Lí thuyết hội thoại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết đàn trời của cao duy sơn (Trang 28 - 38)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Lí thuyết hội thoại

1.2.2.1. Khái niệm hội thoại

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người. Hội thoại là giao tiếp của con người trong xã hội, trong đó có nhiều yếu tố liên quan đến con người và xã hội như: tâm lí, phong tục, văn hóa, dân tộc… Ngôn ngữ hội thoại chính là thứ ngôn ngữ đã được xã hội hóa cao độ.

Theo Đỗ Hữu Châu, “Hội thoại là hình thức giao tiếp thường xuyên, phổ biến của ngôn ngữ, và cũng là hình thức cơ sở của mọi hoạt động ngôn ngữ khác” [8, tr.201].

Theo Nguyễn Thiện Giáp (2016) “Hội thoại là hành động giao tiếp phổ biến nhất, căn bản nhất của con người. Đó là giao tiếp hai chiều có sự tương tác qua lại giữa người nói và người nghe với sự luân phiên lượt lời” [23].

Theo Nguyễn Đức Dân (2000) “Trong giao tiếp hai chiều, bên này nói và bên kia nghe và phản hồi trở lại. Lúc đó vai trò của hai bên thay đổi: bên nghe lại trở thành bên nói và bên nói lại trở thành bên nghe. Đó là hội thoại.” [14].

Tác giả Đỗ Thị Kim Liên (2005) định nghĩa, “Hội thoại là một trong những hoạt động ngôn ngữ thành lời giữa hai hay nhiều nhân vật trực tiếp, trong một ngữ cảnh nhất định mà giữa họ có sự tương tác qua lại về hành vi ngôn ngữ hay hành vi nhận thức nhằm đi đến một đích nhất định.” [43].

Tóm lại, các quan niệm trên đều có điểm chung khi cho rằng hội thoại là hoạt động giao tiếp thường xuyên, phổ biến của con người, là sự trao đổi thông tin theo mục đích nào đó của những người tham gia giao tiếp.

Một cuộc hội thoại sẽ chịu sự chi phối của các yếu tố như: thoại trường (không gian, thời gian diễn ra cuộc thoại), thoại nhân (người tham gia vào cuộc thoại), đích giao tiếp và hình thức cuộc thoại.

1.2.2.2. Cấu trúc hội thoại

Có nhiều quan niệm về cấu trúc của hội thoại, đi kèm với mỗi dạng cấu trúc là các đơn vị hội thoại tương ứng.

Theo trường phái phân tích hội thoại, đơn vị hội thoại là các lượt lời. Harvey Sark cho rằng, dưới các lượt lời không còn đơn vị nào khác ngoài các phát ngôn. Các lượt lời thường đi với nhau tạo thành từng cặp gần như tự động. Hai phát ngôn được coi là cặp kế cận nhau phải thỏa mãn các điều kiện sau: kế cận nhau, do hai thoại nhân khác nhau nói ra, được tổ chức thành bộ phận thứ nhất và bộ phận thứ hai, có tổ chức riêng sao cho bộ phận thứ nhất đòi hỏi phải có bộ phận riêng thứ hai. Những cặp kế cận thường thấy là: cặp chào - chào, cặp hỏi - trả lời, cặp trao - nhận, cặp đề nghị - đáp ứng…

Theo trường phái phân tích diễn ngôn, đơn vị hội thoại là phát ngôn và cặp thoại. Trường phái này cho rằng: Hội thoại là một đơn vị lớn được cấu trúc theo các bậc: tương tác, đoạn thoại, cặp thoại, bước thoại và hành vi.

- Cuộc thoại: là một lần nói chuyện, trao đổi giữa cá nhân, ít nhất là hai câu thoại trong một cộng đồng, xã hội. Cấu trúc của một cuộc thoại gồm có: mở thoại, thân thoại, kết thoại.

Cuộc thoại là đơn vị hội thoại lớn nhất. Đó là cuộc tương tác bằng lời, tính từ khi các thoại nhân gặp nhau, khởi đầu nói và nghe cho đến khi kết thúc quá trình này. Theo Nguyễn Thiện Giáp (2016), để có một cuộc thoại, điều kiện cần và đủ là có một nhóm nhân vật có thể thay đổi nhưng không đứt quãng trong một khung thời gian, không gian có thể thay đổi nhưng không đứt quãng, nói về một vấn đề có thể thay đổi nhưng không đứt quãng.

Cuộc thoại được xác định theo:

+ Sự thống nhất về nhân vật giao tiếp: khi thoại nhân thay đổi thì cuộc thoại thay đổi.

+ Sự thống nhất về hoàn cảnh giao tiếp: tức là thống nhất về thời gian và địa điểm diễn ra cuộc thoại.

+ Sự thống nhất về chủ đề giao tiếp: tức là thống nhất về nội dung giao tiếp được nói tới.

Như vậy, trong một cuộc trò chuyện, các nhân vật tham gia có thể trao đổi nhiều vấn đề khác nhau, hết vấn đề này đến vấn đề khác, nhưng bao giờ cũng phải có mở đầu và kết thúc. Điểm bắt đầu và kết thúc chính là ranh giới của cuộc thoại. Thời đoạn bắt đầu được gọi là mở thoại, thời đoạn kết thúc là kết thoại, phần trung tâm cuộc thoại là thân thoại.

- Đoạn thoại: là một đoạn của cuộc thoại, do một hoặc một số cặp thoại liên kết với nhau về đề tài và về đích giao tiếp, có tính hoàn chỉnh bộ phận để cùng các đoạn thoại khác làm cho cuộc thoại thành công (đạt đích). “Đoạn thoại là một sự kiện hoặc loạt hành động nằm trong các cuộc tương tác giữa hai hoặc hơn hai người và có một mục đích riêng” [23, tr.165]. Về ngữ nghĩa, đoạn thoại là đơn vị có một chủ đề duy nhất. Về ngữ dụng, đó cũng là đơn vị có đích hội thoại duy nhất. Các đoạn thoại được liên kết với nhau cả về hình thức và ý nghĩa. Tuy nhiên, cách chuyển từ đoạn thoại này sang đoạn thoại khác dựa trên nghĩa hay logic ngữ nghĩa nhiều hơn.

Căn cứ vào chức năng, có các loại đoạn thoại sau: đoạn mở thoại, đoạn thân thoại, đoạn kết thoại. Cấu trúc, dung lượng của các đoạn thoại này là khác nhau. Đoạn mở thoại và kết thoại có cấu trúc tương đối đơn giản và ổn định, dễ nhận ra. Đoạn thân thoại thường có dung lượng lớn và cấu trúc phức tạp.

Tổ chức của đoạn thoại mở đầu và đoạn thoại kết thúc thường được nghi thức hóa và lệ thuộc nhiều yếu tố như mối quan hệ giữa các tham thoại, hoàn cảnh giao tiếp, mục đích giao tiếp.

Đoạn thoại mở đầu phần lớn được công thức hóa mang nhiều tính chất nghi thức. Ngoài chức năng mở đầu cuộc thoại, đoạn thoại mở đầu còn thực hiện vai trò thương lượng hội thoại như thống nhất chủ đề, thăm dò đối phương, thử giọng điệu hội thoại… Thông thường, trong đoạn mở thoại, người ta thường tránh sự xúc phạm thể diện của người nghe, chuẩn bị một hòa khí cho cuộc thoại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người mở thoại cố tình xúc phạm thể diện nhằm một mục đích hội thoại nào đó.

Đoạn thoại kết thúc thường có chức năng tổ chức sự kết thúc cuộc gặp gỡ, để các thoại nhân cảm ơn, hứa hẹn, chúc tụng… Theo nguyên tắc lịch sự, cần tránh kết thúc đơn phương, đột ngột, trừ trong những tình huống đặc biệt.

- Cặp thoại: “cặp thoại là đơn vị lưỡng thoại nhỏ nhất của cuộc thoại do các tham thoại tạo nên” [8, tr.320].

Theo Nguyễn Đức Dân, “Trong một lượt lời liên kết có thể gồm nhiều phát ngôn với những chức năng và mục đích khác nhau, có liên kết chặt chẽ với nhau. Mỗi lượt lời có những chức năng hội thoại khác nhau. Người này nói và người kia lặp lại. Hai lượt lời có liên quan trực tiếp và đứng kề nhau làm nên một cặp thoại” [13, tr.87].

Nguyễn Đức Dân khẳng định, “cặp thoại là hai phát ngôn có quan hệ tương thích về chức năng, hai vế của cặp thoại có thể liền kề nhau nhưng cũng có thể cách xa nhau” [144, tr.95].

Như vậy, các tác giả trên đều quan niệm cặp thoại là do hai phát ngôn/ lượt lời có quan hệ trực tiếp và đứng kề cận nhau tạo nên.

Trong hội thoại, cặp thoại là đơn vị quan trọng nhất. Xét về cấu trúc, cặp thoại thường do hai tham thoại tạo nên, được gọi là cặp thoại hai tham thoại. Trong cặp thoại này, mỗi tham thoại tương ứng với một chức năng cụ thể. Tham thoại thứ nhất gọi là tham thoại dẫn nhập, tham thoại thứ hai được gọi là tham thoại hồi đáp. Ở cặp thoại này, lượt lời trùng khớp với tham thoại, tham thoại trùng khớp với hành động ngôn ngữ. Cặp thoại hai tham thoại là dạng đơn giản, dễ nhận biết nhất trong thực tế giao tiếp ngôn ngữ. Các cặp thoại cũng không phải được nói ra một cách ngẫu nhiên, tùy tiện. Chúng được tổ chức, thực hiện theo một quy tắc chặt chẽ, tuân theo những quy tắc chi phối hội thoại. Trong một cặp thoại, lượt lời thứ nhất có chức năng định hướng cho lượt lời thứ hai. Khi nói một điều, người ta dự đoán, chờ đợi một điều khác sẽ xảy ra. Sau khi thực hiện một hành vi ngôn ngữ, người ta chờ đợi một hành vi ngôn ngữ đáp ứng. Nghĩa là, hai lượt lời có quan hệ mật thiết với nhau. Lượt lời là đơn vị cơ bản của hội thoại. Đó là một lần nói xong của một người trong khi những người khác không nói, để rồi đến lượt một người tiếp theo nói.

Dựa vào số lượng các nhân vật tham gia cuộc thoại, có thể phân chia ra thành các kiểu thoại như sau:

- Đơn thoại: là lời thoại phát ra từ phía người nói hướng đến người nghe nhưng không nhận được sự hồi đáp của người nghe. Người nghe phản hồi bằng hành động hay thực hiện bằng cử chỉ không được tác giả mô tả trực tiếp. Biểu hiện của dạng thức này thể hiện rõ nhất là lời độc thoại nội tâm.

- Song thoại: là cuộc thoại gồm có hai nhân vật giao tiếp với nhau theo quan hệ hai chiều. Đó là cuộc giao tiếp xảy ra tương tác giữa người nói và người nghe, hay là cuộc giao tiếp diễn ra hành vi trao lời và đáp lời. Lời của người trao hướng đến người nghe và có sự đối đáp bằng hành vi ngôn ngữ.

- Tam thoại: là cuộc giao tiếp trong đó có ba người tham gia với ba vai khác nhau.

- Đa thoại: là cuộc thoại có nhiều người tham gia. Lời của nhiều nhân vật đan xem vào nhau trong một ngữ cảnh hội thoại cụ thể.

1.2.2.3. Hành vi (hành động) ngôn ngữ

Trong giao tiếp, con người thực hiện rất nhiều hành động khác nhau bằng cách sử dụng ngôn ngữ. Các hành động này tuy được thể hiện hết sức đa dạng nhưng đều được gọi chung là hành vi (hành động) ngôn ngữ. Hành vi ngôn ngữ là đơn vị nhỏ nhất của cấu trúc hội thoại. Để hiểu được các tam thoại, cặp thoại, đoạn thoại… chúng ta đều phải căn cứ vào hành vi ngôn ngữ.

Hành vi ngôn ngữ hiểu một cách đơn giản là hành động được thực hiện nhờ phương tiện là ngôn ngữ. Người đầu tiên phát hiện ra bản chất hành động trong lời nói được phát ra là nhà triết học Austin. Theo Austin, có ba loại hành vi ngôn ngữ lớn, đó là: hành vi tạo lời, hành vi ở lời và hành vi mượn lời.

- Hành vi tạo lời: là hành vi sử dụng các yếu tố ngôn ngữ như ngữ âm, từ, các kiểu kết hợp từ tạo thành câu… để tạo ra các phát ngôn, diễn ngôn với hình thức nhất định và nội dung tương ứng trong một cuộc giao tiếp. Hành vi này tạo ra nội dung mệnh đề và có một ý nghĩa xác định.

- Hành vi ở lời (tại lời): là hành vi mà người nói thực hiện ngay khi nói năng. Hiệu quả của chúng là những hiệu quả thuộc ngôn ngữ, tức chúng gây ra một phản ứng ngôn ngữ tương ứng với chúng ở người nhận.

- Hành vi mượn lời: là hành vi phát ra lời nói để nhằm đạt đến một hiệu quả nằm ngoài lời đó, tức là mượn phương tiện ngôn ngữ để gây ra một hiệu quả nào đó ngoài ngôn ngữ ở các nhân vật giao tiếp. Chức năng hành động của giao tiếp được thực hiện nhờ các hiệu quả mượn lời của phát ngôn. Có những hiệu quả mượn lời là đích của một hành vi ở lời, nhưng cũng có những hiệu quả không thuộc đích của hành vi ở lời [dẫn theo 11, tr.30].

Austin (1962) chia hành vi ngôn ngữ thành năm phạm trù khác nhau: phán xét, hành xử, cam kết, bày tỏ, ứng xử. Hướng phân loại này có ý nghĩa nhất

định đổi với việc nhận diện các hành vi ngôn ngữ. Trong sự phân loại trên, chính Austin cũng nhận thấy còn những điều không thỏa đáng như có chỗ chồng chéo, có chỗ còn mơ hồ. J. Searle lại phân loại hành vi ngôn ngữ thành năm nhóm sau: tái hiện, điều khiển, cam kết, biểu cảm, tuyên bố.

Hành vi ngôn ngữ xét trong mối quan hệ giữa mục đích diễn đạt và cách thức diễn đạt còn chia ra thành hành vi ngôn ngữ trực tiếp và hành vi ngôn ngữ gián tiếp.

Đỗ Hữu Châu cho rằng hành vi ngôn ngữ trực tiếp là “những hành vi chân thực, có nghĩa là các hành vi được thực hiện đúng với điều kiện sử dụng, đúng với cái đích ở lời của chúng” [dẫn theo 22, tr.23].

Hành vi ngôn ngữ gián tiếp còn gọi là hành vi tại lời tái sinh. Một hành vi ngôn ngữ được gọi là gián tiếp khi dạng thức ngôn ngữ của hành vi tại lời không phản ánh trực tiếp mục đích của điều muốn nói. Mỗi hành vi ngôn ngữ gián tiếp đều chứa đựng nhiều lớp nghĩa, nhiều ý tứ mà không phải người tiếp nhận nào cũng có thể phát hiện ra một cách dễ dàng.

Đào Thanh Lan phân biệt hành động (hành vi) ngôn ngữ trực tiếp và hành động (hành vi) ngôn ngữ gián tiếp ở phương thức biểu hiện và ý nghĩa biểu hiện. “Hành động trực tiếp/ hiển ngôn là hành động tạo ra đích ngôn trung hiển ngôn được biểu hiện trực tiếp bởi các dấu hiệu hình thức ngôn từ đặc trưng cho nó tức là bằng phương tiện chỉ dẫn lực ngôn trung trực tiếp. Hành động trực tiếp tạo ra lời trực tiếp/ lời chính danh” [42, tr.59]. “Hành động gián tiếp/ hàm ngôn là hành động mà đích ngôn trung không được biểu hiện trực tiếp bằng các dấu hiệu hình thức ngôn từ đặc trưng cho nó mà được biểu hiện gián tiếp thông qua dấu hiệu hình thức của hành động khác (hành động dẫn nhập) tạo ra hàm ý của lời được người nghe nhận diện bằng thao tác suy ý trên cơ sở ngữ nghĩa và ngôn cảnh” [42, tr.59].

Về hình thức biểu hiện, hành vi ngôn ngữ trực tiếp và hành vi ngôn ngữ gián tiếp được phân biệt căn cứ vào kiểu cấu trúc câu. Tiếng Việt có 4 kiểu câu

cơ bản là tường thuật (trần thuật), nghi vấn (hỏi), cầu khiến và cảm thán. Mỗi kiểu câu có những dấu hiệu đặc thù về cấu trúc. Kiểu hành động nói tổng quát trong trường hợp này được gọi là chức năng. Khi một kiểu câu được dùng với chức năng vốn có của nó thì nó hoạt động với tư cách là hành vi ngôn ngữ trực tiếp. Ngược lại, khi một kiểu câu hoạt động với chức năng không phải vốn có của kiểu câu đó thì nó hoạt động với tư cách là hành vi ngôn ngữ gián tiếp. Nói cách khác, hành vi ngôn ngữ trực tiếp là loại hành vi ngôn ngữ có kết cấu lõi của hành vi bề mặt trùng với đích ở lời. Hành vi ngôn ngữ gián tiếp là hành vi ngôn ngữ có hình thức là hành vi ngôn ngữ này nhưng lại hướng đến đích ở lời là của một hành vi ngôn ngữ khác.

1.2.2.4. Quy tắc hội thoại

Để hội thoại thành công, các thoại nhân bắt buộc phải tuân theo một số quy tắc nhất định. K. Orecchioni [dẫn theo 8, tr.225] đã hệ thống các quy tắc thành ba nhóm như sau:

- Các quy tắc điều hành sự luân phiên lượt lời; - Các quy tắc chi phối cấu trúc hội thoại;

- Các quy tắc chi phối quan hệ liên nhân trong hội thoại.

Theo Đỗ Hữu Châu, cần có thêm một nhóm quy tắc thứ tư là: Các quy tắc điều hành nội dung cuộc thoại. Nhóm này gồm hai nguyên tắc: nguyên tắc cộng tác hội thoại và nguyên tắc quan yếu [8, tr.226]. Nguyễn Đức Dân [13] cũng nhấn mạnh muốn cho một cuộc hội thoại thành công thì phải tôn trọng nguyên tắc (nguyên lí) hội thoại.

a. Quy tắc luân phiên lượt lời

Trong hội thoại, để cuộc thoại đạt được đích mong muốn, lượt lời, nói cách khác là hành vi trao lời và đáp lời giữa người nói và người nghe phải có sự tương tác thích hợp. Các nhân vật tham gia hội thoại phải có sự phối hợp về từ ngữ, cách nói, cách ứng xử sao cho phù hợp với nội dung cuộc thoại. Lượt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết đàn trời của cao duy sơn (Trang 28 - 38)