I. VĂN HOÁ VÀ GIAO LƯU VĂN HOÁ
3. Giao lưu văn hoá ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá
3.3. Hết nhìn “ta” lại qua nhìn “người"
Người ở đây chính là đối tượng văn hóa rộng lớn hơn mà những dòng văn hóa nhỏ có khả năng hội nhập. Như khi các nhóm di dân vào đất Mỹ thì văn hóa Mỹ đương nhiên trở thành nguồn chính (Mainstream). Vì vậy, trong ngôn từ chính thức, người Mỹ luôn luôn xác định "gốc” và "ngọn". Như trường hợp người Việt qua định cư ở Mỹ sau 5 năm, đủ điều kiện lưu trú để trở thành công dân Mỹ thì sẽ là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American). Thái độ văn hóa của các nước dang tay ra đón người nhập cư dù là ở Mỹ, Úc, Canada, Tây, Tàu, Nhật, Anh... bao giờ cũng trịch thượng và đầy vẻ tri ân.
Thử trưng dẫn trương hơn tiêu biểu bằng cách nhìn lại lịch sử "Thái độ văn hóa“ của Mỹ chẳng hạn, sẽ thấy ngay điều đó.
Đối với làn sóng người da đen từ Phi Châu nhập cư đầu tiên vào châu Mỹ trong thế kỷ XVI với thân phận người nô lệ thì thái độ văn hóa của người Mỹ da trắng đối với họ là "Tuân giáo" (Conformity). Dân nhập cư phải "cải văn hóa" như cải đạo. Liên tiếp những thế kỷ sau, luồng sóng nhập cư càng ngày càng đông, màu sắc văn hóa càng muôn hồng ngàn tía. Để phù hợp với thực trạng xã hội, thái độ văn hóa của người Mỹ bản xứ đổi qua một khái niệm "lãng mạn hơn" bằng lý thuyết "Melting Pot". Nghĩa là họ cho rằng mọi đặc tính và hình thái văn hóa ngoại lai mang vào Mỹ sẽ bị trộn lại với nhau cùng với văn hóa Mỹ trong một "Nồi súp de văn hóa nóng chảy". Phải cần cả trăm năm sau người ta mới nhận ra rằng, cái nồi Melting Pot đó đặt hoài trên lò bát quái của văn hóa mà không bao giờ chịu sôi lên để nóng chảy. Thực tế chỉ có một nền "đa văn hóa" (Cultural pluralism) vẫn tồn tại và trơ gan cùng tuế nguyệt. Do đó, người ta phải "xuống cấp" cho giả thuyết sáp nhập văn hóa bằng cách dùng hình ảnh của bức khảm (Mosaic) hay là dĩa xà lách (Salad bowl) để hình tượng hóa một nền văn hóa đa chủng của xã hội Hoa Kỳ hiện nay.
Dùng văn hóa Mỹ như là một trường hợp nghiên cứu để minh họa một bức tranh văn hóa rất có khả năng diễn ra sau này khắp toàn cầu mà Việt Nam có thể là một thành tố trong đó.
Trong lĩnh vực tâm lý, xã hội và văn hóa, có phải chăng vì xuất phát từ mô thức tổ chức đời sống trên căn bản đơn vị làng xã và dại gia đình nên người Việt có khuynh hướng coi việc bảo tồn rất gần với bảo thủ. Vì vậy khi có hiện tượng hội nhập quá nhanh hay trì trệ trước một trào lưu văn hóa mới, thường bị chê trách một cách đầy cảm tính và chủ quan
bằng những lời phê phán, đại khái như "lai căng, mất gốc" hay "chậm tiến, lạc hậu. Hiện trạng này tự nó đã nói lên được rằng người Việt tự hào với văn hóa truyền thống của mình và ít sẵn sàng để thay đổi hay hội nhập văn hóa theo trào lưu mới. Thái độ khép kín văn hóa trong quá khứ có tác dụng vừa tiêu cực vừa tích cực. Tiêu cực vì rất dễ dẫn đến thái độ tự cô lập văn hóa. Tích cực là có thể đương đầu để tồn tại trước sự chinh phục vũ bão của các thế lực "Phát xít văn hóa" hay "Sô Vanh mẫu quốc văn hóa" như sự đô hộ và âm mưu nô lệ văn hóa của Tàu lẫn Tây trong lịch sử Việt Nam thời xa xưa và cận đại.
Tuy nhiên, thực tiễn và kinh nghiệm của khối người Việt ở nước ngoài trong gần 30 năm qua đã chứng minh rằng, thái độ "Ta không mê của người, ta không chê của ta" là con đường trung đạo thích hợp nhất trong một hoàn cảnh văn hóa mới. Một thái độ tỉnh táo để tiếp thu và học hỏi những cái hay, cái đẹp của văn hóa người và phát huy những cái tốt, cái khéo của văn hóa ta đã mang lại những kết quả tích cực nhất cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Văn hóa cũng như những dòng sông cứ luân lưu chảy mãi từ nguồn đến biển. Trong đại dương văn hóa của nhân loại, có sự đóng góp của những dòng sông văn hóa Hồng Hà, Cửu Long, Hằng Hà, Dương Tử, Nile, Seine, Mississippi... và bao nhiêu suối nguồn thầm lặng khác. Con người tự hào vì có văn hóa và văn hóa cũng phải tự hào vì nó là sản phẩm của con người. Không ai có thể chối bỏ sự hiện hữu của văn hóa vì ngay cả sự chối bỏ cũng là một cách biểu hiện thái độ trong đời sống và chính đời sống đó cũng vô hình chung là một thành phần văn hóa.