Nhóm gỗ là chỉ tiêu phân loại gỗ theo tính chất cơ lý và mức độ nguy cấp của loài, là cơ sở đánh giá giá trị sử dụng của thực vật cho gỗ và đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm hại tài nguyên thực vật rừng, và là căn cứ để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và định khung hình phạt. Trên thực tế, thực vật có rất nhiều giá trị, có nhiều loài, giá trị phi gỗ của nó lớn hơn nhiều lần so với giá trị gỗ nó mang lại và phần lớn các loài thực vật hiện nay chưa được đánh giá chính xác về giá trị sử dụng. Việc áp dụng nhóm gỗ trong xử lý gây ra một số bất cập: một số hành vi xâm hại rừng bị xử lý nhẹ hơn hoặc không đủ yếu tố xử lý do không xác định được nhóm gỗ và do tác động đến loài thực vật chưa được đánh giá về giá trị.
4.5.3. Những bất cập trong quy định giữa các văn bản pháp luật về quản lý bảo vệ rừng:
Thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ điều tra hình sự của cơ quan Kiểm lâm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chỉ được tối đa 7 ngày; thời gian này ngắn so với yêu cầu giám định, xác minh về thiệt hại đối với các hành vi phá rừng, gây cháy rừng, đặc biệt là ở các vùng xa xôi, giao thông đi lại trở ngại, thời tiết mưa bão. Các quy định trong các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản còn nhiều điểm bất hợp lý, chồng chéo, quy định không cụ thể, không rõ ràng; Các quy định trong các văn bản hướng dẫn của các Bộ chủ quản, cơ quan chuyên môn chưa được rõ ràng, chưa cụ thể vì vậy khi áp dụng để thực hiện trong xác định đối tượng là rừng, áp dụng trong xử lý gặp nhiều khó khăn. Đa phần các đối tượng vi phạm là người có kinh tế khó khăn, gia đình nghèo, nhưng khi vi phạm thì bị xử lý hành chính rất nặng, xử lý rất nhiều tiền nhưng đối tượng không có tiền nộp phạt thì không thể áp dụng các biện pháp khác như cải tạo không giam giữ hoặc phải lao động công ích để trừ vào tiền phạt thì không thể áp dụng, do đó khi đối tượng vi phạm không có tiền đóng phạt thì coi như khép hồ sơ, điều này đã làm giảm hiệu lực của quyết định xử lý, không mang tính răn đe, giáo dục đối với đối tượng vi phạm. Hoặc như văn bản quy định không đầy đủ, hành vi phá rừng thì xử lý về diện tích, không có chế tài bắt buộc bồi thường thiệt hại về khối lượng gỗ và các giá trị khác của cây bị thiệt hại, điều này đã gây bất cập rất lớn, thiếu công bằng trong khi xử lý.