Nhân vật văn học và ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm văn học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết đàn trời của cao duy sơn (Trang 38 - 41)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Nhân vật văn học và ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm văn học

1.2.3.1. Nhân vật văn học

Văn học không thể thiếu nhân vật vì đó là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhân vật văn học là một trong những

khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà văn, một khuynh hướng, trường phải hoặc dòng phong cách.

Theo Từ điển văn học, “nhân vật văn học là thuật ngữ chỉ hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ” [500, tr.1254].

Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách… Nhân vật văn học cũng chính là sự thể hiện quan điểm của nhà văn về con người, nó có thể được xây dựng chỉ dựa trên cơ sở quan niệm ấy.

Gắn với sáng tác ngôn từ của những thời đại khác nhau, nhân vật văn học in dấu những xu hướng tiến hóa của tư duy nghệ thuật. Thực tiễn sáng tác, phê bình và nghiên cứu đã nêu lên nhiều kiểu và loại nhân vật văn học, tương ứng với những dấu hiệu phân loại khác nhau. Có thể nói, các loại hình nhân vật rất đa dạng.

Xét về vai trò của nhân vật trong tác phẩm, nhân vật văn học được phân loại thành: nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm. Nhân vật chính là nhân vật xuất hiện nhiều hơn cả trong tác phẩm, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tập trung đề tài, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Trong số nhân vật chính, nhân vật được thể hiện đặc biệt nổi bật, có ý nghĩa tư tưởng - thẩm mĩ sâu sắc nhất, đó là nhân vật trung tâm.

Xét về phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lí tưởng xã hội của nhà văn, nhân vật văn học được phân loại thành: nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Nhân vật chính diện mang lí tưởng, quan điểm tư tưởng và đạo đức của tác giả; thường được tác giả đề cao và khẳng định. Nhân vật phản diện

nằm trong sự phê phán, phủ định của tác giả, là nhân vật mang phẩm chất xấu, trái với đạo lí và tư tưởng, đối lập về tính cách với các nhân vật chính diện.

1.2.3.2. Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm văn học

Khi xây dựng nhân vật, các nhà văn thường rất chú ý tới biểu hiện ngôn ngữ nhân vật bởi ngôn ngữ là một căn cứ quan trọng để biểu đạt phẩm chất và tính cách của mỗi nhân vật. Nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình cá biệt hóa nhân vật.

Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ nhân vật là một yếu tố nhằm lột tả tính cách nhân vật và xây dựng các tình huống xung đột tư tưởng. Ngôn ngữ nhân vật có thể đóng vai trò tổ chức và chỉ đạo đối với ngôn ngữ toàn tác phẩm. Nó là phương tiện để bộc lộ chủ đề và tư tưởng tác phẩm, khắc họa đặc điểm và bản chất của các tính cách và dẫn dắt quá trình phát triển của cốt truyện. Nó cũng tác động đến thái độ của người đọc đối với đối tượng đang được miêu tả trong tác phẩm.

Theo Lý Hoài Thu, ngôn ngữ nhân vật là thứ ngôn ngữ mang đặc điểm cá thể hóa rõ rệt, là công cụ đắc lực giúp nhà văn khắc họa tính cách nổi bật riêng của từng nhân vật [dẫn theo 20, tr.256]. Ngôn ngữ nhân vật gồm ngôn ngữ đối thoại (khi nhân vật văn học nói với các nhân vật khác) và ngôn ngữ độc thoại (khi nhân vật văn học nói với chính mình).

Bàn về ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết, M. Bakhtin viết: “Chỉ lời nói của những nhân vật trong tiểu thuyết - những nhân vật ít nhiều có tính độc lập về mặt tư tưởng - ngôn từ, có nhãn quan của mình - vốn là tiếng nói của người khác, bằng ngôn ngữ khác; đồng thời có thể khúc xạ cả những ý chí của tác giả vào đó, đến một mức độ nhất định, có thể được coi là ngôn ngữ thứ hai của tác giả” [dẫn theo 488, tr.21].

Ngôn ngữ là phương tiện cơ bản nhất được dùng để thể hiện ngôn ngữ nhân vật. Trong tác phẩm, nhà văn có thể cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật bằng nhiều cách như nhấn mạnh cách đặt câu, ghép từ, lời phát âm đặc biệt của nhân

vật, cho nhân vật lặp lại từ, câu mà nhân vật thích nói… Ngoài ra, theo các nhà lí luận văn học, một cử chỉ, một ánh mắt, một cái lắc đầu, một nụ cười… đều là sự thể hiện những tình cảm, suy nghĩ, nỗi đam mê hay hoài nghi, cả ý thức, tiềm thức, vô thức… của nội tâm nhân vật.

Trong luận văn này, ngôn ngữ nhân vật được quan niệm là ngôn ngữ bằng lời của nhân vật; thể hiện những quan điểm, suy nghĩ, nhận xét, đánh giá của nhân vật; mang đặc điểm cá thể hóa rõ rệt và là công cụ đắc lực giúp nhà văn khắc họa tính cách nổi bật riêng của từng nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết đàn trời của cao duy sơn (Trang 38 - 41)