Loại bỏ các khuynh hướng văn hóa cực đoan

Một phần của tài liệu Giao lưu văn hóa ở Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hoá - Bước ngoặt về chất.DOC (Trang 35 - 36)

III. CẢI CÁCH VĂN HOÁ

5. Loại bỏ các khuynh hướng văn hóa cực đoan

Đây là một trong những nội dung quan trọng của cải cách văn hóa bởi loại bỏ các khuynh hướng văn hóa cực đoan chính là làm trong sạch hóa đời sống văn hóa và đưa nền văn hóa tiệm cận trạng thái phát triển tự nhiên của nó.

Sinh thời, Lenin rất trọng hai nhà thơ Maiacopsky và Exenhin. Không ai có thể ca tụng Lenin hay hơn Maiacopsky. Nhưng Lenin có phần nào trọng Exenhin hơn bởi thơ của Exenhin viết về Liên Xô tự nhiên hơn, hay nói đúng hơn là những sáng tác của Exenhin không mang màu sắc và dáng dấp của các động cơ chính trị.

Trong lịch sử, các nhà chính trị từng đưa ra cương lĩnh văn hóa, như Cương lĩnh xây dựng con người Xô Viết của Lenin (viết cùng hai nhà lãnh đạo cấp cao khác), Cương lĩnh văn hóa Diên An của Mao Trạch Đông. Thật ra, lý do ra đời những cương lĩnh văn hóa

thường rất tốt đẹp, nhưng xét về mặt bản chất, chúng phần nào bị cực đoan hoá. Bởi văn hóa là một sản phẩm tự nhiên và con người không thể áp đặt ý muốn chủ quan của mình để tiêu chuẩn hóa văn hóa của cả một dân tộc. Chính bởi vậy, các cương lĩnh văn hóa không có sức sống thật sự, chúng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định nhằm phục vụ những mục đích chính trị nhất định.

Văn hóa bao giờ cũng được hình thành từ sự thừa nhận tình cảm của mọi người. Việc cấy ghép các yếu tố chính trị sẽ làm gián đoạn đời sống phát triển của văn hóa và triệt tiêu khả năng tạo ra sự thức tỉnh của nó. Tuy nhiên, khẳng định như vậy không đồng nghĩa với việc các yếu tố chính trị không xâm nhập một cách tự nhiên vào đời sống văn hoá. Đại bộ phận nhân dân Việt Nam đều cảm nhận giai đoạn kháng chiến như một giai đoạn lịch sử rất có giá trị. Văn hóa Việt Nam, một cách tự nhiên, đã hình thành nên một giai đoạn văn hóa thoả mãn những tâm tư và ước vọng nóng bỏng của con người. Có lẽ, không ai có thể quên bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, một tác phẩm mang đầy âm hưởng hoành tráng của giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Điều làm nên sức sống mãnh liệt của "Đất nước" hay những tác phẩm tương tự chính là sự thể hiện các yếu tố chính trị một cách tự nhiên, chân thành và nồng nhiệt. Bài hát "Bóng cây Kơ-nia" của Phan Huỳnh Điểu cũng là một trường hợp như vậy. Đó là bản tình ca của chiến tranh, hội tụ những cảm xúc yên bình, trong sáng và lãng mạn nhất của thời chiến, vút lên trong một bối cảnh ác liệt và làm xúc động hàng triệu người, trong đó có cả những người ở phía bên kia chiến tuyến. Hoàn toàn không quá lời khi nói rằng bất kỳ tác phẩm nào phản ánh cuộc sống một cách trung thực với những cảm xúc tự nhiên sẽ có khả năng xâm nhập vào bất kỳ cá nhân nào và cộng đồng nào. Điều đó biểu hiện sự dung nạp các yếu tố tinh tuý và hợp lý của chính trị trong văn hoá, đồng thời là bằng chứng về khả năng thức tỉnh của văn hoá.

Một phần của tài liệu Giao lưu văn hóa ở Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hoá - Bước ngoặt về chất.DOC (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(44 trang)
w