Nguyên tắc truyền thống của cân bằng tài chính là các tài sản cố định phải được tài trợ bởi các nguồn vốn dài hạn. Tính ổn định của nguồn vốn dài hạn không những đảm bảo sự cân bằng nhất thời mà còn duy trì được sự cân bằng về dài hạn. Phần trội của tổng nguồn vốn dài hạn so với tổng tài sản cố định được gọi là vốn lưu động, tạo thành một biên an toàn cho cân bằng tài chính. Thực tế doanh nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng mất cân đối khi biên an toàn bị phá vỡ, nguồn vốn dài hạn không đủ tài trợ cho tài sản dài hạn, lúc này doanh nghiệp dùng nguồn vốn ngắn hạn mà chủ yếu là nợ vay ngân hàng để tài trợ cho tài sản dài hạn. Nếu tình hình mất cân đối kéo dài mà doanh nghiệp không có biện pháp cân bằng thì dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán khi nợ vay đến hạn.
Chính vì thế để kiểm soát tốt việc sử dụng vốn lưu động, khuyến nghị đối với BIDV Ninh Thuận: (1) Cần xác định chính xác nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp. Khi xác định nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp cần phải phân tích chính xác các chỉ tiêu tài chính của kỳ trước, những biến động chủ yếu trong vốn lưu động, mức chênh lệch giữa kế hoạch và thực hiện về nhu cầu vốn lưu động ở các kỳ trước cùng với những dự đoán về tình hình HĐKD, khả năng tăng trưởng trong năm tới. Tiếp đó, dựa trên nhu cầu vốn lưu động đã xác định, xác định khả năng tài chính hiện tại của doanh nghiệp, xác định số vốn còn thiếu của doanh nghiệp; (2) Cho vay bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh dựa trên các hợp đồng cụ thể, tìm hiểu kỹ khả năng thanh toán của bên thanh toán, hợp đồng phải quy định chặt chẽ về thời gian, phương thức thanh toán và hình thức phạt khi vi phạm hợp đồng; (3) Định kỳ kiểm tra vật tư, hàng hoá đảm bảo nợ vay bằng cách so sánh giữa giá trị tài sản ngắn hạn thực tế trong kỳ kiểm tra và nguồn vốn ngắn hạn để xác định nguồn vốn lưu động ròng của khách hàng đang thừa/thiếu.
Đối với doanh nghiệp, cần phải xây dựng kế hoạch và sử dụng vốn của doanh nghiệp sao cho hợp lý, hiệu quả, khi xác định nhu cầu vốn lưu động, doanh nghiệp cần quan tâm đến các nguyên tắc: (1) Nhu cầu vốn lưu động phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất, đảm bảo đủ vốn lưu động cho sản xuất vì nhu cầu vốn lưu động phụ
thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại mỗi thời kỳ xác định; (2) Thực hiện tiết kiệm vốn lưu động, giảm lượng vốn lưu động dư thừa, đảm bảo sử dụng lượng vốn lưu động ở mức tối ưu cho sản xuất kinh doanh, bằng cách thường xuyên đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động, thời gian luân chuyển của vốn lưu động và các giai đoạn luân chuyển của vốn lưu động, để có biện pháp tiết kiệm vốn lưu động cho doanh nghiệp; (3) Xác định nhu cầu vốn lưu động phải dựa trên các kế hoạch về tiêu thụ sản phẩm, kế hoạch sản phẩm, kế hoạch chi phí, kế hoạch thu mua nguyên vật liệu. Các kế hoạch này liên quan đến lượng thu chi tiền mặt, ảnh hưởng đến nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần có các phương pháp dự báo chính xác khi xây dựng kế hoạch; (4) Xác định nhu cầu vốn lưu động phải quan tâm đến việc thu thập thông tin từ các phòng ban, có sự phối hợp và đóng góp ý kiến của các phòng ban chức năng. Vì kế hoạch hoạt động của các phòng ban chức năng có ảnh hưởng đến lượng thu chi tiền mặt trong suốt quá trình luân chuyển của vốn lưu động, từ khâu cung ứng nguyên vật liệu cho đến khâu tiêu thụ. Thực hiện nguyên tắc này đảm bảo việc xác định nhu cầu vốn lưu động chính xác, phù hợp với nhu cầu thực tế về sản xuất kinh doanh.