I.1. MÔ TẢ CÔNG VIỆC:
Mục này đưa ra các yêu cầu và qui định cho việc cung cấp vật liệu, thi công và nghiệm thu lớp nền thượng trước khi thi công các hạng mục tiếp theo hoặc các lớp của kết cấu mặt đường.
Công việc thi công lớp nền thượng phải được tiến hành trên toàn bộ phạm vi của nền theo kích thước chỉ ra trong bản vẽ thiết kế, các quy định của Nền đường ô tô - tiêu chuẩn thi công nghiệm thu TCVN 9436-2012;
I.2. KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC
Đắp đất núi nền đường dày 30cm, K=0,98: 12.634,88(m3).
I.3. CÁC YÊU CẦU VỀ THI CÔNGI.3.1. Yêu cầu về vật liệu I.3.1. Yêu cầu về vật liệu
- Trước khi thi công đắp nền, Nhà thầu sẽ trình các chứng chỉ kỹ thuật xác nhận chất lượng vật liệu dùng để đắp được Kỹ sư TVGS và Chủ đầu tư chấp thuận.
- Các mỏ vật liệu trước khi khai thác đều được dọn quang, đào bỏ các lớp phủ không đảm bảo kỹ thuật và tiến hành lấy mẫu tại các mỏ đó để kiểm tra. Khi được Kỹ sư TVGS và Chủ đầu tư chấp thuận mới được khai thác đưa vào sử dụng.
- Vật liệu khai thác Nhà thầu sẽ có kế hoạch cụ thể để đáp ứng được tiến độ thi công theo kế hoạch đề ra, loại bỏ các loại vật liệu không thích hợp như: các loại hạt quá kích cỡ, đá mồ côi, thành phần khác cục bộ so với thí nghiệm ...ngay tại mỏ khai thác.
- Sau khi hoàn thành công việc lấy đất trong khu vực đào, Nhà thầu sẽ thu gom và san trả lại mặt bằng gọn gàng theo yêu cầu của Kỹ sư TVGS và của địa phương nơi có mỏ vật liệu.
I.3.2. Yêu cầu về máy móc, thiết bị thi công:
Giai đoạn thi công lớp nền thượng, nhà thầu sẽ bố trí thi công theo hai mũi thi công đồng thời. Các máy móc thiết bị chính phục vụ thi công của một mũi thi công bao gồm:
+ Máy xúc đào có thể tích gầu >0,8m3: 01 cái;
+ Máy ủi ≥180CV: 01 cái;
+ Máy san: 01 cái;
+ Lu tĩnh ≥ 8 tấn: 01 cái;
+ Lu rung ≥16 tấn: 01 cái;
I.3.3 Thi công thử:
- Khi thi công bất cứ lớp đắp nào, Nhà thầu đều tiến hành thi công thử dưới sự chứng kiến của Chủ đầu tư và Kỹ sư TVGS nhằm mục đích : Kiểm tra tính đồng bộ của các thiết bị tham gia thi công, tìm ra số lượt lu lèn/điểm đối với từng loại lu, tính toán hệ số đầm lèn của từng loại vật liệu, tính toán độ ẩm tốt nhất đối với từng loại đất.
- Biện pháp thi công thử đối với từng loại vật liệu, từng yêu cầu đầm nén được Nhà thầu lập chi tiết và trình Chủ đầu tư và Kỹ sư TVGS.
- Đất đắp nền đường được vận chuyển bằng ô tô tự đổ từ các mỏ đất quy định, đổ thành từng đống theo cự ly đã tính toán sao cho khi san đất theo cao độ thiết kế x hệ số tơi xốp. Hạn chế không xảy ra hiện tượng quá thừa hoặc thiếu đất. Trong khi thi công Nhà thầu luôn chú ý đến: luôn luôn giữ cho nơi lấy đất và mặt bằng đắp đất được khô ráo, bằng cách khơi rãnh thoát nước ở nơi lấy đất, đắp đất thành từng lớp nghiêng ra hai bên.
- Dùng máy ủi san sơ bộ theo cao độ tính toán, sau đó dùng máy san hoàn thiện bề mặt. Thông qua các thí nghiệm về độ ẩm của đất đắp: tưới thêm nước nếu độ ẩm tự nhiên nhỏ hơn độ ẩm tốt nhất, phơi khô nếu độ ẩm tự nhiên lớn hơn độ ẩm tốt nhất, việc này thực hiện sao cho Wtt = Wo ± 2% (Wtt là độ ẩm tự nhiên, Wo là độ ẩm tối ưu của đất đắp).
- San sửa bề mặt bằng máy san theo đúng cao độ thiết kế, độ dốc thiết kế.
- Lu lèn: Vệt lu sau phải đè lên vệt lu trước ít nhất 20cm. Khi lu lớp trên thì vệt lu phải lấn ra lề đường 20 - 30cm, khi lu lớp dưới bánh lu phải cách lề đường 10cm, để không phá lề đường. Lu từ phía thấp lên phía cao.
+ Lu sơ bộ bằng lu tĩnh từ 3-4 lượt/điểm, tốc độ từ 2- 2,5km/h.
+ Lu lèn chặt bằng lu rung 25T (chế độ rung cấp 1) từ 6-8 lượt/điểm, tốc độ 4-6km/h. + Lu lèn chặt bằng lu rung 25T (chế độ rung cấp 2) từ 6-8 lượt/điểm, tốc độ 4-6km/h. + Lu hoàn thiện bằng lu tĩnh từ 2 -3 lượt/điểm, tốc độ từ 4-6km/h
I.3.4. Kiểm tra, nghiệm thu đoạn tuyến thi công thử
+ Kiểm tra kích thước hình học của nền đắp. + Kiểm tra độ chặt nền đắp.
+ Kiểm tra độ bằng phẳng.
Tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm quá trình làm thử để áp dụng cho thi công đại trà được hiệu quả và đạt chất lượng yêu cầu. Trình Chủ đầu tư và Kỹ sư TVGS kết quả kiểm tra. Khi được sự đồng ý của Chủ đầu tư và Kỹ sư TVGS Nhà thầu sẽ tiến hành thi công đại trà.
I.3.5 Thi công đại trà:
Đất đắp nền đường được thực hiện thành từng lớp, mỗi lớp dày ≤20cm (đối với đầm bằng máy) sau khi đầm nén. Ôtô vận chuyển tập kết vật liệu từ mỏ về công trường được đổ thành từng đống phù hợp với chiều dày tính toán sau đó dùng máy ủi kết hợp với máy san để san cho đúng cao độ yêu cầu. Sau đó đầm lèn theo đúng trình tự đã rút ra trong quá trình thi công thử. Khi lớp 1 đã đạt độ chặt yêu cầu thì tiến hành kiểm tra độ chặt, kích thước hình học cùng Kỹ sư TVGS và Chủ đầu tư, khi được phép mới thi công lớp tiếp theo, lu lèn đạt K=0,98 . Trong quá trình thi công luôn chú ý đến độ ẩm của vật liệu sao cho vật liệu luôn đạt độ ẩm tối ưu khi đầm nén, nếu vật liệu quá ướt phơi khô thì mới đưa máy đầm vào nếu vật qua khô thì dùng xe Tẹc nước tưới ẩm. Tại các vị trí không thể thi công bằng máy sẽ san gạt bằng thủ công và đầm bằng đầm cóc theo từng lớp với chiều dày 15 - 20cm.
I.3.6. Các lưu ý trong quá trình đắp nền
- Các bề mặt đắp phải đồng đều, bằng phẳng và có độ dốc thích hợp để đảm bảo thoát nước tốt.
- Nếu nền khi đắp có hiện tượng cao su thì phải đào bỏ hoàn toàn lớp cao su đó và đầm lại đáy hố móng, khi được nghiệm thu mới tiến hành đắp tiếp theo như nền bình thường và chú ý thi công nhanh để tận dụng tối đa những ngày thời tiết khô ráo.
- Khi kết thúc công việc phải có biên bản nghiệm thu về kích thước hình học, độ chặt, độ bằng phẵng và các yêu cầu khác với Kỹ sư TVGS và Chủ đầu tư mới được thi công các bước tiếp theo.
- Trong quá trình thi công nền đường có những lúc gặp mưa, do vậy việc thi công đào đắp nền đường phải được gọn tiến hành gọn gàng. Vật liệu chuyển đến công trường phải được san và đầm ngay.
- Đất xúc lên phải được vận chuyển đến bãi chứa đã được Kỹ sư TVGS và Chủ đầu tư chấp thuận, phải được san gạt đồng thời tránh bị đọng nước và có biện pháp đào các hố thu để đảm bảo tiêu nước được dễ dàng. Không để nước hoặc nước mặt do mưa hay một nguyên nhân nào khác làm ảnh hưởng đến chất lượng những đoạn nền đắp đã hoàn thành hoặc thi công dở dang.
- Trong quá trình thi công luôn luôn chú ý đảm bảo giao thông. Có các biển báo rào chắn cùng người cầm cờ hiệu để đảm bảo an toàn giao thông, khi trời nắng phải tưới nước để chống bụi thường xuyên.
I.3.7.Công tác kiểm tra và nghiệm thu
- Những phần của công trình cần lấp đất cần sẽ kiểm tra kích thước hình học, chiều dày không quá 20cm và được đầm chặt tới 98% độ chặt khô lớn nhất, lập biên bản trước khi lấp kín gồm:
+ Nền móng tầng lọc và vật liệu thoát nước. + Tầng lọc và vật liệu thoát nước.
+ Thay đổi loại đất khi đắp nền.
Những biện pháp sử lý đảm bảo sự ổn định của nền. Móng các bộ phận công trình trước khi xây, đổ bê tông... Chuẩn bị mỏ vật liệu trước khi bước vào khai thác.
Những phần công trình bị gián đoạn thi công lâu ngày trước khi bắt đầu tiếp tục thi công lại.
Mọi mái taluy, hướng tuyến, cao độ, bề rộng nền đường v.v.. đều sẽ đúng, chính xác, phù hợp với bản vẽ thiết kế và qui trình kỹ thuật thi công, hoặc phù hợp với những chỉ thị khác đã được chủ đầu tư và Tư vấn giám sát chấp thuận.
Cao độ trong nền đắp sẽ đúng cao độ thiết kế với sai số ±20mm, đo 20m một cọc, đo bằng máy thuỷ bình.
- Sai số về độ lệch tim đường không quá 10 cm, đo 20m một điểm nhưng không được tạo thêm đường cong, đo bằng máy kinh vĩ và thước thép.
- Sai số về độ dốc dọc không quá 0,25% của độ dốc dọc, đo tại các đỉnh đổi dốc trên mặt cắt dọc, đo bằng máy thuỷ bình chính xác.
- Sai số về độ dốc ngang không quá 5% của độ dốc ngang đo 20m một mặt cắt ngang, đo bằng máy thuỷ bình chính xác.
- Sai số bề rộng mặt cắt ngang không quá ±10 cm, đo 20m một mặt cắt ngang, đo bằng thước thép.
- Mái dốc nền đường (taluy) đo bằng thước dài 3m không được có các điểm lõm quá 5 cm, đo 50 mét một mặt cắt ngang.
- Không quá 5% số lượng mẫu có độ chặt nhỏ hơn 1% độ chặt thiết kế yêu cầu nhưng không được tập trung ở một khu vực, đo 250 m 1 tổ hợp 3 thí nghiệm, đo bằng phương pháp rót cát.
Nhà thầu sẽ có những sửa chữa kịp thời và cần thiết nếu phát hiện ra những sự sai khác trong quá trình thi công trước khi nghiệm thu.