Hiện nay môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, nhiều công nghệ khác nhau như oxi hóa, phân hủy sinh học, hấp phụ ...đã được phát triển để xử lý các hợp chất hữu cơ độc hại có trong nước thải công nghiệp. Để xử lý nước thải có ba công nghệ chính: sinh học, hóa học và vật lý. Các công nghệ này đều có những ưu và nhược điểm, vì thế, thông thường người ta không dùng một công nghệ riêng biệt mà kết hợp chúng với nhau. Điều này còn do bản chất phức tạp của nước thải và mức độ yêu cầu xử lý. Trong thực tế, quy trình xử lý nước thải thường bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau, chúng bao gồm giai đoạn xử lý sơ bộ, xử lý thứ cấp và xử lý triệt để. Trong số các giai đoạn đó, kỹ thuật hấp phụ và oxi hoá tăng cường là cách thức hiệu quả để loại các hợp chất hữu cơ. Với kỹ thuật này, chất hấp phụ than hoạt tính được sử dụng rộng rãi nhất.
Khi sử dụng than hoạt tính, quá trình hấp phụ có được từ tương tác giữa bề mặt chất hấp phụ và chất bị hấp phụ. Các tương tác này có thể là tĩnh điện hoặc không tĩnh điện. Khi chất bị hấp phụ là một chất điện li bị phân ly trong dung dịch nước, tương tác tĩnh điện xảy ra; bản chất của các tương tác này, hút hoặc đẩy, phụ thuộc vào: mật độ điện tích của bề mặt cacbon, đặc trưng hóa học của chất bị hấp phụ và lực ion của dung dịch.
Tương tác không tĩnh điện có thể bao gồm: lực Van-đec-van, tương tác kỵ nước và liên kết hiđro. Các tính chất của chất bị hấp phụ ảnh hưởng đến quá trình hấp phụ
trên than hoạt tính là: kích thước phân tử, độ tan, pKa và bản chất của nhóm thế trong
trường hợp chất bị hấp phụ là các chất thơm. Mặc dù vậy, giá thành của than hoạt tính thường cao, nên đã có những nghiên cứu để tìm các vật liệu hấp phụ thay thế khác, như khoáng sét, oxit, nhựa polyme, oxit silic được biến tính bề mặt. Bên cạnh việc sử dụng kỹ thuật hấp phụ để thu gom các hợp chất phenol từ dung dịch nước, các nhà khoa học rất quan tâm đến khả năng loại bỏ triệt để các hợp chất này bằng bentonit để đạt hiệu quả tốt về xử lý nước thải và đảm bảo cho nền kinh tế quốc dân [3], [8], [23].