Quan niệm của Vương Trí Nhàn về phê bình văn học

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình văn học của vương trí nhàn (Trang 25 - 32)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.3.Quan niệm của Vương Trí Nhàn về phê bình văn học

Phê bình văn học là cầu nối giữa tác giả, tác phẩm và công chúng. Nhà phê bình chính là người “môi giới” quan trọng và cần thiết, giúp độc giả chiếm lĩnh giá trị văn hóa nhân loại nói chung cũng như giá trị của văn học nói riêng. Bất cứ nhà phê bình nào trước khi phê bình đều là độc giả, công chúng của văn học. Hay nói cách khác, ở bình diện thứ nhất: cả nhà phê bình và công chúng đều là độc giả của tác phẩm văn học. Ở bình diện thứ hai: trên cơ sở lí thuyết và tầm hiểu biết cao hơn, nhà phê bình phải “điều chỉnh”, định hướng sự tiếp nhận các giá trị văn học. Do vậy, khi đi sâu tìm hiểu quan niệm

phê bình của mỗi người là để chúng ta nhìn nhận cũng như đánh giá lại sự nghiệp phê bình văn học của họ.

Có thể nói: mỗi nhà phê bình đều thể hiện một quan niệm riêng, góp một tiếng nói riêng vào công tác lí luận phê bình. Nguyễn Tuân đã từng phát biểu: “Phê bình thật là khó. Theo tôi nghĩ, có khi còn khó hơn cả sáng tác vì chính bản thân cái công tác ấy nó rất có tính sáng tạo, và nó cần được như thế. Làm đúng, làm hay, nó có giá trị cả hai mặt: trước là đánh chết, đánh lui cái hư hỏng và cái ác; và mặt khác nó đưa cái tốt lên, làm yên tâm và gây hào hứng cho những thiện chí và nói theo vị tự kinh tế, nó đẩy mạnh lực lượng sản xuất, mức sản xuất và chất lượng sản phẩm” [Nguyễn Tuân (1999) – Bàn về văn học nghệ thuật, NXB Hội nhà văn]. Đúng như Nguyễn Tuân đã nói, cái việc khen chê thật là khó. Khen thì mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cả hai phía mà không mất một “khoản kinh phí” nào, nhưng nếu khen quá, tâng bốc quá thì sẽ rất có hại, không biết mình đang ở đâu. Chê thì làm mất lòng nhau. Còn Xuân Diệu cho rằng: “Khen hay chê chưa quan trọng bằng thông cảm thấu hiểu”. Với những người làm công tác phê bình, việc khen hay chê có ảnh hưởng rất lớn tới cả người viết và người đọc. Do vậy, phê bình cần phải khen, chê một cách xác đáng, công tâm thì mới có giá trị đích thực trong việc định hướng cho người đọc và thúc đẩy sáng tác phát triển.

Cũng như những nhà phê bình, những nghệ sĩ chân chính khác, Vương Trí Nhàn luôn trăn trở về trách nhiệm, lương tâm của người cầm bút: “Đã đành viết văn là công việc của tâm huyết, của tư tưởng nhưng trong nghề vẫn có những cái thuộc về kĩ thuật viết, những biểu hiện cụ thể của tư duy nghệ thuật. Nó là dấu hiệu khiến cho việc đọc văn của thế kỉ này khác thế kỉ khác” [Vương Trí Nhàn – Phê bình và Tiểu luận, tr.210].

Khi bàn về phê bình văn học, Vương Trí Nhàn cho rằng: dù đều gọi chung là phê bình nhưng cách hiểu của mỗi người về nội dung và phương pháp làm việc có khác nhau, mà trong những nền văn học khác nhau thì

những quan niệm này càng có nhiều điều phân biệt rõ rệt. Trong khi nhiều người thích nhấn mạnh cách khoa học của phê bình và thường mải miết đi tìm những lí thuyết mới, bởi họ cho rằng: giá trị của việc phê bình là nằm trong việc áp dụng lí thuyết mới đó vào thực tiễn sáng tác thì Vương Trí Nhàn tự thấy mình thuộc kiểu phê bình cổ hơn, tức là phê bình dựa hẳn vào cảm nghĩ cá nhân, và đặt phê bình vào khu vực của văn chương trước tiên, sau đó mới là của khoa học. Bởi vậy, với ông thì phê bình có thể và nên chủ quan. Tuy nhiên, Vương Trí Nhàn nhận định: chủ quan ở đây đồng nghĩa với tinh thần trách nhiệm của người viết phê bình với sự giàu có trong ý kiến, giàu có trong cách xúc cảm suy nghĩ để vào sâu tác phẩm, đối thoại với tác giả và thức tỉnh những cách đọc, cách hiểu khác (chứ không phải là “chủ quan” với nghĩa tùy tiện). Khi đã coi phê bình thuộc về văn học, theo Vương Trí Nhàn nên tính tới cả hai đối tượng (người có trình độ cao và người có trình độ thấp).

Khi liên tưởng tới Kim Thánh Thán (Trung Quốc), Vương Trí Nhàn đã nghĩ về quan niệm phê bình của ông qua lời Tựa trong cuốn Mái Tây:

“Tôi ngày nay sở dĩ phê bình Mái Tây thật là vì người sau họ nghĩ tới tôi, tôi không có gì làm quà cho họ nên bất đắc dĩ mà làm việc đó. Tôi thật không rõ sơ tâm người viết vở Mái Tây có quả như thế không? Nếu quả cũng như thế thì ta có thể nói rằng nay mới bắt đầu thấy vở Mái Tây. Bằng không như thế nữa, thì ta có thể nói trước đây vẫn thấy vở Mái Tây, nhưng nay lại thấy riêng vở Mái Tây của Thánh Thán cũng được… Tóm lại, chính ý tôi là muốn làm duyên với đời sau đôi chút, chứ có hoài sức đâu chật vật với người đời xưa” [Vương Trí Nhàn – Phê bình và Tiểu luận, tr.247].

Chúng ta cần nói rõ hơn chút về đoạn tự bạch này. Cách làm việc của Kim Thánh Thán như sau: gọi là phê bình nhưng không chỉ dừng lại ở việc viết một bài ngắn hoặc một quyển sách luận bàn về đối tượng, mà ông “xông thẳng” vào tác phẩm, rà soát từng câu, từng chữ trong đó. Và điều quan trọng nhất mà Vương Trí Nhàn thấy được trong đoạn dẫn nói trên là ở chỗ: Kim

Thánh Thán đã trình bày rõ mục đích của công việc phê bình. Ông khổ công làm việc với vở Mái Tây như vậy để làm gì? Để giúp cho độc giả hiểu thêm về tác phẩm? Để làm nổi rõ một tác phẩm cổ điển? Những cái đó là có, nhưng theo Vương Trí Nhàn thì không phải là cơ bản. Như Kim Thánh Thánh đã chân thành thú nhận: ông không vì ai hết, mà muốn vì chính mình, muốn làm duyên với người đời sau, buộc người đời sau phải nhớ đến tên tuổi của mình. Và nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn coi đó là tuyên ngôn cho một cách làm phê bình.

Song không chỉ dừng lại ở đó, phê bình văn học không chỉ bàn tới những chuyện chung chung của văn chương. Cái “ác” của công việc phê bình là nó thường phải đề cập tới những tác giả và tác phẩm cụ thể. Theo Vương Trí Nhàn, để viết kĩ và hay về các tác giả, các tác phẩm, cần ít nhất hai điều kiện: thứ nhất là sự lịch lãm, tức là cái vốn chung về người đời, các kiểu mẫu, các “điển hình”; thứ hai là cần có một quan điểm vững chắc về con người, nó bắt nguồn từ sự hiểu biết về đời nhưng lại được chưng cất, kết tinh lại trong lí luận và rồi sẽ trở thành kim chỉ nam giúp người ta tiếp tục sống.

Khác với các khoa học khác, phê bình văn học ngoài tính chính xác, còn phải có tính nghệ thuật, tạo cảm hứng cho người đọc. Hay nói cách khác, phê bình là một dạng hoạt động nhận thức – nhận thức thẩm mĩ. Bêlinxki rất có lí khi cho rằng: trong lĩnh vực của cái đẹp, phán đoán chỉ có thể đúng khi nào lí trí và tình cảm hài hòa với nhau. Ông nhận định: thẩm mĩ không phải là đại số, ngoài trí thông minh và học vấn còn có cảm xúc về cái đẹp. Phê bình, bên cạnh sự cảm thụ nghệ thuật còn là cả niềm đam mê của người nghệ sĩ. Nhà phê bình cần có sự kết hợp của lí trí và “nguồn cảm hứng bởi hồn thơ”. Vương Trí Nhàn khi phát biểu về điều này, ông nêu ra quan niệm: “một trong những lí do khiến cho nhiều cây bút phê bình hiện nay không viết được hay, chẳng qua vì anh ta hoặc chị ta hiền quá, không dám là mình, hoặc nông cạn non nớt quá, không có gì bộc lộ trên trang viết. Không biết chăm lo cho

những xúc động, những suy nghĩ nó nảy sinh trong tâm trí khi tiếp xúc với đối tượng” [Vương Trí Nhàn – Phê bình và tiểu luận, tr.248]. Với Vương Trí Nhàn, người viết phê bình phải luôn luôn có được sự độc đáo trong cảm nhận để từ đó khơi gợi một cách nghĩ rộng rãi về tác phẩm.

Giữa phê bình và sáng tác có mối quan hệ mang tính chất cá nhân. Khi bài viết có vẻ nói đúng chỗ hay chỗ dở (nhất là xoáy vào chỗ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”) thì nhà sáng tác dễ sửng cồ lên với nhà phê bình: chẳng qua nhờ sáng tác của tôi, anh mới có lí do để viết nên bài. Thế chẳng phải các anh là một thứ dây leo là gì?. Tuy nhiên, Vương Trí Nhàn khẳng định: nếu chỉ đặt phê bình trong mối quan hệ cá nhân cụ thể thì trước sau nhất định sẽ có sự rạn nứt, bởi lẽ trên đời này làm gì có hai người lúc nào cũng suy nghĩ giống nhau. Vả chăng, người ta lấy tư cách gì để in ra những bài viết chỉ nhằm đáp ứng cho những đòi hỏi riêng tư của một ai đó? Là một nhà phê bình văn học có ý thức nghề nghiệp, Vương Trí Nhàn cho rằng: trước khi tình nguyện công bố bài phê bình của mình, các nhà phê bình nên đặt ra cho mình những câu hỏi đại loại như: một nhà văn không phải đối tượng được nói tới sẽ rút ra được điều gì có ích khi đọc bài viết của mình? Liệu anh ta có tìm thấy một số nhận xét liên quan đến nghề? Ngay cả độc giả bình thường không liên quan gì đến chuyện viết lách, khi đọc bài phê bình, ngoài việc dựa vào đó tìm sách, họ còn có thể phải suy nghĩ thêm về văn chương và việc đời ra sao? Tính được điều đó, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn tin tưởng rằng: phê bình sẽ ở vào cái thế thông thoáng, rộng rãi hơn mà không bị kêu là “đánh đấm nhau” hoặc “bốc thơm nhau” – cả hai đều là mục đích tầm thường, mà theo ông không xứng đáng để bất cứ một nhà phê bình nào phải bỏ cả cuộc đời để theo đuổi.

Phê bình văn học là một bộ môn khoa học mang tính nghệ thuật. Cũng chung là phê bình, nhưng ở đây mỗi người có cách làm riêng của mình. Có người chuyên viết để tìm ra sai sót của người viết văn rồi tranh cãi bàn bạc,

đính chính. Họ thích đóng vai các ngự sử trên văn đàn. Lại có những người chỉ thích tìm những câu văn hay, chữ dùng tài tình của người khác để “bình”, để “tán”, nói chung là muốn trình bày và lí giải những vẻ đẹp trong văn chương để thiên hạ cùng có dịp thưởng thức. Ngay một tài năng về phê bình giới thiệu thơ – cả thư cổ lẫn thơ kim như Xuân Diệu, thực tế cũng viết theo lối này. Và gần đây, một số nhà nghiên cứu phê bình văn học nước ngoài lại quan niệm rằng: cái mà nhà phê bình nên tập trung nghiên cứu là văn bản. Họ chê trách làm việc bám vào tiểu sử nhà văn, kiểu như G.Lanson ngày xưa là cổ lỗ, bởi lẽ nó dễ dẫn đến suy diễn và làm mất ý nghĩa khách quan của việc nghiên cứu. Trong khi đó, tác phẩm là một cái gì chứa đầy bí ẩn và nhà phê bình phải tìm cách giải mã nó, thông qua các công cụ hiện đại. Vương Trí Nhàn công nhận những cách viết nói trên là hay, là có giá trị nhưng ông không thể làm theo. Sự từng trải, quá trình tích lũy, kiến thức và cả ý thức cá nhân của ông đã khiến Vương Trí Nhàn đi theo một hướng khác. Với Vương Trí Nhàn, đối tượng đầu tiên và cuối cùng mà nhà phê bình phải nghĩ là tác giả. Theo ông, viết phê bình không gì khác là đọc ra một tính cách, phác họa ra một cá nhân cụ thể ẩn hiện qua các dòng chữ, giúp bạn đọc hình dung ra được một con người với mọi vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm với số phận, tính cách, nhu cầu tự khẳng định, sự thích ứng… Nó là tấm gương để soi vào đấy ta nhận ra mình và hiểu chung về xã hội. Cũng theo Vương Trí Nhàn, trong trường hợp lí tưởng, một tác phẩm phê bình có thể giúp người đọc làm quen với một nhà văn giống như: Nam Cao buộc người đọc phải nghĩ đến Chí Phèo hoặc Vũ Trọng Phụng ám ảnh đầu óc người ta bằng những bà Phó Đoan hay anh Xuân Tóc Đỏ.

Trong khi Vương Trí Nhàn công nhận rằng: đặc tính mỗi cá thể là một đơn vị hoàn chỉnh, một thế giới có qui luật riêng, với hoàn cảnh mà tự nó nảy sinh, nó không chỉ có chấp nhận, thích ứng mà còn có xu hướng chống lại để tự khẳng định. Theo ông, con người không phải là một thực thể quá cứng, có

độ ổn định cao như người ta vẫn tưởng mà nhiều khi nó hiện ra lung linh kì ảo, lúc thế này lúc thế khác, rất khó nắm bắt. Vương Trí Nhàn nhận định: con người hầu như lúc nào cũng chứa chất những tiềm năng không bao giờ được thực hiện hóa đầy đủ. Giữa con người mà ta mong muốn trình diễn với chung quanh và con người mà ta trưởng thành, luôn luôn có một khoảng cách. Sở dĩ như vậy một phần là vì không chỉ có con người ý thức mà còn có cả con người vô thức, nó xui khiến, làm cho chúng ta ăn nói hoạt động tới mức bản thân ta cũng bỡ ngỡ tưởng là ai khác.

Có thể nói: nhiều nhà văn lớn của thế kỉ XX như M.Proust, F.Kafka, W.Faulkner, E.Hemingway,… đã thể nghiệm và trình bày trong tác phẩm những quan niệm mới mẻ tương tự về con người và rồi trước sau nó đã tác động tới giới nghiên cứu và phê bình văn học. Vương Trí Nhàn thú thực là việc tiếp xúc với các tư tưởng ấy rất hấp dẫn, mà điều hấp dẫn nhất là chúng đúng với thực tế đời sống, đúng với những con người mà hàng ngày ông vẫn thường gặp. Bằng tài năng và sức lực vốn có của mình, Vương Trí Nhàn đã áp dụng những quan niệm ấy vào công việc phê bình. Vương Trí Nhàn tin rằng: một nhà văn không bao giờ được khơi cạn. Do vậy, ông vẫn thường suy nghĩ về những tác giả đã từng được nghiên cứu nhiều (như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, hoặc lùi xa hơn trước là Hồ Xuân Hương, Tú Xương,..) những mong muốn tìm ra nhiều khía cạnh mà chưa ai nói tới. Riêng với các tác giả đương đại, những Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh,… thì một nguyên tắc chủ đạo chi phối khiến Vương Trí Nhàn nghiên cứu và viết đó là: con người họ không hoàn toàn như họ muốn mà khi hiện ra trong tác phẩm, nó có nhiều khía cạnh khác có thể chính họ cũng không ngờ tới.

Là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học có ý thức nghề nghiệp với những quan điểm đúng đắn và khoa học về văn học và phê bình văn học,

những bài viết của Vương Trí Nhàn đã và đang thực sự trở thành nguồn tài liệu quí giá cho nền học thuật nước nhà.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình văn học của vương trí nhàn (Trang 25 - 32)