Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội của thành phố

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại thành phố sơn la, tỉnh sơn la giai đoạn 2012 2019​ (Trang 44 - 47)

đối với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

3.1.3.1. Thuận lợi

- Thành phố Sơn La có vị trí thuận lợi, là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh, là điều kiện để thành phố phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển thương mại - dịch vụ.

- Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới về thực chất cũng là thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị, đó là những nhiệm vụ vẫn triển khai hàng năm. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thành phố Sơn La luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, cụ thể của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

- Bên cạnh đó, xác định người dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện xây dựng Nông thôn mới, thành phố Sơn La đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện để đem lại hiệu quả cao. Kết quả đạt được đó là nhân dân đóng góp đất đai, hoa màu trong việc đầu tư xây dựng mở rộng các tuyến đường giao thông và các công trình phúc lợi công cộng.

- Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các hệ thống chính trị của thành phố đã xác định và chủ động chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện 07 nội dung quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới gồm:

(1) Tập trung tái cơ cấu lại các ngành kinh tế, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp;

(2) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội;

(3) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển;

(4) Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhận lực gắn với giải quyết tốt vấn đề việc làm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ;

(5) Phát triển văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông; chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội;

(6) Tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội;

(7) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tăng cường sự phối hợp với các đoàn thể, các hội trong phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế, xã hội của thành phố.

3.1.3.2. Khó khăn, hạn chế

- Theo kết quả điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới, năm 2012, 5/5 xã mới đạt từ 6 tiêu chí trở xuống. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 trên địa bàn các xã là 11,69 triệu đồng/người/năm; Số hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2012 là 235/6.598 hộ, bằng 3,6%.

- Khu vực nông thôn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác như đất đai, lao động; nông nghiệp vẫn còn trong tình trạng sản xuất nhỏ, trình độ lạc hậu, năng suất thấp, ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế, ngành nghề, chế biến kém phát triển, sức cạnh tranh của hàng nông sản thấp; Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tuy chuyển dịch đúng hướng, nhưng chuyển dịch chậm; quan hệ sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế mới.

- Cán bộ làm xây dựng Nông thôn mới chủ yếu theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi đó xây dựng nông thôn mới là một Chương trình mới và lớn, rất nhiều nội dung cần nghiên cứu, học tập để tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, nhất là cơ sở xã, bản còn nhiều hạn chế.

- Công tác thu hút các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; chưa phát huy hết một số thế mạnh về sản xuất nông nghiệp tại địa bàn từng xã. Bên cạnh đó, thành phố Sơn La đang trong quá trình đô thị hóa nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại thành phố sơn la, tỉnh sơn la giai đoạn 2012 2019​ (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)