đều tiến hành hai bước như sau:

Bước 1: Phát hiện sáng tạo của nhà văn về nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nhân vật, lời kể. (Phát hiện "tầng nổi" của "tảng băng trôi")

Bước 2: Phân tích ý nghĩa của những sáng tạo đó đối với việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm. (Khám phá "tầng chìm" của "tảng băng trôi")

2.3.3 Nội dung bài học và tiến trình dạy học

Dạy theo hướng tiếp cận trên, nội dung bài học sẽ gồm có ba phần: cốt truyện, nhân vật, lời kể. Mỗi phần như vậy sẽ tìm hiểu hai vấn đề: khám phá sáng tạo nghệ thuật của nhà văn; phân tích ý nghĩa của sáng tạo đó trong việc thể hiện nội dung và qua đó khám phá ra lớp nghĩa hàm ẩn của tác phẩm.

2.3.3.1 Tìm hiểu về cốt truyện a, Nội dung cốt truyện

Đoạn trích trong sách giáo khoa nằm ở gần cuối tác phẩm. Đoạn trích kể lại câu chuyện ông lão Santiago sau ba ngày ba đêm ròng rã vật lộn với con cá Kiếm khổng lồ cuối cùng đã chinh phục được nó. Văn bản được chia làm hai phần chính:

Phần 1: Diễn biến chinh phục con cá Kiếm (từ đầu cho đến "con cá trắng bạc, thẳng đơ và bồng bềnh theo sóng")

Phần 2: Hành trình trở về sau chiến thắng của ông lão Santiago (phần còn lại) Về phần 1: Diễn biến cuộc chiến chinh phục con cá Kiếm của ông lão Santiago được chia làm nhiều chặng khác nhau.

Cuộc chiến diễn ra giữa hai đối thủ: Ông lão Santiago là người dày dặn kinh nghiệm đánh cá trên biển, chưa từng bại trận nhưng lại chỉ có một mình

trên biển. Ông lão đã có 84 ngày lênh đênh trên biển và thức ăn, sức lực đang dần cạn kiệt. Con cá Kiếm có thân hình khổng lồ, có sức mạnh, khôn ngoan và có nhiều mánh lới nhưng lại đang bị mắc câu của ông lão.

+ Chặng 1: Con cá cắn câu và bắt đầu lượn vòng để khiến cho ông lão mệt mỏi, nản chí mà buông thả con cá. Nhưng ông lão Santiago lại không hề nản chí và ra sức kéo lưới để thu hẹp vòng lượn của con cá.

+ Chặng tiếp theo: Con cá tìm cách vùng vẫy để thoát khỏi lưỡi câu. Ông lão bắt đầu kiệt sức và có nguy cơ gục ngã trước con cá.

+ Chặng cuối: Ông lão dùng hết chút sức lực còn lại để ra đòn quyết định hạ gục con cá. Kết quả ông lão là kẻ chiến thắng.

b, Ý nghĩa của cốt truyện

"Ông già và biển cả" là một cuốn truyện độc đáo. So với các tác phẩm sáng tác theo quan niệm truyền thống thì tác phẩm có rất ít sự kiện, biến cố. Do đó nó được đánh giá là tác phẩm khó "kể lại" hoặc chẳng có gì để kể. Nhưng kì thực đây là tác phẩm có cốt truyện rõ nét, có đầu đuôi và thời gian phát triển theo trục dọc ba ngày đêm.

Về "phần nổi" xây dựng cốt truyện là trận chiến giữa một bên là vật và một bên là người. Cả hai đối thủ đều đáng gờm, ngang tài ngang sức, trận đấu diễn ra nhiều chặng. Điều này đã tạo ra cho tác phẩm sự lôi cuốn đặc biệt cho độc giả. Người đọc như bị cuốn vào trận chiến, căng thẳng, hồi hộp dõi theo diễn biến từng chặng đấu. Nhưng đấy mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Thông qua câu chuyện về cuộc chiến chinh phục con cá Kiếm khổng lồ của ông lão Santiago, Hêmingway muốn đến những thông điệp nhân văn cao cả:

+ Cuộc chiến không chỉ đơn giản việc đánh bắt một con cá đơn thuần mà đây còn là một cuộc chiến về sức lực mà còn cả về ý chí và trí tuệ. Dù trong bất kì một công việc nào đó, muốn thành công không thể chỉ dựa vào sức mạnh của cơ bắp mà cần có cả ý chí và trí tuệ.

+ Ngợi ca con người, tin tưởng con người và khẳng định trí tuệ, ý chí của con người.

+ "Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại".

+ Xây dựng cuộc chiến giữa hai nhân vật đặc biệt giữa một bên là con người và một bên là con vật, một bên là ông lão già nua, sức khỏe hạn chế nhưng lại dày dặn kinh nghiệm và có ý chí kiên cường không thể khuất phục với một bên là con cá khổng lồ, sức mạnh phi thường đầy khôn ngoan, Hêmingway đã phần nào phản ánh về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. So với thiên nhiên vĩ đại con người thật bé nhỏ nhưng con người lại có trí tuệ, có ý chí kiên cường không thể khuất phục vì thế con người có thể chinh phục được tự nhiên.

+ Con người luôn coi thiên nhiên là người bạn, không hủy diệt mà chỉ chinh phục.

2.3.3.2 Tìm hiểu về nhân vật và ý nghĩa hình tượng nhân vật a, Nhân vật

Nhân vật trong trích đoạn này gồm: ông lão Santiago và con cá Kiếm khổng lồ.

* Hình tượng nhân vật ông lão Santiago

Santiago là một ông lão đánh cá nghèo khổ, thân hình gầy gò khô đét,

sống cô độc trong túp lều rách gần bờ biển ngoại ô thành phố Lahabana, Cuba.

Sau 84 ngày ra khơi mà không kiếm được con cá nào, người ta cho rằng lão là người vận rủi, số đen. Nhưng lão không tin như vậy, lão vẫn tin tưởng rằng sẽ đánh được một mẻ cá lớn xứng đáng với uy danh của lão thời còn trai trẻ.

Santiago là một lão ngư phủ lành nghề, có kinh nghiệm đánh cá lâu

năm và là người chưa từng bại trận. Trong cuộc chiến với con cá khổng lồ, sự

lành nghề của Santiago được thể hiện rất rõ nét ở các chi tiết như: Ông lão cảm nhận được rõ áp lực của sợi dây, từ cảm nhận áp lực đó ông lão đoán biết hành động của con cá và khéo léo điều khiển sợi dây, lúc nới lỏng, lúc thu dây để làm con cá kiệt sức. Ông lão cảm nhận được các vòng lượn của con cá dưới làn

nước sâu. Dẫu đã gần như kiệt sức nhưng chỉ bằng một cú lao ông lão hạ gục được con cá...

Bên cạnh sự lành nghề Santiago còn là nhân vật có nhiều phẩm chất tốt đẹp khác:

+ Lão là con người luôn hành động, không ngồi yên để chờ vận may đến. Trong cuộc chiến với con cá lão không ngừng hoạt động cả trí óc lẫn tay chân. Tay lão không ngừng thu, kéo dây câu. Đầu óc lão không ngừng phán đoán, phân tích hành động của con cá. Toàn bộ thân thể lão căng lên để chống chọi với con cá.

+ Lão là người có ý chí và không ngừng tin tưởng vào khả năng của bản

thân. Ông lão luôn tin tưởng vào khả năng chiến thắng con cá của bản thân. Khi cơ thể mệt mỏi, rệu rã vì căng mình chiến đấu với con cá và muốn đầu hàng thì ý chí không ngừng tự cổ vũ bản thân nỗ lực vượt khó khăn để chiến thắng. Trong đầu lão luôn tự nhủ với bản thân: "ta sẽ có nó"; "tao sẽ tóm mày ở

đường lượn"...

+ Lão là người có khả năng vượt lên chính mình. Chiến đấu với con cá

khổng lồ khi tuổi đã cao thì sức khỏe là một trở ngại lớn của ông lão trong cuộc chiến với con cá. Ý chí thôi thúc ông lão phải chiến thắng con cá nhưng sức khỏe có giới hạn, cơ thể suy yếu và đã có lúc muốn gục ngã. Do đó ông lão không chỉ chiến đấu với cá Kiếm mà còn phải tự chiến đấu với bản thân. Khi cơ thể rơi vào trạng thái sắp suy kiệt bằng những cơn hoa mắt, choáng váng, đầu óc lú lẫn thì ý chí lão không ngừng vươn lên mạnh mẽ, liên tục hối thúc lão: "cố thêm lần nữa", "đầu ơi hãy tỉnh táo", "hãy tỉnh táo", "làm ngay

đi, lão già ơi"... Bằng cách đó lão trở nên mạnh hơn con cá và trở thành người

chiến thắng.

+ Lão là con người biết yêu thiên nhiên, yêu Cái Đẹp và trân trọng Cái Đẹp:

Ông lão không chỉ nhìn thấy được vẻ đẹp thể chất (to lớn, kì vĩ và tuyệt đẹp) mà ông còn nhìn thấy ở con cá vẻ đẹp của sự cao thượng, uy dũng và hiên

ngang. Do đó ông lão hết sức trân trọng, thán phục và ca ngợi con cá. Ông lão coi nó như một người bạn, gọi nó là người anh em: "Tao chưa từng thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ. hãy đến và giết ta đi. Ta không quan tâm chuyện ai giết ai". Phải là một người hết

lòng yêu thiên nhiên, yêu Cái Đẹp thì mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp của con cá và có thái độ đầy trân trọng như vậy.

* Hình tượng nhân vật cá Kiếm

Con cá Kiếm xuất hiện ngay từ đầu đoạn trích qua những cảm nhận của ông lão Santiago về áp lực của sợi dây câu nhưng chỉ đến khi con cá phóng lên khỏi mặt nước thì ông lão mới thấy được hết tầm vóc của con cá. Đó là một con cá Kiếm khổng lồ tuyệt đẹp: "thân hình đồ sộ với những sọc màu tía trên mình

nó. Cánh trên lưng xếp lại, còn bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng"; "con cá lớn đến nỗi trông như thể ông lão buộc con thuyền khác lớn hơn nhiều vào thuyền nhỏ của mình".

Qua những hành động của con cá, kể từ khi bị mắc lưỡi câu cho đến lúc thua trận, đã cho ta thấy con cá là một đối thủ cân tài cân sức với ông lão. Cùng với thân hình khổng lồ là sức mạnh phi thường về mặt thể chất, con cá dễ dàng lôi tuột ông lão và con thuyền ra xa khơi. Không chỉ có vậy nó còn là con cá khôn ngoan, có kinh nghiệm chiến đấu, biết cách làm cho ông lão kiệt sức, biết cách vùng vẫy để thoát khỏi lưới câu.

Trong cuộc chiến với ông lão Santiago nó tỏ ra là một đối thủ trung thực và sòng phẳng. Khi bại trận, trước khi chết con cả tung mình lên không trung phô diễn hết tầm vóc và vẻ đẹp kiêu hùng, bất khuất của mình. Chính điều này đã khiến ông lão nể phục con cá "hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao

thượng" và coi con cá như người anh em.

b, Ý nghĩa của hình tượng nhân vật * Hình tượng ông lão đánh cá Santiago

+ Tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của con người trên hành trình chinh phục tự nhiên.

+ Phải có trí tuệ, ý chí, nghị lực và sự nỗ lực hết mình mới có thể đi đến thắng lợi cuối cùng.

+ Cần phải biết trân trọng tự nhiên cũng như trân trọng kẻ thù. Đó là bài học cho bất cứ ai muốn giành chiến thắng.

* Hình tượng con cá kiếm

+ Con cá kiếm là biểu tượng cho sức mạnh tự nhiên

+ Con cá kiếm còn là biểu tượng tự nhiên. Giữa con người và thiên nhiên có mối quan hệ "anh em". Con người chinh phục tự nhiên nhưng cũng yêu mến và sống hài hòa với nó.

+ Là ước mơ sáng tạo, chinh phục của con người

2.3.3.3 Tìm hiểu về nghệ thuật trần thuật của Hêmingway a, Nghệ thuật trần thuật

Người kể chuyện: Trích đoạn này có một lối kể chuyện mới mẻ và độc đáo.

Nhà văn vừa kể những diễn biến sự việc xảy ra có thể quan sát được bề ngoài, lại vừa kể về suy nghĩ và lời nói của nhân vật. Nhưng khi kể về suy nghĩ của ông lão nhà văn dùng lời ông lão bộc lộ câu chuyện của chính mình qua những lời độc thoại nội tâm. Với cách làm này, người đọc như đang được chính người trong cuộc kể chuyện và nắm bắt được toàn bộ diễn biến hành động bên ngoài và nội tâm bên trong của nhân vật.

Điểm nhìn: Điểm nhìn trong tác phẩm rất linh hoạt và có sự di chuyển liên tục

trong - ngoài. Điểm nhìn ban đầu được đặt bên ngoài để quan sát hành động bên ngoài của ông lão. Sau đó điểm nhìn lại được di chuyển vào bên trong, bởi lẽ hành động bên ngoài diễn ra rất đơn giản và nhà văn chủ yếu là hướng đến miêu tả hành động diễn ra bên trong nhân vật.

Cách kể chuyện: Với cách sử dụng điểm nhìn bên trong là chủ yếu thì việc sử

là biện pháp tối ưu. Độc thoại nội tâm trong "Ông già và biển cả" được sử dụng với số lượng lớn nhưng lại ngắn gọn, súc tích. Các từ như: "lão nghĩ", "lão tự nhủ", "lão thầm nghĩ"... được lặp lại nhiều lần. Các độc thoại nội tâm trong tác

phẩm được sử dụng linh hoạt dưới nhiều dạng, dạng phổ biến là có kèm theo lời của người dẫn chuyện như: "lão nghĩ bụng", "lão tự nhủ", "lão lẩm bẩm".... Đôi khi nhà văn lại lược bỏ những lời dẫn chuyện hoặc chuyển sang nửa ngôn từ nửa trực tiếp để suy tư của nhân vật trở nên liền mạch, logic.

Bên cạnh ngôn ngữ độc thoại, nhà văn còn sử dụng cả ngôn ngữ đối thoại để khắc họa nhân vật. Trong văn bản này ngôn ngữ đối thoại thực ra còn là một dạng độc thoại nội tâm vì dù ông lão có "nói lớn" nhưng thực chất là lão đối

thoại một chiều vì nó có nói đi mà không có đáp lại. Ở đây lão nói với hai đối

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học trích đoạn tiểu thuyết ông già và biển cả trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 theo đặc trưng thể loại​ (Trang 73 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)