4. Cấu trúc luận văn
2.1.3. Đặc điểm thủy văn
Mạng lưới sông ngòi: Tỉnh Thái Nguyên có 2 sông chính chảy qua đó là sông Cầu và sông Công. Ngoài ra còn có sông Rong bắt nguồn từ vùng núi huyện Võ Nhai đổ vào lưu vực sông Thương ở huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn.
Sông Cầu nằm trong hệ thống sông Thái Bình, có lưu vực rộng 6030 km2, bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn, chảy theo hướng tây bắc-đông nam. Lưu lượng mùa lũ: 3500 m3/s, mùa kiệt: 7,5m3/s. Sông Cầu có nhiều phụ lưu, những
phụ lưu chính đều nằm trong phạm vi tỉnh Thái Nguyên như sông Chu, sông Du ở hữu ngạn, ở tả ngạn có sông Nghinh Tường, sông Khe Mo, sông Huống Thượng. Trên sông Cầu có đập Thác Huống giữ nước tưới cho 24.000 ha lúa 2 vụ của các huyện Phú Bình (Thái Nguyên) và Hiệp Hoà, Tân Yên (Bắc Giang). Ngoài đập sông Cầu, Thái Nguyên còn xây dựng một hệ thống kênh đào nhân tạo dài 52 km ở phía đông nam của tỉnh với tên gọi là Sông Máng, nối liền sông Cầu với sông Thương để giúp việc giao thông đường thủy và dẫn nước vào đồng ruộng được dễ dàng.Sông Công dài 96km, có lưu vực rộng 951km2, bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá huyện Định Hoá, chảy dọc theo chân dãy núi Tam Đảo. Sông Công hội với sông Cầu ở điểm cực nam huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Lượng nước sông Công khá dồi dào do chảy qua khu vực có lượng mưa nhiều nhất tỉnh.
Hồ: Tỉnh Thái Nguyên không có nhiều hồ nước, trong đó nổi bật là Hồ Núi Cốc (do đập Núi Cốc ngăn dòng sông Công lại mà thành). Hồ có mặt nước rộng 25- 30 km2, sâu từ 25-30m, chứa 210 triệu m3 nước, chủ động tưới tiêu cho 12.000 ha lúa 2 vụ, hoa mầu, cây công nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công. Ngoài hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên còn có 850 ha hồ thuỷ lợi, 2400 ha ao hồ nhỏ, trong đó có một số hồ tương đối lớn như hồ Khe Lạnh (Phổ Yên), hồ Bảo Linh (Định Hoá), hồ Gềnh Chè (TX Sông Công). Hồ được tạo ra nhằm các mục đích cung cấp nước, thoát lũ cho sông Cầu và du lịch. Hiện hồ đã có một vài khu du lịch đang được quy hoạch để trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Nước ngầm: Nước ngầm ở Thái Nguyên có trữ lượng khá lớn, có độ khoáng
khá cao: trên10g/L. Hiện mới khai thác một phần nước ngầm ở tầng nông làm nước sinh hoạt và có một điểm khai thác nước khoáng thiên nhiên ở La Hiên (Võ Nhai).
Nhìn chung, tài nguyên nước của tỉnh Thái Nguyên dồi dào, chất lượng khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt và điều hòa môi trường khí hậu. Nhưng cũng có thời điểm tài nguyên nước của một số địa bàn đã có biểu hiện bị ô nhiễm, cũng có thời gian bị hạn hán, có thời gian mưa lớn gây lụt lội, sạt nở ảnh hưởng xấu tới giao thông, phá hoại mùa màng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.