Lược giải về Thập Thiện

Một phần của tài liệu Trung-Dinh-Tay-Phuong-Cong-Cu-Ps-Dat-Nhan-Bien-Thuat-An-Quang-Phap-Su-Giam_Dinh (Trang 60 - 61)

Một là chẳng sát sanh, hai là chẳng trộm cắp, ba là chẳng tà dâm, bốn là chẳng nói dối, năm là chẳng nói thêu dệt, sáu là chẳng nói đâm thọc, bảy là chẳng ác khẩu, tám là chẳng keo tham, chín là chẳng nóng giận, mười là chẳng tà kiến.

Trong những giới này, ba giới đầu tiên là thân nghiệp; bốn giới giữa là khẩu nghiệp; ba giới sau cùng thuộc về ý nghiệp.

Nghiệp là sự đã có tướng hiển hiện. Nếu giữ gìn chẳng phạm thì gọi là Thập Thiện; nếu vi phạm chẳng giữ được thì gọi là Thập Ác.

Thập Ác chia ra làm thượng, trung, hạ; sẽ cảm thân trong ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Thập Thiện cũng chia ra làm thượng, trung, hạ, làm thân trong ba đường lành: trời, người, a tu la. Nhân lành cảm quả lành, nhân ác cảm quả ác, quyết định không nghi, tơ tóc chẳng lầm.

Những điều: giết, trộm, dâm, nói dối đã giảng trong phần nói về Ngũ Giới. Nói thêu dệt là nói lời vô ích, phù phiếm, bóng bảy, đẹp đẽ, bàn soạn chuyện dâm dục khiến người nghĩ bậy...

Nói đôi chiều là đến người kia nói chuyện người này, hướng đến người này nói chuyện kẻ kia; khêu gợi thị, phi, đòn xóc hai đầu.

Ác khẩu là ngôn ngữ thô ác như đao, như kiếm khiến người khác bị vùi lấp, xấu xa, chẳng biết kiêng dè. Nếu lại còn mạo phạm đến cha mẹ người thì gọi là đại ác khẩu; tương lai sẽ mắc quả báo súc sanh. Ðã thọ Phật giới thì nên cẩn thận chớ phạm.

Keo tham là mình chẳng chịu thí của cải của mình cho người thì gọi là keo. Ðối với của cải của người ta chỉ muốn đoạt về mình thì gọi là tham.

Nóng giận là giận dữ: Thấy người đạt được điều gì thì lo buồn phẫn nộ; Thấy người bị mất mát, lòng khoan khoái sung sướng. [Nóng giận] cũng có nghĩa là phô phang thế lực, khinh rẻ cả người lẫn vật.

Tà kiến còn gọi là Si: Chẳng tin làm lành được phước, làm ác mắc tội; nói là không có nhân quả, chẳng có đời sau; khinh miệt hiền thánh, hủy kinh giáo của Phật.

Thập Thiện này bao gồm hết thảy mọi sự. Nếu có thể tuân hành Thập Thiện thì không ác chi chẳng dứt được, không điều lành chi chẳng tu. Tôi sợ kẻ sơ tâm chẳng thể hiểu rõ nên nay nêu đại lược hai việc:

a. Một là nên hiếu thuận phụ mẫu, chẳng trái, chẳng nghịch, thuận chiều uyển chuyển, khuyên cho cha mẹ nhập đạo, bỏ mặn ăn chay, trì giới, niệm Phật, cầu sanh Tây phương liễu thoát sanh tử. Nếu cha mẹ tin nhận thì không điều lành nào lớn hơn nữa!

Nếu như cha mẹ nhất quyết chẳng làm theo thì cũng chớ ép buộc làm vì sẽ mất đạo Hiếu; chỉ nên đối trước Phật thay cha mẹ sám hối tội lỗi; đó mới là điều nên làm. Với anh em thời hết dạ; với vợ chồng thời tận kính; với con cái thời cực lực giáo huấn khiến chúng tốt lành. Cẩn thận chớ kiêu hãnh quá đáng đến nỗi thành sai trái. Ðối với xóm giềng làng xóm nên hòa mục, nhún nhường. Vì họ nói nhân quả, thiện ác khiến họ đổi ác, hướng lành. Ðối với bằng hữu thời tận tín; với tôi tớ thì từ ái. Ðối với việc công cũng tận tâm hết sức như làm việc tư. Hễ thấy người quen biết thì nếu như gặp cha bèn nói về lòng từ; gặp con liền nói về hiếu.

b. Về làm ăn thì dẫu đó vốn là chuyện cầu lợi nhưng cũng chẳng nên tăng giá, gạt gẫm người khác.

Nếu phong hóa này được thạnh hành ở một làng, một ấp thời tiêu được cái họa loạn chưa nảy mầm, đến nỗi hình phạt thành ra vô dụng thì có thể nói là ngoài đồng tận trung, trong nhà tận chánh vậy.

---o0o---

Một phần của tài liệu Trung-Dinh-Tay-Phuong-Cong-Cu-Ps-Dat-Nhan-Bien-Thuat-An-Quang-Phap-Su-Giam_Dinh (Trang 60 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)