- Đường bộ: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có các tuyến quốc lộ quan trọng đi qua: quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh dài hơn 113 km, nối Gia Lai với tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng về phía Bắc và tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông, các tỉnh vùng Đông Nam bộ về phía Nam; quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh dài 180 km nối Gia Lai với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) về phía Đông và các tỉnh Đông Bắc Campuchia về phía Tây; quốc lộ 25 đoạn qua tỉnh dài 112 km nối Gia Lai với tỉnh Phú Yên; quốc lộ 14C chạy dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, đoạn qua tỉnh dài hơn 110 km, là trục dọc quan trọng của Gia Lai
và của cả vùng Tây Nguyên theo hướng Bắc - Nam; đường Trường Sơn Đông đi qua 7 tỉnh từ Quảng Nam đến Lâm Đồng, đoạn qua tỉnh dài khoảng 235 km. Gia Lai có mạng lưới đường tỉnh khá phát triển gồm 11 tuyến với tổng chiều dài gần 540 km đi đến hầu hết các địa phương trong tỉnh; hiện nay, tất cả các tuyến đường xuống các trung tâm huyện đã được trải nhựa, 100% số xã có đường đến trung tâm xã vào mùa khô. Hệ thống đường đô thị của tỉnh có tổng số 656 km, phần lớn đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi.
- Đường hàng không: Năm2015 ga đã được nâng cấp và mở rộng đường cất hạ cánh và sân đỗ máy bay. Ga hàng không Pleiku đã nối chuyến đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Đã tiếp nhận các loại máy bay tầm cỡ lớn như A320, A321. Các tuyến vận tải và tần suất cũng ngày càng được nâng lên cụ thể: thành phố Hồ Chí Minh 7 chuyến/ngày, Hà Nội 2 chuyến/ngày. Đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
- Hệ thống cấp nước tại các đô thị được đầu tư góp phần nâng tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch lên trên 90% và dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 85%.
- Các công trình thủy lợi đã phục vụ kịp thời cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp; trong 5 năm đã xây dựng mới 19 công trình thủy lợi phục vụ tưới 8.000 ha; đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 340 công trình phục vụ tưới 48.000 ha cây trồng.
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhà máy thủy điện (NMTĐ) Ialy công suất 720 MW (4 x 180 MW), hàng năm cung cấp cho hệ thống điện Việt Nam khoảng 3,6 tỷ Kwh. Các thuỷ điện đã xây dựng và hoàn thành như: Nhà máy thủy điện Sê San 3, công suất 260 MW; Nhà máy thủy điện Sê San 3A, công suất 108MW, Nhà máy thủy điện Sê San 4, công suất 310MW; Nhà máy thủy điện Sê San 4a, công suất 63MW…