Lời khuyên chơn thành về việc tránh sát sanh

Một phần của tài liệu Trung-Dinh-Tay-Phuong-Cong-Cu-Ps-Dat-Nhan-Bien-Thuat-An-Quang-Phap-Su-Giam_Dinh (Trang 61 - 64)

Nhân có các thiện tín đề xướng phóng sanh, gìn tiếc thân mạng nhằm vãn hồi sát kiếp; kẻ chẳng chấp nhận liền đến cật vấn rằng:

“Kìa những kẻ góa bụa, cô độc, bần cùng, hoạn nạn đâu đâu cũng có, sao chẳng chu cấp? Lại cứ miệt mài cứu giúp giống dị loại chẳng liên quan gì đến mình? Há chẳng phải là lầm lạc đối với những điều hoãn, gấp, nặng, nhẹ như vậy hay sao?”

Ðáp:

Ông chưa hiểu duyên do đức Như Lai dạy người tránh giết hại, phóng sanh. Ðó là vì người, vật dẫu khác nhưng Phật tánh vốn đồng. Loài vật vì ác nghiệp nên bị luân hồi trong dị loại; ta do nghiệp lành nên may mắn được làm thân người. Nếu chẳng biết xót thương cứ mặc tình ăn nuốt thì đến ngày nào đó ta hết phước mà tội chúng đã hết thì khó tránh khỏi phải đền trả từ đầu nhằm thỏa mãn miệng, bụng của chúng.

Phải biết rằng đại kiếp đao binh đều do sát nghiệp đời trước cảm thành. Nếu không có sát nghiệp thì dù thân mình có gặp phải giặc cướp, chúng cũng sẽ khởi tâm lành nên mình chẳng bị tru lục.

Vả lại, đối với các thứ tai vạ ngang trái như: ôn dịch, nước, lửa, nếu giới sát, phóng sanh thì ít bị mắc phải. Bởi thế, ta biết được rằng: bảo vệ sanh mạng chính là tự bảo hộ mình. Tránh giết thì mới khỏi bị trời giết, quỷ thần giết, đạo tặc giết, các thứ đến báo oán giết.

Ðối với những kẻ góa bụa, cô độc, bần cùng, hoạn nạn cũng đều tùy phận, tùy sức để chu cấp cho, chứ đâu có phải là người giới sát, phóng sanh tuyệt chẳng hề làm công đức ấy? Mà những người góa bụa ấy tuy thật rất đáng thương, nhưng còn chưa đến nỗi lâm vào tử địa. Ðối với loài vật chẳng cứu chuộc mạng, đành lòng đứng nhìn chúng bị lên chảo, lên thớt để thỏa mãn cái miệng, cái bụng ư?

Người ấy lại nói: “Loài vật vô tận, thả được bao nhiêu?” Ðáp:

- Ông phải biết là một việc phóng sanh thật ra là để mọi người phát khởi tâm lành tối thắng giữ gìn sanh mạng loài vật. Cốt là ở ý niệm thôi không giết hại nữa, trong tâm thương xót chẳng nỡ ăn nuốt. Nếu đã chẳng ăn nuốt thì sẽ thôi không bắt bớ; mặc cho hết thảy loài vật trên cạn, dưới nước tự tại bay chạy, bơi lội trong chỗ sống của chúng. Thành thử, chẳng phóng sanh mà phóng sanh khắp cả. Há chẳng phải là cả thiên hạ trở thành một cảnh hay không?

Giả sử, chẳng thể khiến cho ai nấy cũng đều được như vậy thì nếu dẫu chỉ một người chẳng đành ăn thịt là vô lượng sanh mạng trên cạn, dưới nước đã khỏi bị giết chóc. Huống hồ là trên đời chẳng phải là chỉ có duy nhất người chẳng ăn thịt đó ư!

Giới Sát lại còn là để dứt sạch cái nhân góa bụa, cô độc, bần cùng, hoạn nạn của hết thảy người trong hiện tại lẫn vị lai, khiến họ được hưởng cái duyên trường thọ vô bịnh, phú quí, an vui, cha con đoàn viên, vợ chồng giai lão. Ðấy chính là đã sắp sẵn cái hạnh cứu giúp trọn khắp khiến cho vị lai đời đời, kiếp kiếp, ai nấy trọn chẳng bị các khổ: góa bụa, cô độc, hưởng cái vui sống lâu, giàu có... há chẳng phải là toàn nước được hưởng phúc hay chăng? Có nên bỏ lỡ không? Ông hãy nghĩ kỹ!

Việc kiêng giết hại, phóng sanh xét đến rốt ráo thì là vì loài người, chứ nào phải chỉ nhằm lợi lạc cho loài vật mà ông cho là điên đảo nơi sự hoãn, gấp, nặng, nhẹ vậy!

Ðức lớn của trời đất gọi là Sanh. Ðạo lớn của Như Lai là Từ. Người, vật tuy khác nhưng tâm tánh giống nhau. Ðối với cả phàm trần ba thừa, sáu nẻo, Như Lai đều xem như con một. Vì cớ sao? Vì tất cả đều sẵn đủ Phật tánh, đều có thể thành Phật.

Hãy khoan bàn tới ba cõi; lục phàm là thiên, nhân, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục, tuy là cao thấp khác biệt rất xa, khổ vui sai khác, nhưng đều là [những kẻ] chưa đoạn được hoặc nghiệp, chưa thoát khỏi sanh tử. Phước trời nếu hết liền bị đọa xuống; tội trong địa ngục nếu tiêu bèn lại sanh lên, như thể bánh xe lăn lần lượt lên cao, xuống thấp.

Nay ta may được thân người, lẽ ra phải nên sắp bày phương cách chu đáo nhằm giữ gìn tiếc thương mạng loài vật thì mới hợp với đức hiếu sanh của trời đất, thể hiện lòng nhân trắc ẩn trong tâm ta. Ðó là vì các loài vật với ta cùng sanh trong khoảng trời đất, cùng hưởng sự dưỡng dục của trời đất, cùng biết tham sống, cùng biết sợ chết.

Ðối với xương khô, kẻ nhân còn vơ lấy đem chôn; đối với cỏ cây còn để mọc dài chẳng chặt; huống hồ là chỉ vì để ngon miệng, sướng bụng mà đành bắt các loài vật trên cạn, dưới nước phải chịu cái khổ dao cắt, nấu, chiên hay sao?

Nên biết là từ vô thỉ đến nay, các loài vật ấy cũng đã từng ở vào địa vị tôn quý, oai quyền hiển hách nhưng chẳng biết mượn oai quyền để vun bồi cái đức; ngược lại, họ cậy oai quyền tạo nghiệp khiến cho ác nghiệp chất chồng, đọa trong dị loại: miệng chẳng nói được, tâm không trí lự, thân không kỹ thuật. Mắc phải nạn ấy thì dẫu thịt mềm bị [kẻ khác] cưỡng ăn, nhưng oán hận tích kết lại khiến cho đời đời kiếp kiếp luôn nghĩ đến chuyện báo oán. Người nào nếu đã chẳng nghĩ đến nỗi khổ bị giết hại của các loài vật thì há chẳng sợ cái oán nghiệp thâm kết, thường bị chúng giết hại lại hay sao? Lại cũng chẳng sợ do vì mình tàn hại loài vật, trời sẽ đoạt phước thọ của mình ư?

Nếu ai mong muốn quyến thuộc quây quần, thọ mạng dài lâu, thân tâm an lạc, các duyên như ý thì phải nên phát lòng đại bi, hành hạnh phóng sanh khiến cho trời đất, quỷ thần đều xót thương tấm lòng thành thật thương yêu loài vật của ta thì những điều ta mong muốn mới sẽ đạt được.

Nếu cứ cậy mình có tiền tài, mình sẵn trí lực rồi bày đủ các cách bắt lấy loài vật cốt sao thỏa thuê miệng, dạ của mình, chẳng đếm xỉa nỗi thống khổ của chúng; há có còn đáng coi là người cùng đứng chung với trời, đất thành tam tài chăng?

Ta cùng bọn chúng cùng ở trong sanh tử, từ vô thỉ đến nay chắc chắn chúng đã từng là cha mẹ, anh em, thê thiếp, con cái của ta; ta cũng đều từng là cha mẹ, anh em, thê thiếp, con cái của chúng. Bọn chúng cũng từng ở trong loài người hoặc trong dị loại, đều bị ta giết; ta cũng đều hoặc ở trong loài người hoặc trong dị loại, đều bị chúng giết; làm kẻ thân, người oán, sanh ra nhau hay giết nhau.

Lặng im mà nghĩ, thẹn chẳng muốn sanh. Chóng gấp cải đổi còn e quá trễ; huống là cam đành giữ thói cũ, chấp mãi ý tưởng mê muội: trời sanh ra các loài khác là để cho con người ăn uống!

---o0o---

Một phần của tài liệu Trung-Dinh-Tay-Phuong-Cong-Cu-Ps-Dat-Nhan-Bien-Thuat-An-Quang-Phap-Su-Giam_Dinh (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)