III. CẢI CÁCH VĂN HOÁ
1. Sự cần thiết phải cải cách văn hóa đối với các nước thế giới thứ ba
Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ khi các nước thế giới thứ ba thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và giành được độc lập. Mặc dù những nhà lãnh đạo đã tiến hành cải cách kinh tế và cải cách chính trị, đến nay, thế giới thứ ba vẫn ngập chìm trong lạc hậu, khổ đau và nghèo nàn. Thực trạng này khiến người ta bắt đầu đặt câu hỏi, các nước thế giới thứ ba còn phải làm những gì để thoát khỏi bi kịch của mình và không bị tụt hậu so với tiến trình phát triển của thế giới?
Không thể phủ nhận rằng toàn cầu hóa là cơ hội cho các nước thế giới thứ ba nhận ra những mặt yếu kém của mình, qua đó, tìm ra giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tốc độ phát triển. Trong suốt một khoảng thời gian dài, các nước thế giới thứ ba đã cố gắng khắc phục sự lạc hậu thông qua cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Tuy nhiên, các cuộc cải cách này luôn vấp phải một lực cản vô hình và do đó, không đạt được kết quả như mong muốn. Các nước thế giới thứ ba ngày càng nhận ra rằng dường như chính thái độ tiêu cực đối với văn hóa là yếu tố có sức cản lớn nhất đối với tiến trình phát triển, do đó, cải
cách văn hóa là giải pháp duy nhất để thoát khỏi "cái vòng luẩn quẩn" đã giam hãm các quốc gia này như một định mệnh.
Văn hóa lắng đọng một cách tự nhiên trong tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Nó có thể thâm nhập vào những cộng đồng khác, các nền văn hóa khác và tạo ra những nhận thức mới. Vì vậy, một nền văn hóa lạc hậu sẽ kéo theo sự lạc hậu của tất cả những thành tố còn lại của đời sống, và vì thế, nó sẽ trì níu sự phát triển của chính trị - kinh tế và hạn chế thành công của cải cách chính trị và cải cách kinh tế. Do đó, ngoài việc tiến hành cải cách chính trị và cải cách kinh tế, các nước thế giới thứ ba cần phải tiến hành cải cách văn hóa nhằm tạo ra một sự bảo trợ tinh thần cho thành công của cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Mặt khác, việc tiến hành cải cách văn hóa còn nhằm đảm bảo tính đồng bộ của ba cuộc cải cách bao gồm cải cách kinh tế, cải cách chính trị và cải cách văn hoá. Nếu không tiến hành cải cách văn hoá, các nước thế giới thứ ba sẽ không thể thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu của mình, bởi sự lạc hậu của môi trường tinh thần sẽ tạo ra một sức cản rất lớn đối với tiến độ và tính triệt để của cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Ba cuộc cải cách này là ba bộ phận có tính chất bánh lái của đời sống xã hội. Vì vậy, hệ thống chính trị nào điều tiết được ba cuộc cải cách này một cách đồng bộ và linh hoạt, hệ thống chính trị ấy sẽ đạt đến trạng thái lý tưởng.
Tuy tiến công vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống, ba cuộc cải cải cách này đều nhằm tạo ra một không gian tự do cho sự phát triển. Nếu cải cách kinh tế nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường tự do, cải cách chính trị nhằm đưa hệ thống chính trị tiệm cận nền dân chủ thì cải cách văn hóa sẽ đưa nền văn hóa đạt tới trạng thái mở. Cải cách văn hóa hoàn toàn không kém phần quan trọng so với cải cách chính trị và cải cách kinh tế. Nếu không cải cách văn hoá, cải cách chính trị và cải cách kinh tế sẽ chỉ quẩn quanh trong những thành tựu khiêm tốn.