Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép: Án Lê Văn Duyệt phát ra năm trước thì năm sau (Bính Thân, 1836) có quan Lại bộ tả thị lang Lê Bá Tú dâng sớ truy hặc Lê Chất phạm những 16 tội. Vua Minh Mạng dụ rằng: ...Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giả thử bổ áo quan giết thây, cũng không là quá. Song lại nghĩ Chất tội cũng như Duyệt, trước kia Duyệt đã không bổ áo quan giết thây, thì nắm xương khô của Chất nay cũng chẳng màng bắt tội. Vậy cho Tổng đốc Bình Phú Võ Xuân Cẩn san phẳng mộ của hắn, khắc bia dựng lên trên đề to mấy chữ “Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp” để làm gương cho kẻ gian tặc muôn đời. Còn vợ hắn là Lê Thị Sai cùng ở một nhà, dự biết mưu bạn nghịch, xử vào cực hình, cũng là phải, song kẻ đàn bà chẳng cần vội vàng chính pháp. Vậy Lê Thị Sai cùng con là Lê Cẩn, Lê Trương, Lê Thường, Lê Kỵ, đều cải làm trảm giam hậu. Lại tịch biên gia sản, được hơn 12.000 quan tiền, giao tỉnh chứa cả vào kho”
Năm1910 khi sở công chánh Hà nội đào quãng đường từ đền Quán Thánh đến phủ Toàn quyền Đông Dương để đặt trụ điện, phát hiện hài cốt của Lê Chất với cân đai, áo mũ hãy còn nguyên vẹn. Lúc bấy giờ, chính quyền sở tại đã cải táng mộ Lê Chất ở bên vườn Bách Thú Hà nội
Ảnh 40Quang cảnh vườn Bách thú Hà Nội, mộ cải táng của Lê Chất ở khu vực này.
Trong cuộc điền dã ở Dương Xuân, dựa vào thực trạng công trình kiến trúc, ký ức dân gian…chúng tôi phát hiện hai ngôi mộ của vợ chồng tướng Lê Trung, nhạc gia và nhạc mẫu của Lê Chất. Vì bị nghi làm phản nên Lê Trung và vợ bị Cảnh Thịnh giết năm Mậu Ngọ[1798] (tương truyền bà vợ của Lê Trung là công chúa, con của chúa Nguyễn Phúc Chu). Con rễ của Lê Trung là Lê Chất đã về hàng Nguyễn Vương, lập nhiều công trạng nên vợ chồng Lê Trung mới khỏi tội vào thời Gia Long. Lê Chất đã xây mộ cho nhạc gia, nhạc mẫu rất bề thế…Nhưng khi Lê Chất bị khép tội vào thời Minh Mạng thì hai nấm của hai ngôi mộ bị san bằng. Hiện nay có người thuộc hoàng tộc, nhờ ngoại cảm biết “bà cô cửu đợi”( vợ của Lê Trung, từng bị tùng xẻo) nên đã đắp lại hai nấm…(Chúng tôi sẽ công bố kỹ hơn trong một dịp khác).
Ảnh 41 Mộ của Lê Trung do vợ chồng Lê Chất phụng lập, nấm từng
bị cào bằng và mới đắp lại gần đây.
Ảnh 42 Mộ của bà Chất (công chúa của chúa Nguyễn Phúc Chu), do vợ chồng Lê Chất phụng lập, có nấm bị cào bằng và mới được đắp lại.
Triều Nguyễn trị tội những trọng phạm thường cào bằng nấm mộ, dựng bia để răn kẻ khác. Nếu phá tan thành bình địa thì không còn di chứng của kẻ tội phạm, không có chỗ để răn đe kẻ gian tặc khác.
e-Vua Minh mạng trị tội Ngọc Hân công chúa:
Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân mất năm Kỷ Mùi [1799], trong bối cảnh kinh đô Phú Xuân của triều Quang Toản khá rối ren, lo đối phó với tình hình “đất thang
mộc Tây Sơn” đang bị Nguyễn Vương Phúc Ánh đánh phá. Các đại thần theo lời trăn trối của tiên đế Quang Trung, muốn dời kinh đô ra Nghệ An. Có khả năng bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ của Ngọc Hân, đã dâng sớ lên vua Cảnh Thịnh, xin đưa linh cửu Bắc Cung hoàng hậu về táng ở làng Phù Ninh. Người lo việc đưa linh cửu Ngọc Hân là đô đốc Hài. Khi vua Gia Long thanh toán Tây Sơn, bắt được bà Lê Thị Ngọc Bình, con nuôi bà Chiêu Nghi, vợ của Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản, nhà vua quyết định lấy bà Ngọc Bình làm vợ. Vì thế bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền trở thành nhạc mẫu của vua Gia Long. Với vị thế và uy vọng của bà Huyền, hơn nữa chính sách thu phục nhân tâm Bắc Hà của vua Gia long, có khả năng thời Gia Long mộ bà Ngọc Hân chưa từng bị quật. Khoảng năm 1804, tình hình lắng dịu, bà Huyền cho người tìm hài cốt của hai người con của Ngọc Hân, đưa về táng ở bãi Cây Đại làng Phù Ninh. Đến đời vua Minh Mạng, do sự tố giác của người làng Nành, vua Minh Mạng mới cho đào phá toàn bộ hài cốt của ba mẹ con Bắc Cung hoàng hậu Ngọc Hân, xong ném xuống sông.
Ảnh 43 Miếu thờ và liếp mộ (mới sửa lại) của mẹ con Bắc cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân ở bãi Cây Đại, làng Nành( Phù Ninh, Bắc Ninh).
Số phận ngôi mộ của Ngọc Hân ở làng Nành thời Gia Long có liên quan đến bà Lê Thị Ngọc Bình. Đệ tam cung hoàng hậu Ngọc Bình là nhân vật lịch sử có lá số khá độc đáo. Bà vốn họ Nguyễn, tên là Nguyễn Thị Ân, sinh ở làng Nành, cháu gọi bằng cô của Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền. Bà Chiêu nghi nhận cháu gái Nguyễn Thị Ân làm con nuôi, cải tên Lê Thị Ngọc Bình, cô Ân trở thành em gái của Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân. Vua Quang Toản nối ngôi vua Quang Trung, Lê Thị Ngọc Bình nhập cung và sớm trở thành bà phi mà vua Tây Sơn sũng ái nhất. Năm 1801, vua Quang Toản chạy ra Thăng Long, cải niên hiệu Cảnh Thịnh thành niên hiệu Bảo Hưng, Ngọc Bình càng được vua Quang Toản sũng ái. Khi bị vua Gia Long truy bức, vua Quang Toản chạy trốn trong rừng Phượng Nhãn, chỉ còn bà Ngọc Bình ngồi cùng với mình trên bành voi ngự, Ngọc Bình trở thành hoàng hậu của vua Tây Sơn bại vong và rốt cuộc hai vợ chồng bị quân vua Gia Long bắt.
Về Phú Xuân thì vua Quang Toản bị vua Gia Long xử tử, còn bà Ngọc Bình trở thành vợ của vua Gia Long, sinh được hai hoàng tử là Quảng Uy công và Thường Tín vương. Sau khi qua đời bà Ngọc Bình được truy phong Đệ tam cung hoàng hậu của tiên hoàng đế Gia Long.
Mộ phần của Đệ tam cung hoàng hậu Ngọc Bình ở xứ Chầm, gần chùa Huyền Không Sơn Thượng. Khi nhà nước giải phóng mặt bằng, mộ bà Ngọc Bình trong diện phải di dời, được bà công chúa Campuchia, cháu ngoại vua Thành Thái
về Huế, trực tiếp rửa từng lóng xương của bà Ngọc Bình và cúng tiền xây lăng mới cho bà Ngọc Bình vào tháng 6 năm Mậu Tí [2008].
Ảnh 44 Nấm mộ của bà Lê Thị Ngọc Bình được chừa lại khi san lấp mặt bằng ở Long Hồ.