X. Tuyến trùng thực vật
1. Đại cương về tuyến trùng thực vật
Tuyến trùng thực vật là nhóm sinh thái tuyến trùng thích nghi với đời sống ký sinh ở thực vật đang phát triển. Nhóm tuyến trùng này có một số đặc trưng quan trọng so với nhóm ký sinh ở động vật và các nhóm sinh thái khác như: thường có kích thước hiển vi; phần miệng có cấu tạo kim hút chuyên hóa để châm chích mô thực vật và hút chất dinh dưỡng; kích thước của trứng lớn so với kích thước cơ thể; đời sống của chúng có quan hệ bắt buộc và trực tiếp với thực vật đang phát triển. Trong đó, cấu tạo kim hút chuyên hóa là đặc khác biệt quan trọng nhất.
Tuyến trùng thực vật sống và ký sinh ở tất cả các phần của thực vật đang phát triển, hoa, lá, hạt, thân và rễ, trong đó rễ là nơi gặp nhiều nhóm tuyến trùng ký sinh nhất. Tuyến trùng ký sinh thực vật có những tập quán dinh dưỡng rất khác nhau, một số loài dinh dưỡng trên những mô ngoài của thực vật, một số khác thâm nhập vào các mô sâu hơn, và một số khác có thể làm
224
cho cây chủ tạo ra những nguồn dinh dưỡng đặc biệt tại nơi chúng ký sinh. Tác hại do tuyến trùng gây ra đối với thực vật thường là tương đối nhẹ, tuy nhiên khi mật độ ký sinh lớn chúng có thể gây hại nghiêm trọng, thậm chí chúng có thể gây chết thực vật. Ngoài ra, một vài tuyến trùng có thể làm giảm khả năng của thực vật kháng lại sự xâm nhập của các tác nhân vi sinh vật gây bệnh khác và làm cho tác hại đối với thực vật càng trầm trọng thêm. Một số tuyến trùng ký sinh chuyên hóa có khả năng mang truyền virus gây bệnh cho thực vật. Tuyến trùng ký sinh có thể làm giảm 12,5% sản lượng cây trổng và thiệt hại do tuyến trùng ký sinh đối với cây trồng nông nghiệp ước tính là hàng trăm tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Trong thực tế hầu hết tuyến trùng ký sinh thực vật cũng phân bố trong đất, trong nước cùng với các nhóm sinh thái khác, vì vậy, khi nghiên cứu tuyến trùng thực vật gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong việc phân loại nhận dạng các loài tuyến trùng ký sinh thực vật. Sự hiểu biết đầy đủ về các bệnh do tuyến trùng ký sinh gây ra đòi hỏi sử dụng nhiều lĩnh vực sinh học khác nhau. Sinh thái đất làm sáng tỏ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố, sự tồn tại và các chu kỳ quần thể của tuyến trùng. Sinh hóa của tuyến trùng và thực vật phân tích cơ chế hình thành bệnh. Sinh lý học thực vật tập trung vào hiệu ứng tác hại thứ cấp của lá và rễ. Di truyền học góp phần tạo nên các giống thực vật kháng tuyến trùng. Nó cũng giúp tìm hiểu sự xuất hiện liên tục của các chủng mới, khả năng tấn công các giống chống chịu. Tập tính động vật kết hợp chặt chẽ với sinh lý thần kinh góp phần nghiên cứu sự dẫn dụ của mô thực vật và các chất hóa học đến tuyến trùng. Gần đây nhất là sinh học phân tử góp phần làm sáng tỏ về mặt phân loại, quan hệ họ hàng, chủng loại phát sinh cũng như bản chất của các quá trình sinh học ở tuyến trùng. Tóm lại, do nhận thức về tuyến trùng thực vật ngày càng phát triển, đặc biệt để đáp ứng cho một nền nông nghiệp bền vững với trình độ sản xuất cao trong sự hiện diện của tuyến trùng ký sinh, cần phải nghiên cứu mọi khía cạnh của mối quan hệ qua lại giữa tuyến trùng thực vật và thực vật trên cơ sở sử dụng kiến thức tích lũy được của nhiều ngành sinh học và các lĩnh vực liên quan áp dụng cho đối tượng tuyến trùng thực vật.