Chƣơng 4 BÀN LUẬN
4.3.2. Thực hành chăm sóc sức khỏe liên quan đến mãn kinh
Từ kiến thức hiểu biết và thái độ của nhóm đối tượng nghiên cứu ít nhiều có ảnh hưởng đến hành vi chăm sóc sức khỏe của họ. Do đó so sánh bảng 3.9 và bảng 3.15 chúng tôi thấy có sự liên quan giữa hiểu biết và thực hành chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mãn kinh. Mức độ thực hành phụ thuộc vào sự hiểu biết. Có 86,92% phụ nữ mãn kinh ăn nhiều rau quả, 83,08% phụ nữ không dùng các chất kích thích, bớt ăn thịt trứng chiểm 59,74%, ăn nhiều thức ăn có chất khoáng chiếm 37,95%, ăn uống nhiều thực phẩm từ đậu nành chỉ có 28,72%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi mặc dù tỷ lệ hiểu biết và thực hành chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mãn kinh cao hơn so với Tôn Nữ Minh Quang, nhưng giống nhau về mức độ thực hành phụ thuộc vào sự hiểu
biết [19]. Đời sống của phụ nữ chúng ta hiện nay đã được cải thiện hơn rất nhiều, mặc dù số lượng phụ nữ hút thốc và uống rượu bia không nhiều nhưng thực hiện chế độ ăn đúng chưa cao, một số đối tượng có hiểu biết nhưng vẫn chịu ảnh hưởng bởi thói quen trong ăn uống.
Kết quả bảng 3.16 cho thấy tỷ lệ phụ nữ tập luyện thể dục thường xuyên chiếm 54,62% cao hơn nghiên cứu của Tôn Nữ Minh Quang (chỉ có 41,40%) [19]. Bổ sung thêm canxi ngoài chế độ ăn chiếm 38,97% (bảng 3.16), cùng với kết quả ở bảng 3.15 ghi nhận 37,95% phụ nữ thực hành ăn nhiều thức ăn có chất khoáng, tỷ lệ phụ nữ thực hành bổ sung canxi phòng loãng xương của nhóm nghiên cứu chưa cao.
Loãng xương diễn ra từ từ, phụ nữ ít có cảm giác về loãng xương cho đến khi bị gãy xương tự nhiên, vẹo cột sống, đau vùng thắt lưng, đau thần kinh tọa...Nếu cuộc sống kéo dài đến 80 tuổi thì từ 20 đến 80 tuổi, ít nhất đã có 50% khối lượng xương bị mất đi. Tuổi mãn kinh càng kéo dài mà không được bổ sung, trị liệu gì thì chất xương càng bị mất nhiều hơn [8]. Để phòng chống loãng xương do mãn kinh có nhiều yếu tố phối hợp như tập luyện thể dục, dùng thuốc nội tiết nữ... trong đó việc bổ sung canxi cũng là yếu tố rất cần thiết đối với phụ nữ.
Trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi, có 10,51% phụ nữ đã dùng thuốc bổ sung nội tiết. Tôn Nữ Minh Quang nghiên cứu một số phường ở thành phố Huế thì chưa có đối tượng nào đã dùng thuốc nội tiết [19]. Với kết quả nghiên cứu được ở trên của chúng tôi, tỷ lệ phụ nữ mãn kinh dùng thuốc nội tiết có tăng lên nhưng chưa cao. Đến nay, ở nước ta dùng hormon thay thế ở tuổi mãn kinh chưa được phổ biến.
Qua bảng 3.16 cho thấy có 29,74% phụ nữ mãn kinh có khám sức khỏe định kỳ. Tỷ lệ này còn thấp, khi điều kiện của người dân ở đây rất thuận lợi
về kinh tế, có dịch vụ y tế đa dạng và chất lượng cao. Vậy nên họ cần được tư vấn truyền thông nhiều hơn về lợi ích của khám sức khỏe định kỳ.