6. Cấu trúc của luận án
2.2. Miền Nam và kí ức
Như đã nói ở trên, để đi tìm tấm căn cước miền Nam, Faulkner đã trở về một cột mốc lịch sử quan trọng: cuộc nội chiến Hoa Kì 1861-1865. Cuộc đụng độ (clash) này tất yếu gây nên những phản ứng tâm lí trong cộng đồng, trở thành phép thử cho căn tính. Qua những phản ứng kháng cự, tự vệ, khó chịu, quên lãng, kìm nén, đón nhận…, những nét cá tính sẵn có được tô đậm, mài giũa, hoặc rạn vỡ, huỷ diệt, một lần nữa, góp thêm vào sự cố kết cộng đồng. Bởi thế, hành trình diễn giải căn tính miền Nam trong văn chương Faulkner sẽ bắt đầu từ việc khảo sát những phản ứng tâm lí của miền Nam sau cuộc đụng độ với phương Bắc: một là, những tàn tích của quá khứ, thể hiện trong kí ức cộng đồng; hai là, những ứng xử hiện tại, thể hiện ở những nan đề trong thực tại nhân sinh miền Nam.
Kí ức cộng đồng miền Nam, trong tiểu thuyết Faulkner, được đan bện từ di sản xa xưa của vùng đất cùng những thương tổn gần của nội chiến. Faulkner không viết về nội chiến ở thì hiện tại; cuộc chiến hai miền trong văn ông chỉ xuất hiện như những bóng ma, tàn tích của quá khứ. Giả thiết được đặt ra là: liệu quá khứ có đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần miền Nam không? Nếu có, vì sao miền Nam lại trọng quá khứ, trong khi, dường như, dân tộc Mĩ lại được biết đến là dân tộc hướng về tương lai? Và nếu miền Nam nặng lòng với quá khứ đến vậy, thì quá khứ, trong tâm thức miền Nam, gắn liền với những ý niệm thẩm mĩ, nhân sinh nào? Từ giả thiết đó, chúng tôi khảo sát tiểu thuyết Faulkner và rút ra những diễn giải của ông về miền Nam như một mảnh đất mang gánh nặng quá khứ. Quá khứ, đối với miền Nam, đồng nghĩa với cái đẹp đã mất; miền Nam, vì thế, không thôi hoài nhớ – u sầu. Quá khứ còn là lời nguyền, là tội lỗi; miền Nam, bởi vậy, vẫn là kẻ chiến bại kiêu hãnh, kẻ mang vác phức cảm nạn nhân - tội đồ.