XVI. TỘT CÙNG CHÂN LÝ NGÃ PHÁP ĐỀU KHÔNG
XVÌI QUA SỰ NHÂN THỨC CỦA PHẬT NHÃN THÌ TẤT CẢ LÀ MỘT VÀ MỘT LÀ TẤT CẢ
TẤT CẢ LÀ MỘT VÀ MỘT LÀ TẤT CẢ
Phật bảo: Nầy Tu Bồ Đề! Ông hiểu thế nào? Với các thứ mắt: nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, pháp nhãn, và Phật nhãn, Như Lai có đủ chăng?
- Tu Bồ Đề! Ông hiểu thế nào? Những cát của sông Hằng Như Lai có nói là cát không? - Bạch Thế Tôn! Như Lai vẫn nói là cát.
- Tu Bồ Đề! Phỏng có những số song Hằng nhiều bằng số cát của sông Hằng và cõi Phật trong mười phương nhiều bằng số cát của những sông Hằng kia. Ông hiểu thế nào? Cõi Phật như thế có nhiều chăng?
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
- Tu Bồ Đề! Bao nhiêu tâm niệm của chúng sanh trong ngần ấy cõi Phật, Như Lai đều biết rõ. Vì sao? Vì Như Lai nói: Các tâm đều phi tâm, mà gọi tâm vậy thôi. Vì sao Như Lai nói vậy? Vì tâm quá khứ tìm không có, tâm hiện tại tìm không có và tâm vị lai tìm cũng có.
TRỰC CHỈ
* Sự hỏi đáp qua lại giữa Đức Phật và ông Tu Bồ Đề, về năm thứ mắt, hàm chứa ý nghĩa bên trong, nhằm nói lên: Sự thấy biết của Như Lai là thấy biết toàn diện, khi nhận thức về một đối tượng. Theo Phật học, nhận thức của con người đối với vũ trụ vạn hữu khách quan, phải trải qua quá trình tư duy từ cạn tới sâu, từ thô đến tế, thông qua "ngũ nhãn" của con người. Nói cách khác là nhận thức một đối tượng phải tư duy, cân nhắc, gạn lọc, phân tích qua năm tầng trí tuệ, thì sự nhận thức mới chính xác, đáng tin cậy. Thuật ngữ Phật học gọi năm tầng trí tuệ ấy bằng cái từ "ngũ nhãn".
Ở đoạn Bát Nhã Ba La Mật nầy, Phật cho biết: Tất cả giáo lý, Như Lai dạy cho các đệ tử, Như Lai đã tư duy, cân nhắc, gạn lọc, phân tích kiểm nghiệm phẩm chất của mọi sự việc, mọi vấn đề rồi: rằng sự thấy biết thông thường bằng nhục nhãn Như Lai vẫn có như tất cả mọi người đã có. Sự thấy biết trong sáng hơn, phẩm chất nhận thức cao hơn, của người trí thức, Như Lai cũng đã có. Sự thấy biết của người có trình độ giác ngộ, nhận thức được một phần sự thật ở phía bản thân, thấy được chân lý NGÃ KHÔNG của pháp nhãn. Như Lai vẫn xử dụng. Sự thấy biết tinh tường, thâm diệu hơn, trong nhận thức nhân sanh vũ trụ, quán triệt cạn nguồn chân lý: NGÃ PHÁP ĐỀU KHÔNG của tuệ nhãn, Như Lai đã thường xuyên vận dụng. Cuối cùng là sự thấy biết qua tri kiến Như Lai, Như Lai xử dụng cách ngắm nhìn, cách tư duy nhận thức vạn hữu vũ trụ qua tự tánh NHƯ THỊcủa chính nó. Đó là: NHƯ THỊ Tánh NHƯ THỊ Tướng NHƯ THỊ Thể NHƯ THỊ Lực NHƯ THỊ Tác NHƯ THỊ Nhơn
NHƯ THỊ Duyên NHƯ THỊ Quả
NHƯ THỊ Báo
NHƯ THỊ Bổn mạt cứu kính
* Cát của một sông Hằng vốn đã nhiều, số sông Hằng nhiều bằng số cát, quả là vô số kể.Vậy mà, cõi nước chư Phật mười phương nhiều bằng số cát của những sông Hằng kia, rõ là vô lượng vô biên, vượt ngoài tất cả số. Chúng sanh ở trong những cõi nước Phật ấy, nhiều phải nhân lên gấp nghìn muôn ức triệu lần. Thế mà Như Lai nói: Bao nhiêu Tâm chúng sanh trong ngần ấy cõi Phật, Như Lai đều biết rõ. Có phải chăng Như Lai muốn đề cao sự ly kỳ, hi hữu của một đấng siêu nhân?
- Như Lai không là người kiêu hãnh, tự đề cao. Càng không bao giờ xem mình là một đấng siêu nhân, như những người đệ tử kém cỏi đề cao Như lai vô ý thức.
Theo giáo lý Phật, TÂM là ngôn thuyết giả danh để chỉ một TỔNG thể bao trùm tất cả
BIỆT thể. Một ĐỒNG thể dung nhiếp hết thảy DỊ thể. Một THÀNH thể tồn tại trong
HOẠI thể của hiện tượng vạn pháp. Nói cách khác: TÂM là chỉ sự bao hàm, sự dung nhiếp và duy trì sự vật hiện tượng tồn tại trong mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly. Mọi sự vật tồn tại, đều được biểu hiện qua "Sáu tướng viên dung". Nhìn ở mặt BIỆT, DỊ, HOẠI, ta sẽ thấy tướng riêng của sự vật hiện tượng. Nhìn qua mặt TỔNG, ĐỒNG, THÀNH, ta nhận thức được tánh chung của vạn pháp.
Vì thế, TÂM chúng sanh dù nhiều bất khả thuyết vô lượng vô biên. Như Lai đều biết rõ mà không vướng phải sự khó khăn nào. Mà đó là một sự thật biện chứng rành rành: TẤT CẢ LÀ MỘT, MỘT LÀ TẤT CẢ, trong hệ tư tưởng triết học của Đại thừa Phật giáo,
Bát Nhã Không Tôn.
Như Lai nói tâm vốn không phải Tâm mà gọi Tâm vậy thôi. Bởi vì Tâm quá khứ tìm không có, Tâm hiện tại tìm không có, và Tâm vị lai cũng không tìm có!