5.1 Bất cập trong quy định về đại diện QTG, QLQ
Luật SHTT hiện hành còn một số vướng mắc, bất cập trong quy định liên quan đến xác định phạm vi hoạt động, chức năng nhiệm vụ của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ cũng như quyền và trách nhiệm của tổ chức này:
Điều 56 Luật SHTT quy định về tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là “tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ QTG, QLQ; tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ thực hiện các hoạt động sau đây theo uỷ quyền của tác giả, chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu QLQ:
a) Thực hiện việc quản lý QTG, QLQ; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được uỷ quyền;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.
Điều này chưa phù hợp với quy định về đại diện trong Bộ luật Dân sự và chưa theo thông lệ quốc tế.
Điều 56 Luật SHTT chưa quy định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
Quy định nêu trên gây ra không ít bất cập cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân, cụ thể là:
- Đối với cơ quan nhà nước: Khó khăn trong thực thi quản lý nhà nước đối với hoạt động của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
- Đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp:
+ Các nhà sáng tạo, nhà đầu tư, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, người biểu diễn gặp khó khăn trong việc ủy thác quyền, giám sát khai thác tài sản QTG, QLQ của mình.
+ Người dân: bị nhầm lẫn hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ với cơ quan quản lý nhà nước về QTG, QLQ; nhầm lẫn giữa tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ với tổ chức đại diện SHCN.
5.2 Bất cập trong quy định về đại diện SHCN
Liên quan đến dịch vụ đại diện SHCN, quy định của pháp luật hiện hành còn tồn tại một số bất cập như:
- Về phạm vi hoạt động đại diện SHCN: có sự mâu thuẫn, chồng chéo trong việc xác định chức năng và phạm vi hoạt động của dịch vụ đại diện với chức năng tư vấn của luật sư;
- Về lĩnh vực đại diện SHCN: việc quy định đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm mọi đối tượng sở hữu trí tuệ không phù hợp với thực tế. Luật SHTT quy định cá nhân hoạt động trong tổ chức dịch vụ đại diện SHCN được cung cấp dịch vụ đối với tất cả các đối tượng SHCN. Để có được chứng chỉ hành nghề, các cá nhân này phải trải qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ về tất cả các đối tượng SHCN nêu trên. Tuy nhiên, thực tế cá nhân chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN đối với một hoặc một số các đối tượng SHCN nhất định.
- Một số bất cập khác liên quan đến thủ tục ghi nhận, thay đổi về tổ chức đại diện SHCN: thiếu quy định về việc tổ chức đáp ứng đủ điều kiện hành nghề đại diện SHCN cần thực hiện thủ tục yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đại diện SHCN để đảm bảo yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước; quy định liên quan đến hồ sơ ghi nhận tổ chức, ghi nhận thay đổi về tổ chức dịch vụ đại diện SHCN còn mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp v.v.