Một số khuyến nghị để nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của hội đồng quản trị đến khẩu vị rủi ro của ngân hàng thương mại cổ phần việt nam​ (Trang 68 - 72)

hàng

Từ những kết quả nghiên cứu, khảo sát và đánh giá khẩu vị rủi ro qua số liệu của hơn 30 NHTM ở Việt Nam, luận văn mạnh dạn đề xuất một số khuyến nghị như sau:

4.2.1. Khuyến nghị với Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng thương mại có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách và biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả để phát triển vững mạnh và bền vững các NHTM, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Một trong những giải pháp cần quan tâm là mối quan hệ giữa hội đồng quản trị và khẩu vị rủi ro của các NHTM để có những phương pháp quản lý rủi ro tốt và đạt hiệu quả cao.

Theo tầm nhìn chiến lược đến 2025, định hướng đến 2030, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng gồm tái cơ cấu hệ thống và thực hiện các giải pháp chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng của Chính phủ. Với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ không theo đuổi chủ trương tăng trưởng bằng mọi giá, và thay vào đó là tăng trưởng về chất, theo định hướng "tăng trưởng toàn diện" và “tăng trưởng xanh”. Sự thịnh vượng của ngân hàng được đi kèm với trách nhiệm xã hội của ngân hàng. Do đó, giải pháp tăng cường năng lực cho cán bộ ngân hàng là hết sức cần thiết và cần gắn với quá trình tái cơ cấu và yêu cầu của chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Trước hết cần cải thiện năng lực quản trị chiến lược cho đội ngũ cán bộ quản lý lãnh đạo NHTM (thành viên HĐQT, ban giám đốc).

Hai là, Từ những kết quả nghiên cứu trong luận văn cho thấy trình độ, tuổi tác, giới tính, số lượng thành viên, kinh nghiệm của các thành viên hội động quản trị đều đóng vai trò hết sức quan trọng tới hiệu quả điều hành và hoạt động của các NHTM. Khi những yếu tố này được xem xét và cân nhắc trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và văn hóa của Việt Nam, sẽ góp phần quan trọng làm gia tăng hiệu quả và lợi nhuận của các ngân hàng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có những nghiên cứu sâu hơn, để từ đó ban hành những tiêu chí khung với thành viên hội đồng quản trị các NHTM, cũng như đề ra cơ cấu hội đồng quản trị phù hợp với quy mô và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.

Ba là, Ngân hàng Nhà nước cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực quản lý điều hành cho thành viên các hội đồng quản trị, đặc biệt năng lực quản trị rủi ro cũng như sử dụng các đòn bẩy và chính sách tài chính để tăng lợi nhuận, giảm nợ xấu, giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng.

Bên cạnh đó cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản trị rủi ro ngân hàng gắn với tăng cường năng lực tổng hợp của đội ngũ cán bộ ở các cấp (bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp). Tăng cường công tác đào tạo cán bộ NHTM cùng với đánh giá hiệu quả các quy định, chuẩn mực, thông lệ về quản trị ngân hàng hiện hành, hội nhập với các tiêu chuẩn của thế giới.

Định hướng đào tạo nhân lực của Ngân hàng Nhà nước phải gắn với mục tiêu hoàn thành việc thực hiện thí điểm 10 NHTM áp dụng Basel II, tổng kết rút kinh nghiệm để mở rộng trên toàn khu vực ngân hàng bắt đầu từ sau năm 2020. Từ năm 2025, triển khai thí điểm áp dụng Basel III tại các NHTMCP có vốn Nhà nước chi phối và một số NHTMCP có chất lượng quản trị tốt, phấn đấu sau năm 2030 triển khai áp dụng cho toàn bộ các NHTM.

Bốn là, xây dựng và ban hành, hoàn thiện các quy định khung, quy định về công khai, minh bạch và bộ quy tắc ứng xử của Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo trong các NHTM Việt Nam.

Năm là, song song với các chính sách về con người, tăng cường năng lực đội ngũ, cần có chính sách tăng nguồn vốn cho các NHTM, hỗ trợ và khuyến khích các NHTM mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Việc đầu tư ra nước ngoài tạo điều kiện cho các ngân hàng trong nước đa dạng hóa hoạt động, làm giảm rủi ro, tăng thu phí dịch vụ, hiệu quả hoạt động, nâng cao kinh nghiệm cũng như hình ảnh, vị thế của ngân hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đáng chú ý hơn nữa, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài góp phần đẩy mạnh thanh toán cho giao dịch ngoại thương giữa các nước sở tại mở rộng mạng lưới với Việt Nam. Việc mở rộng đầu tư của các tổ chức tín dụng ra nước ngoài cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài có thêm cơ hội hợp tác và hỗ trợ về mặt tín dụng tài chính phù hợp, thuận lợi hơn cho các giao dịch và thanh toán quốc tế.

Sáu là, qua các phân tích số liệu trong luận văn của 30 NHTM cho thấy cần tái cấu trúc, sát nhập các NHTM không hiệu quả, xem như một đòn bẩy tài chính để giảm thiểu rủi ro tác động lên các chỉ số NPL và DR của các NHTM.

Bảy là, Hoạt động của các NHTM chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách tài chính của Nhà nước. Quản lý nợ công đã được cải thiện rõ rệt nhưng cần linh hoạt hơn. Quản lý tỷ giá VNĐ với đồng đô la và các ngoại tệ khác cần được xem như một giải pháp ổn định thị trường tài chính trong nước và điều này có tác động trực tiếp đến hệ thống ngân hàng nhà nước cũng như các NHTM. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách điều tiết hữu hiệu liên quan đến hoạt động tín dụng của các NHTM. Chẳng hạn như điều tiết các khoản vay đầu tư vào bất

động sản ở Việt Nam. Theo khuyến cáo của IMF, bài học về tăng trưởng tín dụng quá mức và chất lượng cho vay thấp trước 2011-2012, bao gồm cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước và bùng nổ bất động sản bằng tín dụng, đã khiến Việt Nam gánh hậu quả là tín dụng ngân hàng cao so với GDP và nợ xấu tăng cao (NPL cao). Trong những năm gần đây, Việt Nam đã dần dần đưa tăng trưởng tín dụng xuống mức 17,4% trong năm 2017 và dưới 13% vào năm 2018 và đã giải quyết được một lượng lớn nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp tìm cách hạn chế cho vay bất động sản bằng cách áp đặt mức độ rủi ro cao hơn và hạn chế tài trợ ngắn hạn cho các dự án dài hạn. Chúng tôi khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh và sát sao hơn nữa trong thời gian tới để giữ mức thấp tăng trưởng tín dụng, đặc biệt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản.

Tám là, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, xây dựng và ban hành các chuẩn mực về quản trị rủi ro hoạt động tài chính ngân hàng dựa trên các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời nghiên cứu hợp lý để thay thế phân bổ tín dụng hành chính bằng các cơ chế dựa trên thị trường.

Chín là, hướng dẫn và kịp thời chỉ đạo hệ thống ngân hàng đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đào tạo nhân lực và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp để thích ứng với những hình thức kinh doanh tài chính mới, giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội của cuộc cảnh cánh mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh trên toàn thế giới.

Mười là, có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, cải thiện năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của ngân hàng.

Xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng cần có định hướng triển khai các chính sách và quy trình nội bộ lành mạnh; Áp dụng và định kỳ rà soát, đánh giá, bổ sung, chỉnh sửa các phương thức quản trị, điều hành tiên tiến dựa trên các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; Hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; Thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; Nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và quản lý, giám sát rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng... Do vậy, bên cạnh đổi mới và hoàn thiện chính sách, yêu cầu về đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngân hàng về lĩnh vực quản lý rủi ro là rất cần thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của hội đồng quản trị đến khẩu vị rủi ro của ngân hàng thương mại cổ phần việt nam​ (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)