Qua nghiên cứu và thu thập số liệu, điều tra, khảo sát thực tế tại các khu vực khai thác khoáng sản than của hai đơn vị là Công ty TNHH MTV than Uông Bí và Công ty TNHH MTV Thăng Long cho thấy, các hoạt động khai thác đã và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự bồi lắng lòng hồ và chất lượng nguồn nước của hồ Yên Lập nếu không sớm có các giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa những tác động này. Nếu tiếp tục cấp phép cho các đơn vị này tiếp tục
hoạt động khai thác than thì các đơn vị này cần phải đầu tư các giải pháp kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường. Cụ thể, các giải pháp kỹ thuật hai đơn vị phải cần thực hiện như sau:
- Đầu tư đầy đủ hệ thống thu gom và lắng lọc nước mưa chảy tràn bề mặt cho các khu vực sàng tuyển, bãi đổ thải, bãi chứa than tạm thời để đảm bảo giảm tới mức thấp nhất ảnh hưởng của nước mưa chảy tràn bề mặt đến chất lượng nguồn nước của hồ cũng như sự bồi lắng lòng hồ;
- Nâng cấp các tuyến đường vận chuyển nội bộ đã bị xuống cấp nặng trong khu vực khai thác để giảm thiểu sự rửa trôi đất, cát và than xuống khu vực các khe suối của khu vực và lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và dung tích chứa của hồ Yên Lập;
- Đầu tư các mương thu nước mưa để ngăn ngừa nước mưa bề mặt chảy qua các bãi đổ thải, khu vực sàng tuyển. Giải pháp này cũng góp phần giảm đáng kể bồi lắng và ô nhiễm cho nguồn nước của hồ Yên Lập;
- Có chính sách phối hợp với người dân địa phương để phát triển các thảm thực vật ở các khu vực khai thác có các bãi sàng tuyển và bãi đổ thải để giảm sự xói mòn đất và lưu lượng dòng chảy mặt vào mùa mưa qua các khu vực này nhằm giảm tối đa các thành phần ô nhiễm trong nước mưa chảy tràn bề mặt;
- Đầu tư các hồ lắng tại các điểm đầu nguồn của hồ Yên Lập, để ngăn ngừa sự ô nhiễm nguồn nước và bồi lắng lòng hồ từ các hoạt động khai thác khoáng sản phía thượng nguồn của hồ Yên Lập. Đây là giải pháp hết sức cần thiết. Do đặc điểm của hồ Yên Lập là có lòng hẹp vừa phải và dài nên quá trình vận chuyển của các dòng phù sa bồi lắng đến hạ lưu của hồ là phải mất thời gian khá dài. Do vậy, nếu tính toán phù hợp các hồ lắng nước mưa tại đầu nguồn hồ Yên Lập sẽ giúp giảm thiểu đáng kể sự ô nhiễm và bồi lắng nguồn nước của hồ Yên Lập ở khu vực hạ lưu;
- Xây dựng và duy trì hệ thống mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước của hồ Yên Lập;
- Tiến hành rà soát những diện tích đất trống do khai thác than trái phép gây ra để có biện pháp trồng rừng ngay vào các diện tích đó với các loài cây bản địa, có chức năng phòng hộ cao.
- Đối với các Công ty than đã cam kết trồng rừng thay thế theo quy định cần tiến hành trồng rừng ngay nhằm đảm bảo độ che phủ của rừng và tăng khả năng phòng hộ của rừng..