Khái quát về nhà văn Cao Duy Sơn và tiểu thuyết Đàn trời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết đàn trời của cao duy sơn (Trang 41 - 43)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.4. Khái quát về nhà văn Cao Duy Sơn và tiểu thuyết Đàn trời

1.2.4.1. Nhà văn Cao Duy Sơn

Nhà văn Cao Duy Sơn sinh năm 1956 tại huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Ông được biết đến là một nhà văn kiên trì với đề tài miền núi. Hiện tại, Cao Duy Sơn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc. Ông đã hai lần đoạt giải A Văn học Dân tộc thiểu số Việt Nam, nhưng chỉ đến khi nhận giải thưởng Hội Nhà văn 2008 với tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối, ông mới nhận đây là giải thưởng lớn đầu tiên.

Trong đời sống văn học Việt Nam đương đại, Cao Duy Sơn được đánh giá là một trong những cây bút có khả năng khai thác độc đáo về đề tài miền núi. Những trang viết đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc và khẳng định được vị trí trong mảng văn xuôi viết về đề tài miền núi như: Người săn gấu (1995), Cực lạc (1995), Những chuyện ở lũng cô sầu (1996),… Nhà văn từng được 2 giải A Văn học thiểu số Việt Nam, nhưng chỉ đến khi Ngôi nhà xưa bên suối (2008) mang giá trị vượt ra ngoài các giải thưởng văn học trong nước với đề cử giải thưởng văn học ASEAN của Hoàng gia Thái Lan năm 2009, Cao Duy Sơn mới được đóng dấu rõ rệt “thương hiệu” là nhà văn chuyên về đề tài miền núi và văn chương của ông được ví như “đặc sản”.

Với bút pháp chân thật, không khoa trương, không hình thức, Cao Duy Sơn đã dựng lên chân dung những con người miền núi ở những đặc trưng giản dị, chân thật, mộc mạc, dẫu cuộc đời không ít nỗi buồn đau. Thế giới nghệ thuật của ông thể hiện bằng tấm lòng yêu thương con người. Ông cũng bám chặt vào văn hóa dân gian để sáng tạo. Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông vừa giàu sắc thái bản địa vừa thể hiện nét độc đáo, sáng tạo trong việc vận dụng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số và dân tộc Việt.

Có thể nói, trong dòng chảy chung của văn học miền núi đương đại, Cao Duy Sơn là một trong những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc và đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng người đọc.

1.2.4.2. Tiểu thuyết Đàn trời

“Đàn trời” là một trong số những tác phẩm viết về đề tài miền núi hay và đặc sắc của tác giả Cao Duy Sơn. Tác phẩm tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng, xoay quanh nạn tham ô, hối lộ của những kẻ đứng đầu, lãnh đạo một số cơ quan như Đinh Xuân Ấn, Tuệ, Lương Nhân… và cuộc đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác của những con người yêu chính nghĩa như Vương, Thức, Thục Vy, Bảo và bí thư tỉnh ủy Bằng. Đan quyện trong những tình tiết gay cấn là những xúc cảm nồng ấm, say mê trong tình yêu của Thức và Mỷ, Vương và Diệu… làm dịu đi những căng thẳng, mưu mô, toan tính của đời sống thị trường.

Tác phẩm lấy bối cảnh ở tỉnh miền núi Bình Lãng với nhân vật trung tâm là Đinh Xuân Ấn, chủ tịch tỉnh sa ngã, độc đoán, nhúng tay vào vụ rút ruột các công trình giao thông thuộc Chương trình 135 của Chính phủ ở tỉnh. Phóng sự điều tra của phóng viên Thức vạch trần sai phạm của doanh nghiệp Lương Nhân, đơn vị trực tiếp nhận thầu thi công vừa phát sóng tập đầu tiên trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, lập tức đánh động cả đường dây tiêu cực. Nhân danh Chủ tịch tỉnh, ông Ấn ra lệnh cho Đài ngừng phát sóng và nộp tất cả tư liệu tìm được cho doanh nghiệp. Giám đốc Đài nhu nhược, cầu an và cũng sa

ngã trong đời sống thi hành ngay lệnh của Chủ tịch Tỉnh. Cán bộ, phóng viên của Phòng Thời sự của Đài đã dũng cảm, mưu trí tìm ra sự thật thì ngỡ ngàng, chán ngán về cấp trên của mình. Doanh nghiệp Lương Nhân ỷ lại vào cái ô của Chủ tịch Tỉnh nên ra sức làm càn, thậm chí chúng còn thuê lưu manh để đe dọa phóng viên Thức.

Tiểu thuyết Đàn trời đề cập đến “mảng tối” trong chốn quan trường ở một tỉnh lẻ với miếng mồi béo bở là các chương trình của dự án 135, là cuộc chiến chống tham nhũng của những phóng viên truyền hình đại diện là nhân vật Thức và nhân vật Vương trong tác phẩm với đội ngũ quan chức tỉnh sa ngã, độc đoán là tập đoàn Lương Nhân, chủ tịch Đinh Xuân Ấn, giám đốc Tuệ với đồng nghiệp và thậm chí ngay cả với chính mình. Những vấn đề nhà văn đặt ra là những vấn đề của con người trong thời kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường với khát vọng làm giàu, lối sống thực dụng có nguy cơ làm tha hóa nhân cách con người. Con người có thể bị hi sinh bởi quyền lực kinh tế, giá trị đạo đức cao cả, tình yêu, sức sống sẽ bị vắt kiệt nếu bị những lợi ích về kinh tế cám dỗ. Nhưng nếu con người vượt qua được những lợi ích và cám dỗ, họ sẽ giữ được nhân phẩm và khẳng định được giá trị sống của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết đàn trời của cao duy sơn (Trang 41 - 43)