Kinh doanh trong sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường thì một điều hết sức cần thiết đối với công ty là công tác nghiên cứu thị trường. Theo F.Bouguezel: “Nghiên cứu thị trường cho phép giảm thật sự rủi ro và khả năng thành công được tăng lên rõ rệt”. Do vậy, công tác nghiên cứu thị trường là cần thiết trong bất kỳ giai đoạn kinh doanh nào. Nghiên cứu thị trường là xuất phát điểm để định ra các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Từ chiến lược đã xác định, công ty tiến hành lập và thực hiện các kế hoạch kinh doanh, chính sách thị trường.
Mục đích của việc nghiên cứu thị trường là nghiên cứu xác định khả năng bán một mặt hàng hoặc một nhóm mặt hàng nào đó trên địa bàn xác định, trên cơ sở nâng cao khả năng cung ứng để thoả mãn các nhu cầu của khách hàng.
Để công tác nghiên cứu thị trường mang lại hiệu quả cao thì công ty phải tiến hành nghiên cứu thị trường theo trình tự sau:
Thứ nhất: Nghiên cứu khái quát thị trường.
Nghiên cứu khái quát thị trường thực chất là nghiên cứu vĩ mô. Đó là nghiên cứu tổng cầu hàng hoá, tổng cung hàng hoá, giá cả thị trường của hàng
hoá, chính sách của Chính phủ về loại hàng hoá mà doanh nghiệp đang tiến hành kinh doanh, đó là cấm hay khuyến khích kinh doanh.
Nghiên cứu tổng cầu hàng hoá là nghiên cứu tổng khối lượng hàng hoá tiêu dùng thông qua mua sắm hoặc sử dụng với giá cả thị trường trong một khoảng thời gian. Tổng khối lượng hàng hoá chính là quy mô thị trường. Nghiên cứu quy mô thị trường phải nắm bắt được số lượng người tiêu dùng hoặc đơn vị tiêu dùng. Nghiên cứu tổng cầu hàng hoá cũng cần nghiên cứu trên mỗi địa bàn, đặc biệt là thị trường trọng điểm.
Nghiên cứu tổng cung hàng hoá là nghiên cứu để xác định xem trong một thời gian các đơn vị kinh doanh thương mại có khả năng cung ứng ra thị trường bao nhiêu, khả năng hàng nhập khẩu bao nhiêu, khả năng dự trù của xã hội là bao nhiêu, giá bán hàng của doanh nghiệp sản xuất, giá nhập khẩu. Nghiên cứu giá cả thị trường phải tìm được chênh lệch giá trên thị trường và giá mua. Có thể ước tính chi phí vận chuyển và nộp thuế để xác định thị trường mua hàng và quyết định khối lượng hàng cần đặt hàng, hàng cần thu mua hoặc nhập khẩu.
Nghiên cứu chính sách của Chính phủ về loại hàng hoá kinh doanh cho phép kinh doanh tự do, kinh doanh có điều kiện, khuyến khích kinh doanh hoặc cấm kinh doanh. Đó chính là các chính sách thuế, giá các loại dịch vụ có liên quan như cước phí vận tải, giá thuê kho hàng, cửa hàng, đất đai và lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Thứ hai: Nghiên cứu chi tiết thị trường.
Nghiên cứu chi tiết thị trường thực chất là nghiên cứu đối tượng mua hàng, bán các loại hàng hoá mà doanh nghiệp kinh doanh, cơ cấu thị trường hàng hoá và chính sách mua bán của các doanh nghiệp có nguồn hàng lớn. Nghiên cứu chi tiết thị trường phải trả lời được câu hỏi: Ai mua hàng? mua
bao nhiêu? cơ cấu từng loại hàng? mua ở đâu? mua hàng dùng làm gì? đối thủ cạnh tranh?
Nghiên cứu chi tiết thị trường là phải nghiên cứu nhu cầu và yêu cầu của khách hàng về loại hàng hoá mà doanh nghiệp kinh doanh, Đối với hàng hoá tiêu dùng, nhu cầu về loại hàng phụ thuộc vào sở thích , thu nhập, lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, tập quán, thói quen, thời tiết khí hậu...
Khi nghiên cứu chi tiết thị trường doanh nghiệp phải xác định tỷ trọng thị trường doanh nghiệp đạt được, so sánh về chất lượng sản phẩm, giá cả sản phẩm, mẫu mã, màu sắc và các dịch vụ phục vụ khách hàng.
Việc xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động bán hàng chủ yếu dựa trên những thông tin thu thập trên thị trường và kinh nghiệm thu được qua những năm trước. Từ kết quả nghiên cứu thị trường giúp ban lãnh đạo Công ty đề ra và thực hiện kế hoạch hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, Công ty cần có sự cố gắng của bộ phận nghiên cứu thị trường. Những cán bộ được tuyển chọn vào bộ phận này phải là những người có trình độ chuyên môn cao, khả năng phân tích tổng hợp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao. Những cán bộ này cần phải thường xuyên đi khảo sát thị trường, điều tra thu thập thông tin trên thị trường. Tuy nhiên Công ty phải trang bị cho họ những phương tiện kỹ thuật tốt nhằm tạo điều kiện thuận lơị cho họ trong quá trình công tác. Sau mỗi đợt đi khảo sát, nghiên cứu thị trường cần tiến hành hoạt động phân tích đánh giá hiệu quả sơ bộ.
Từ việc nghiên cứu thị trường và dự báo nhu cầu thị trường một cách chính xác, công ty sẽ lập kế hoạch kinh doanh theo sát với thị trường. Điều này sẽ giúp công ty tránh được sự thụ động trong kinh doanh, cung cấp đủ, đúng lúc và đồng bộ, cũng như có kế hoạch đối phó với các đối thủ cạnh tranh trong tương lai.