Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài đang các bất lợi liên quan đến việc ghi nhận và trình bày báo cáo tài chính. Vì vậy, việc hoàn thiện sửa đổi chuẩn mực kế toán để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này là một nhiệm vụ rất cần thiết. Đồng thời, sự hài hoà về các chuẩn mực kế toán cũng là một mục tiêu dài hạn, một điều kiện tất yếu để hoà nhập với nền kinh tế thế giới.
Tác giả xin đề ra một số đề xuất giảm thiểu sự khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán như sau:
4.3.1 Đối với các cơ quan tài chính Nhà nước
Thứ nhất, Bộ Tài chính và cơ quan soạn thảo chuẩn mực cần bổ sung làm rõ hơn về thời điểm và các phương pháp nhận định doanh thu. Chuẩn mực kế toán số 14 Việt Nam được ban hành từ năm 2001, tức là 19 năm trước. Sự thay đổi không ngừng của nền kinh tế sẽ yêu cầu sự cập nhật linh hoạt của chuẩn mực. Vận dụng chiến lược xây dựng chuẩn mực riêng trên cơ sở chuẩn mực kế toán quốc tế, Việt Nam cần học hỏi các điểm mới trong chuẩn mực IFRS số 15 đồng thời xác định những thay đổi cần thiết với đặc điểm chung của nền kinh tế quốc gia.
Thứ hai, bên cạnh vấn đề xác nhận doanh thu hợp đồng, tác giả cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc thay đổi nguyên tắc giá gốc thành giá trị hợp lý. Bởi trong môi trường kinh tế chịu sự tác động đa chiều, nguyên tắc giá gốc có thể sẽ không còn phù hợp để xác định các khoản mục kinh tế của doanh nghiệp. Áp dụng nguyên tắc giá gốc, doanh nghiệp có thể bị khai vượt doanh thu thực (trong trường hợp giá thị trường giảm) và ngược lại. Nguyên tắc giá trị hợp lý trong chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ khắc phục được yếu điểm này khi các doanh nghiệp phải tiến hành đánh giá lại, đồng thời sự thay đổi này sẽ là phù hợp trong bối cảnh các quốc gia đang theo xu hướng định giá theo giá trị trên thị trường.
Thứ ba, Bộ Tài chính cần thúc đẩy tiến độ của ban biên dịch chuẩn mực IFRS nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm rõ về các chuẩn mực kế toán. Đây sẽ là bước tối quan trọng giúp các doanh nghiệp hiểu rõ chuẩn mực quốc tế và là công cụ thích hợp để bổ trợ những chuẩn mực chưa được đề cập trong bộ chuẩn mực VAS. Trong quá trình biên dịch, với đội ngũ các thành viên ưu tín trong ngành kế toán kiểm toán, Nhà nước có thể thu thập ý kiến của ban biên dịch về những vấn đề nổi trội của bộ chuẩn mực IFRS để tiếp tục cải thiện bộ chuẩn mực kế toán quốc gia.
Thứ tư, việc chỉnh sửa hay ban hành chuẩn mực kế toán mới là một công việc phức tạp có thể gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế quốc gia nói chung. Chính vì vậy, tác giả đề xuất Bộ Tài chính thành lập một uỷ ban riêng chuyên trách việc thay đổi chỉnh sửa và ban hành chuẩn mực nhằm kịp thời nắm bắt các thay đổi của quốc tế, rút ngắn khoảng cách của Việt Nam. Những mô hình thành công điển hình có thể kể đến Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (International Accounting Standards Board - IASB) hay Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính (Financial Accounting Standards Board - FASB) của Hoa Kì.
4.3.2 Đối với các cơ quan kế toán - kiểm toán
Các cơ quan kế toán - kiểm toán là một bộ phận rất quan trọng trong việc kiểm tra đánh giá công tác kế toán của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các cơ quan này cần nắm rõ và có khả năng vận dụng linh hoạt cả hai chuẩn mực kế toán của quốc tế và quốc gia. Tuy vậy, ngoài 10 công ty kiểm toán Big 10 tại Việt Nam thì các công ty kế/kiểm toán khác chưa đưa yêu cầu chứng chỉ hành nghề quốc tế thành một yếu tố quan trọng. Chính vì thế, để có thể hoàn thành công việc hiệu quả, các đơn vị kế toán kiểm toán cần khuyến khích nhân viên nâng cao trình độ và hiểu biết về chuẩn mực kế toán quốc tế.