45
Tam Dư vốn là một điển cố xuất phát từ câu nói của Đổng Ngộ thời Tam Quốc diễn tả chuyện khéo dùng thời gian dư thừa để học hành, tức: “Đông giả, tuế chi dư; dạ giả, nhật chi dư; âm vũ giả, tình chi dư dã” (Mùa Đông là thời gian thừa của một năm; ban đêm là thời gian thừa của một ngày. Lúc mưa dầm tối tăm là thời gian thừa của lúc quang tạnh). Ông Ninh Đức Tấn dùng chữ Tam Dư đặt tên cho nhà học để khích lệ con cháu quý tiếc thời gian, chăm chỉ học hành, nhưng Tổ Ấn Quang đã thêm vào chữ Đức với ý nghĩa khuyên răn con cháu ông Ninh không chỉ lo học hành mà còn vun bồi điều lành để hòng đạt được ba đức của Phật tánh là Pháp Thân, Giải Thoát và Bát Nhã.
Ý nghĩa lớn lao của tên gọi tòa nhà này đã tuyên bày rồi. Nhưng muốn lợi người thì trước hết phải đánh đổ những ham muốn xằng bậy của chính mình. Nếu lời lẽ chẳng phù hợp với việc làm còn khó thể cảm hóa vợ con, huống là xóm giềng ư? Nếu có thể chân thành không dối trá thì dẫu là dị loại vẫn còn có thể cảm ứng được, huống hồ con người là kẻ cùng loài ư? Vì vậy, hết thảy pháp đều lấy thân làm gốc, nên nói: “Thân chẳng hành đạo thì vợ con sẽ chẳng hành đạo. Nếu kẻ nào chẳng giữ đạo thì sẽ chẳng thể làm cho vợ con giữ đạo được”. Muốn tán trợ sự sanh thành trưởng dưỡng của trời đất, muốn tỏa rạng đức ngấm ngầm của tổ tông, muốn lập khuôn mẫu tốt đẹp cho con cháu, mà chính mình chẳng chú trọng tận tụy thực hiện thì sẽ như kẻ nghèo không có rẻo đất nào để cắm dùi lại xằng bậy mong phú quý trùm lấp cõi đời, chỉ trở thành si tâm vọng tưởng, trọn chẳng thể trở thành sự thực được! Hãy răn dè nhé!
Tòa nhà được đặt tên dù ba chữ hay bốn chữ đều có ý nghĩa, cho nên không nhất định, chớ nên thay đổi. Ở phương Nam có một cụ già thanh nhàn sửa chữa đình đường, khi gác đòn dông có mười tám con hạc trắng bay đến, liền đặt tên cho tòa nhà ấy là Thập Bát Hạc Lai, bởi phỏng đoán rằng đấy chính là điềm [trong số con cháu sau này] sẽ có mười tám vị Hàn Lâm vậy!