Là tuyến vận chuyển biển chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Một phần của tài liệu Đề tài: Phân tích vai trò của Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam (Trang 137 - 146)

2. Vai trò của đường mòn Hồ Chí Minh trênbiển trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước

2.1. Là tuyến vận chuyển biển chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đường Hồ Chí Minh trên biển có vai trò to lớn trong chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam

Qua con đường vận tải biển, hậu phương lớn miền Bắc đã tiếp tế kịp thời vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Được trang bị vũ khí, kỹ thuật quân sự tương đối đầy đủ, đồng bộ, năm 1964, Quân giải phóng mở chiến dịch tiến công Bình Giã; năm 1965, mở chiến dịch Đồng Xoài và Ba Gia đánh bại hoàn toàn “chiến lược chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Sau các chiến thắng có ý nghĩa chiến lược này, năm 1965, khối chủ lực cơ động Quân giải phóng phát triển thành 5 sư đoàn và 11 trung đoàn bộ binh, cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật, sẵn sàng bước vào cuộc đọ sức với quân Mỹ. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam nhờ vào sự chi viện tích cực của hậu phương miền Bắc qua 2 con đường chiến lược huyền thoại: Đường bộ Trường Sơn và Đường vận tải biển.

Trên con đường vận chuyển này, nhiều trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra, nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ vận tải biển không sờn lòng, nản chí, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp tế cho miền Nam, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng đánh bại “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm tốt vai trò tiếp viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp công, góp sức, cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi của Chiến dịch Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong vòng hai tháng, các tàu này đã chuyển vào Nam 111 tấn vũ khí, cập các bến đã chuẩn bị của tỉnh Cà Mau. Vượt qua những thử thách ác liệt, gian nan, đấu trí, đấu lực căng thẳng với địch và sóng gió biển khơi, các chiến sĩ Hải quân đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc thời kỳ đầu tiếp tế vũ khí cho cách mạng miền Nam, góp phần rất quan trọng tăng cường nhanh chóng sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng. Công việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường Nam Bộ tạm ổn, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đã góp phần quan trọng giúp quân và dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển lực lượng vũ trang, tạo được thế mới, lực mới, đánh thắng địch nhiều trận, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Thành công của những chuyến vũ khí đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài… Có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển, đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch.

Tuyến chi viện chiến lược trên biển bảo đảm thời gian nhanh hơn, kịp thời hơn, vũ

khí trang bị đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

Vận chuyển đường bộ phải qua nhiều cung, chặng, qua nhiều lực lượng phương tiện... phải mất hàng tháng trời mới đến đích. Vận chuyển bằng đường biển tuy gian nan, nguy hiểm vì phải độc lập đối phó với địch và sóng gió, nhưng nếu vượt qua sự ngăn chặn của địch thì chỉ khoảng 5-6 ngày đã vào tới chiến trường Tây Nam Bộ.

Trong giai đoạn từ tháng 10-1962 đến tháng 2-1965, với 88 chuyến tàu, mỗi tàu có từ 10-20 cán bộ chiến sĩ, tỷ lệ đến đích đạt 93% (trong khi tỷ lệ cấp trên cho phép là 50%), tuyến chi viện chiến lược trên biển đưa tới các chiến trường được 4.919,636 tấn vũ khí và các mặt hàng thiết yếu. Với khối lượng đó, nếu dùng người gùi thồ, mỗi người trung bình gùi 25kg thì phải huy động tới 196.785 người đi liên tục trong 6 tháng (trong điều kiện đường sá bị địch đánh phá ngăn chặn). Mỗi người mỗi tháng sử dụng 21kg, 6 tháng 126kg gạo thì phải cần tới 24.794.910kg gạo (chưa tính các nhu yếu phẩm khác và tổn thất dọc đường). Còn nếu dùng ôtô, trung bình 1 xe chở được 2,5 tấn thì phải huy động 1.968 xe đi trong 2 tháng, sử dụng khoảng 4.000 tấn xăng dầu, chưa kể các chi phí bảo đảm khác và tổn thất dọc đường. Trong mùa vận chuyển 1970-1971, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị tổn thất 2.842 xe (44,3%); mùa vận chuyển 1971-1972 bị tổn thất 4.228 xe, chiếm 50,7% số xe được trang bị.

Tuyến chi viện chiến lược trên biển còn vận chuyển những loại hàng “đặc biệt”

Những loại hàng đó là những ngoại tệ mạnh, những loại máy móc thiết bị y tế quý hiếm, những hóa chất đặc biệt... Và đặc biệt hơn cả là đã đưa đón an toàn tuyệt đối hàng trăm cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội và các chuyên gia đầu ngành tăng cường cho chiến trường như các đồng chí: Lê Đức Anh (đi Tàu 55 vào Nam Bộ năm 1964 và đi Tàu 159.TT của Đoàn 371 ra miền Bắc tháng 11-1973), Võ Văn Kiệt (đi Tàu 159.TT vào Nam Bộ tháng 10-1973), Nguyễn Hòa (đi tàu 56 năm 1964), Hoàng Thế Thiện (đi tàu 69 năm 1964), Nguyễn Thiện Thành (đi Tàu 69 năm 1964), Nguyễn Văn Sĩ (đi Tàu 54 năm 1964), Nguyễn Thế Bôn (đi Tàu 55 năm 1964), Bùi Cát Vũ (đi Tàu 165 năm 1964), Nguyễn Trọng Xuyên (đi Tàu 67 năm 1964), Lương Văn Nho (đi Tàu 69 năm 1964), Bùi Phùng (đi Tàu 65 năm 1965), Ung Răng (đi Tàu 55 năm 1965), Nguyễn Thụy Nga (đi Tàu 69 năm 1965)

Một phần của tài liệu Đề tài: Phân tích vai trò của Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam (Trang 137 - 146)

w