Tình trạng đất đai manh mún, nhỏ lẻ diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Nắm bắt được những bất lợi của việc manh mún đất đai, từ lâu con người đã ý thức được việc tích tụ đất đai để tập trung sản suất, cơ giới hóa nông nghiệp.
1.5.1.1. Nhật Bản
Để chấn hưng nền nông nghiệp, năm 1961 Chính phủ Nhật Bản đã ban hành chính sách nông nghiệp là đưa nông nghiệp từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn. Để thực hiện mục tiêu này Bộ Nông nghiệp đề ra "sự nghiệp xây dựng
ruộng đất với ba mục tiêu: rộng, chắc chắn, sâu".
- Rộng: nâng kích thước thửa ruộng lên 0,3 ha.
- Chắc chắn: cải tạo nền đất yếu, nhiều bùn, hay lún trên cơ sở thiết kế xây dựng thoát nước cho từng thửa ruộng và từng khu vực để có thể sử dụng máy móc cho thuận lợi.
- Sâu: cải tạo tầng canh tác ruộng đất đảm bảo độ dầy khoảng 1 m. Để làm được các yêu cầu nêu trên cần phải làm được hai việc:
+ Về mặt hành chính: xử lý chuyển đổi từ các ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. + Về mặt kỹ thuật: gắn liền với việc xử lý kích thước thửa ruộng là việc xây dựng hệ thống tưới tiêu và san ủi mặt bằng.
Công tác dồn điền đổi thửa, xử lý ruộng đất như nêu trên là khó khăn phức tạp vì đất đai thuộc sở hữu tư nhân và việc chuyển đổi phải tiến hành với một số biện pháp như công tác quy hoạch sử dụng đất...mới phát huy hiệu quả trong sử dụng đất. Kết quả là khoảng 2 triệu ha trong 2,7 triệu ha đất trồng lúa nước ở Nhật Bản đã được chuyển đổi. Trước chuyển đổi, bình quân có 3,4 thửa /hộ, sau chuyển đổi bình quân có khoảng 1,8 thửa /hộ. Việc chuyển đổi, xử lý đất nông nghiệp đã tăng sức sản xuất của đất đai, tăng năng suất lao động của người nông dân; việc áp dụng máy móc vào sản xuất được thuận tiện và hiệu quả,...tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp hàng hoá, nâng cao sức cạnh tranh trong nông nghiệp. Vì vậy cùng với các yếu tố khác, việc chuyển đổi và xử lý đất nông nghiệp đã góp phần quan trọng đưa năng suất lúa từ 3.000kg gạo/ha/năm năm 1960 lên 6.000kg gạo/ha/năm năm 1992.
1.5.1.2. Đài Loan
Sau năm 1949 dân số tăng đột ngột do sự di dân từ lục địa ra. Lúc đầu chính quyền Tưởng Giới Thạch thực hiện cải cách ruộng đất theo nguyên tắc phân phối đồng đều ruộng đất cho nông dân. Ruộng đất đã được trưng thu, tịch thu, mua lại của các địa chủ rồi bán chịu, bán trả dần cho nông dân, tạo điều kiện ra đời các trang trại gia đình quy mô nhỏ. Năm 1953, hòn đảo này đã có đến 679.000 trang trại với quy mô bình quân là 1,29 ha/trang trại. Đến năm 1991 số trang trại đã lên đến 823.256 với quy mô bình quân chỉ còn 1,08 ha/trang trại. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn sau này đòi hỏi phải mở rộng quy mô của các trang trại gia đình nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm,… nhưng do người Đài Loan coi ruộng đất là tiêu chí đánh giá vị trí của họ trong xã hội nên mặc dù có thị trường nhưng ruộng đất vẫn không được tích tụ (có nhiều người tuy là chủ đất nhưng đã chuyển sang làm những nghề phi nông nghiệp). Để giải quyết tình trạng này, năm 1983 Đài Loan công bố Luật Phát triển nông nghiệp trong đó công nhận phương thức sản xuất uỷ thác
của các hộ nông dân, có nghĩa là nhà nước công nhận việc chuyển quyền sở hữu đất đai, ước tính đã có trên 75% số trang trại áp dụng phương thức này để mở rộng quy mô ruộng đất sản xuất. Ngoài ra để mở rộng quy mô, các trang trại trong cùng thôn xóm còn tiến hành các hoạt động hợp tác như làm đất, mua bán chung một số vật tư, sản phẩm nông nghiệp, nhưng không chấp nhận phương thức tập trung ruộng đất, lao động để sản xuất.
1.5.1.3. Thái Lan
Đồng bằng ChaoPhraya của Thái Lan cách đây khoảng 120 năm, dân cư vẫn còn thưa thớt, chỉ có khoảng 300 ngàn người trên 2 triệu hecta đất; sức ép về dân số đối với ruộng đất thấp hơn các nơi khác. Về lý thuyết, công nghiệp sẽ rút bớt lao động nông thôn ra thành thị làm cho quy mô ruộng đất nông nghiệp tăng lên.
Tuy nhiên, sự xuất hiện hàng loạt đô thị khổng lồ ở Băngkok vài chục năm gần đây đã làm cho dân số vùng tăng nhanh (bình quân 3% năm). Kể từ năm 1970, đất nông nghiệp giảm trung bình 1% năm. Các trang trại bị chia nhỏ khiến quy mô ruộng đất giảm dần, từ 4,8ha/hộ năm 1950 xuống 4,5 ha/hộ năm 1963, 4,1 ha/hộ năm 1978 và 3,5 ha/hộ năm 1993.
Quy mô ruộng đất trung bình ở Thái Lan giảm còn do nguyên nhân chia đều cho con cái thừa kế và công nghệ sản xuất chậm tiến bộ. Từ năm 1955 đến năm 1975, giá nông sản (lúa) giảm khá thấp, công nghệ sản xuất “bão hòa”, không khuyến khích tập trung ruộng đất. Trên thực tế, giá nông sản thấp và sự bần cùng hóa của nông dân luôn đi đôi với sự chia nhỏ quy mô sản xuất do lợi ích đầu tư ruộng đất không cao và người nông dân cũng không có đủ vốn để đầu tư mua đất.
1.5.1.4. Một số nước châu Âu và các nước phát triển khác
Kể từ sau cách mạng nông nghiệp lần thứ 2 (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), một loạt các trang trại nhỏ, manh mún năng suất thấp đã bị loại thải, thay vào đó là các trang trại quy mô vừa, năng suất lao động cao. Ví dụ ở
Pháp năm 1955 có xấp xỉ 2,3 triệu nông hộ có quy mô 14 ha/hộ, đến năm 1993 chỉ còn 800 ngàn nông hộ với quy mô 35 ha/hộ. Ở Mỹ, năm 1950 cả nước có 5,65 triệu nông hộ với quy mô bình quân 86 ha/hộ, đến năm 1992 chỉ còn 1,92 triệu nông hộ với quy mô 198,9 ha/hộ. Nhìn chung, tiến trình tích tụ ruộng đất và vốn nhanh chóng của các nông hộ ở Châu Âu chủ yếu là nhờ thành tựu khoa học công nghệ phát triển trong quá trình cơ giới hoá nông nghiệp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2.