Mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ ô nhiễm với các chỉ số sinh học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng chất lượng nguồn nước sinh hoạt và một số yếu tố liên quan tại các hộ gia đình thuộc xã la hiên huyện võ nhai tỉnh thái nguyên​ (Trang 67 - 71)

Nguồn gây ô nhiễm sinh học cho môi trường nước chủ yếu là phân rác, nước thải sinh hoạt, xác chết sinh vật v.v... Ðể đánh giá chất lượng nước dưới góc độ ô nhiễm tác nhân sinh học, người ta thường dùng chỉ số Coliform và Fecal Coliform. Sự xuất hiện Coliform trong nước sinh hoạt biểu hiện sự ô nhiễm nước bởi các tác nhân sinh học. Ðể xác định chỉ số coliform người ta nuôi cấy mẫu trong các dung dịch đặc biệt và đếm số lượng chúng sau một thời gian nhất định. Ô nhiễm nước được xác định theo các giá trị tiêu chuẩn môi trường. Nguồn nước bị ô nhiễm do các tác nhân sinh học thường gặp ở các nước đang phát triển và chậm phát triển trên thế giới. Theo báo cáo của WHO năm 1992, nước bị ô nhiễm gây ra bệnh tiêu chảy làm chết 3 triệu người và 900 triệu người mắc bệnh mỗi năm. Ðể hạn chế tác động tiêu cực của ô nhiễm vi sinh vật nguồn nước mặt, cần nghiên cứu các biện pháp xử lý nước thải, cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường sống của dân cư, tổ chức tốt hoạt động y tế và dịch vụ công cộng. Vi khuẩn Coliform là vi khuẩn Gram âm hiếu khí, kỵ khí tùy tiện, không có nha bào, chúng được tìm thấy trong phân người, động vật và cả môi trường như đất, nước, rau, quả... chúng được coi là chỉ điểm vệ sinh quan trọng, nhất là đối với nguồn nước đã được xử lý. Sự có mặt của Coliform chứng tỏ các biện pháp khử khuẩn chưa đạt hiệu quả cao [5]. Nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm Coliform sẽ gây ra các bệnh đường tiêu hóa. Vi khuẩn nhóm Coliform có mặt trong ruột non và phân của động vật máu nóng, qua con đường tiêu hóa mà chúng xâm nhập vào môi trường và phát triển mạnh nếu có điều kiện nhiệt độ thuận lợi. Số liệu Coliform cung cấp cho chúng ta thông tin về mức độ vệ sinh của nước và điều kiện vệ sinh môi trường xung quanh. Đôi khi chúng ta cần phải xác định là nguồn nước bị

nhiễm bẩn bởi phân người hay phân gia súc để có những biện pháp quản lý phù hợp. Người ta thường dùng tỷ lệ Fecal Coliform/Fecal Streptococci.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng. Tỷ lệ số hộ gia đình có giếng cách nhà tiêu <10m bị ô nhiễm Coliform là 85,7% cao hơn số hộ gia đình có nguồn nước cách nhà tiêu >10m. Tuy nhiên nghiên cứu này chỉ ra không có mối liên quan giữa khoảng cách từ nguồn nước đến nhà tiêu với chỉ số Coliform, có thể lý giải rằng nguồn nước bị ô nhiễm Coliform ngoài nhà tiêu thì chuồng gia súc và thói quen sinh hoạt của người dân là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn nước bị ô nhiễm vi sinh vật. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng có mối liên quan giữa khoảng cách từ giếng đào đến nhà tiêu với chỉ số Fecal Coliform. Tỷ lệ hộ gia đình có giếng cách nhà tiêu <10m bị ô nhiễm Fecal Coliform là 71,4% cao hơn số hộ gia đình có giếng cách nhà tiêu >10m là 38,9%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đồng với nghiên cứu của tác giả Ngô Thị Nhu tại 6 xã nông thôn Đông Hưng Thái Bình, tác giả chỉ rõ có mối liên quan giữa khoảng cách từ giếng tới nhà tiêu <10m, phân, chất thải của con người và gia súc làm cho nguồn nước giếng đào bị ô nhiễm Fecal Coliform [17].

Fecal Coliform là những Coliform chịu nhiệt chúng chỉ có trong phân người và phân động vật máu nóng. Bởi vậy Fecal Coliform được coi là chỉ điểm vệ sinh quan trọng, nhất là đối với nguồn nước không được xử lý. Sự có mặt của vi khuẩn này ở ngoại cảnh chứng tỏ đã có sự ô nhiễm phân người và động vật máu nóng. Kết quả nghiên cứu tại huyện ven biển của miền Trung Ghana cũng chỉ ra rằng có mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ đến nguồn nước ô nhiễm E.coli. Tác giả chỉ ra rằng nguồn nước máy có mức độ E.coli thấp hơn so với nước bề mặt hoặc nước mưa và nước giếng có mức độ cao nhất. Các hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh và xa nguồn nước giếng thì có lượng E.coli thấp hơn đáng kể so với những hộ sử dụng hố xí không hợp vệ sinh hoặc không có nhà vệ sinh. Cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế, sự biến

động về nhân tố xã hội và nhân khẩu học của cộng đồng và hộ gia đình là những yếu tố chính quyết định chất lượng nước uống [41]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng không có mối liên quan giữa khoảng cách từ giếng tới chuồng gia súc với chỉ số Coliform. Tỷ lệ hộ gia đình có nguồn nước giếng tới chuồng gia súc <10m có ô nhiễm Coliform là 75,0% cao hơn số hộ gia đình có khoảng cách từ giếng tới chuồng gia súc >10m. Đồng thời nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ hộ gia đình có nguồn nước giếng cách chuồng gia súc <10m có ô nhiễm Fecal Coliform là 50% cao hơn số hộ có giếng tới chuồng gia súc >10m. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ không có mối liên quan giữa giếng tới bãi rác, thiếu sân giếng hoặc sân giếng bị hỏng với các chỉ số Coliform và Fecal Coliform trong nước giếng đào của người dân (p>0,05). Các nguy cơ ô nhiễm nguồn nước giếng đào của các hộ gia đình có thể là do vị trí giếng đào gần nguồn ô nhiễm như nhà tiêu hoặc chuồng gia súc hoặc là do giếng không có thành, thiếu sân giếng, vách giếng bị nứt. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Lê Hoàng Ninh và cộng sự đánh giá chất lượng nước sinh hoạt của người dân nông thôn ở huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An.

Thói quen sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, một phần do thiếu hiểu biết phần do thái độ chưa được tốt. Người dân thường xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà ngay sát nhà ở từng là thói quen đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của phần lớn người dân nơi đây. Hậu quả của việc làm này là không đảm bảo vệ sinh môi trường nói chunng và môi trường nước nói riêng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Biết vậy nhưng giải quyết vấn đề này rất khó, bởi từ nhiều năm qua, với suy nghĩ và phong tục tập quán canh tác cũ, bà con dân tộc thiểu số nơi đây đều muốn xây dựng công trình vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi gần nhà ở để tiện chăn nuôi, chăm sóc và bảo vệ gia súc, gia cầm.

Để làm tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt thì cán bộ y tế cơ sở cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về vệ sinh môi trường nước, huy động sức mạnh cộng đồng, để thay đổi thói quen sinh hoạt, nuôi nhốt gia súc gia cầm nâng cao chất lượng nguồn nước. Di dời chuồng gia súc, gia cầm và nhà tiêu xa nguồn nước tối thiểu là 10m để loại bỏ các yếu tố nguy cơ làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm vi sinh vật. Đồng thời, gắn nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể tới từng thành viên của các tổ chức đoàn thể, hội trong việc tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân về chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như lợi ích của việc di dời công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi ra xa nguồn nước sinh hoạt. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ xã đến các thôn gương mẫu làm trước trong việc thực hiện cũng như vận động người thân, họ hàng trong gia đình hưởng ứng và thực hiện việc di dời các công trình này ra xa nguồn nước. Bên cạnh đó, xã xem xét việc di dời công trình vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi của các hộ là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hoá trong năm.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng chất lượng nguồn nước sinh hoạt và một số yếu tố liên quan tại các hộ gia đình thuộc xã la hiên huyện võ nhai tỉnh thái nguyên​ (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)