Trong quá trình thực tập tại Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán Immanuel, em đã cố gắng nghiên cứu giữa lý thuyết và thực tiễn để rút ra một số ý kiến về quy trình kiểm toán báo cáo tài chính của Chi nhánh với hy vọng góp thêm một vài ý kiến vào việc hoàn thiện quy trình kiểm toán báo cáo tài chính của Chi nhánh.
5.1 Nhận xét
5.1.1 Nhận xét chung về công tác kiểm toán của Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán Immanuel
a. Ưu điểm
- Tất cả các KTV cũng như các trợ lý kiểm toán tại Chi nhánh công ty TNHH Kiểm toán Immanuel đều đáp ứng được các yêu cầu cần có của một người làm kiểm toán đó là yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp và yêu cầu về năng lực chuyên môn. Công ty luôn hoạt động trên nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp: Các KTV cũng như tất cả các trợ lý KTV khác đều tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán như độc lập, chính trực, khách quan, thận trọng và bảo mật các thông tin có được trong quá trình kiểm toán.
- Trình độ nhân viên của bộ phận kiểm toán đáp ứng được yêu cầu của Luật kiểm toán độc lập và đủ khả năng để hoàn thành tốt cuộc kiểm toán đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Hầu hết đội ngũ nhân viên là những người còn khá trẻ, nhiệt tình, năng động, ham học hỏi, hòa đồng và sáng tạo. Bên cạnh đó họ có một tác phong làm việc chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm với công việc, yêu nghề, và không ngừng trao dồi kiến thức nghề nghiệp cùng trình độ chuyên môn.
- Môi trường làm việc tại công ty là môi trường năng động cùng với phương pháp làm việc có khoa học, có hệ thống đã giúp công việc được hoàn thành đúng tiến độ. Nhân viên làm việc tại phòng kiểm toán rất chuyên nghiệp, được tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành công việc của mình nhưng không hề có sự căng thẳng, áp lực trong môi trường làm việc. Các KTV rất hòa đồng, dễ tiếp xúc, không khí làm việc vui vẻ giúp giảm áp lực trong công việc, nhờ vậy giảm thiểu tối đa các sai sót do áp lực công việc cao của mùa kiểm toán.
- Công ty luôn cố gắng khẳng định uy tín của mình, tạo hình ảnh tốt đẹp của công ty với khách hàng. Cố gắng làm hài lòng khách hàng bằng thái độ làm việc hòa nhã, hợp tác, chi phí hợp lý và trên hết là dịch vụ chất lượng cao. Các nhân viên luôn giữ thái độ vui tươi, thân thiện, dù đôi lúc công việc có nhiều áp lực và đặc biệt luôn luôn hết mình với công việc. Công ty đã và đang ngày càng nhận được sự tín nhiệm của khách hàng cũ và thu hút ngày càng nhiều khách hàng mới.
- Để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ kiểm toán, công ty luôn có những khóa huấn luyện cho nhân viên, cập nhật văn bản luật và dưới luật thường xuyên, liên tục. Các nhân viên của công ty được huấn luyện kỹ năng giao tiếp khách hàng: luôn luôn lịch sự, tôn trọng khách hàng. Nhờ vậy khách hàng luôn có thái độ tốt, nhiệt tình trong việc cung cấp sổ sách, báo cáo, chứng từ thuận lợi cho cuộc kiểm toán diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho nhóm kiểm toán.
- Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán Immanuel áp dụng chương trình kiểm toán BCTC mẫu do Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) ban hành, việc thực hiện kiểm toán BCTC tại công ty đã được thực hiện tốt đúng với quy định, đảm bảo được vai trò quan trọng của kiểm toán BCTC là đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý của Báo cáo tài chính và cung cấp thông tin cho người đọc báo cáo tài chính.
- Cách thức tổ chức cuộc kiểm toán của công ty gọn và hiệu quả do luôn có sự phân công công việc một các cụ thể, rõ ràng giữa các thành viên trong nhóm. Ngoài kiểm toán vào cuối năm tài chính, Công ty Immanuel cũng tiến hành kiểm toán BCTC giữa niên độ, điều này giúp KTV giảm bớt công việc kiểm toán vào cuối năm.
b. Những vấn đề còn tồn tại
- Thứ nhất, số lượng nhân viên tại Chi nhánh ít, gồm 3 KTV và 15 trợ lý kiểm toán trong khi số lượng khách hàng kiểm toán ngày càng tăng, số lượng khác hàng kiểm toán ổn định và trung bình mỗi mùa kiểm toán khoảng 135 - 140 khách hàng. Do vậy, vào mùa kiểm toán áp lực của các KTV và trợ lý kiểm toán tăng lên do phải cùng lúc sắp xếp thực hiện nhiều cuộc kiểm toán, có thể làm giảm chất lượng của cuộc kiểm toán và tăng các rủi ro cho Chi nhánh.
- Thứ hai, ngoài 3 KTV có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ tài chính cấp với kinh nghiệm làm việc dày dạn thì các trợ lý kiểm toán còn lại đa phần còn rất trẻ, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán chưa được bao lâu, kinh nghiệm làm việc ít, thời
gian hoạt động trong nghề ngắn nên còn nhiều hạn chế về kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm khác cần có cho nghề nghiệp kiểm toán.
- Thứ ba, Chi nhánh chưa có chương trình chuyên nghiệp trên máy tính để hỗ trợ cho các công việc kiểm toán như chương trình xác định mức trọng yếu, hỗ trợ kiểm toán viên chọn mẫu, tự động lập báo cáo tài chính sau điều chỉnh, phần mềm quản lý cuộc kiểm toán nên KTV thường phải dùng MS-Word và MS- Excel để làm việc, điều này vừa tốn thời gian quản lý cuộc kiểm toán và thường hay dẫn đến những sai sót trong quá trình lập BCKT.
- Thứ tư, Chi nhánh chỉ áp dụng quy trình kiểm toán mẫu do VACPA ban hành để kiểm toán cho tất cả các khách hàng mà không xây dựng một quy trình riêng cho nhóm khách hàng cụ thể. Điều này làm tốn thời gian của KTV khi họ phải tự xem xét cách thức hoạt động của khách hàng để tiến hành các thủ tục cho phù hợp với khách hàng đó và việc đánh giá rủi ro ban đầu tùy thuộc nhiều vào xét đoán của KTV.
5.1.2 Nhận xét về quy trình kiểm toán khoản mục nợ phải thu khách hàng tại Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán Immanuel
Bên cạnh những nhận xét chung về hoạt động kiểm toán Báo cáo tài chính tại Chi nhánh, dưới đây em xin đưa ra một số nhận xét khi thực tế kiểm toán khoản mục nợ phải thu khách hàng tại Chi nhánh Công ty TNHH kiểm toán Immanuel:
a. Ưu điểm
- Về quy trình kiểm toán khoản mục nợ phải thu khách hàng thì Chi nhánh thực hiện đầy đủ 3 giai đoạn chính là lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và hoàn thành kiểm toán. Cụ thể là đã thực hiện khá đầy đủ các thủ tục cần thiết cho khoản mục nợ phải thu khách hàng như soát xét hệ thống KSNB, thực hiện thủ tục phân tích, thử nghiệm chi tiết theo hướng dẫn của VACPA. Điều này giúp Chi nhánh đánh giá được khách hàng, thực hiện kiểm toán và kết thúc cuộc kiểm toán đúng kế hoạch, hạn chế tối đa các rủi ro kiểm toán có thể xảy ra.
- Sau khi kết thúc cuộc kiểm toán tất cả hồ sơ kiểm toán khách hàng được kiểm toán qua các năm trước được lưu lại, KTV vẫn có thể hiểu và nắm bắt được thông tin về khách hàng dù chưa từng đi kiểm toán khách hàng đó cũng như học hỏi được kinh nghiệm của các KTV đi trước qua việc trình bày các giấy tờ làm việc. Giấy tờ làm việc của các thành
viên trong nhóm đều được soát xét bởi KTV hoặc trưởng nhóm nên các sai sót của cuộc kiểm toán nếu có dẽ dàng được phát hiện.
b. Những vấn đề còn tồn tại
- Thứ nhất, thủ tục đánh giá hệ thống KSNB của đơn vị là thủ tục quan trọng nhằm giảm thiểu đi các thử nghiệm cơ bản, nhưng trong thực tế Chi nhánh chỉ thực hiện ở việc phỏng vấn khách hàng dựa vào xét đoán nghề nghiệp, kinh nghiệm của KTV; và thậm chí với nhiều khách hàng thì Chi nhánh không đánh giá hệ thống kiểm KSNB khách hàng.
- Thứ hai, phương pháp phân tích chủ yếu được KTV sử dụng đó là so sánh sự biến động năm nay so với năm trước về số tương đối và tuyệt đối và giải thích cho các biến động này chứ chưa đi vào phân tích các bản chất các biến động cũng như mối liên hệ với các khoản mục khác.
- Thứ ba, thủ tục gửi thư xác nhận công nợ các khoản phải thu của khách hàng chứa đựng nhiều rủi ro. Thư xác nhận phải được KTV lập với đầy đủ thông tin trên đó và gửi cho bên thứ ba để bên thứ ba xác nhận và gửi trực tiếp về cho Chi nhánh. Như vậy yêu cầu ở đây là nhấn mạnh đến địa chỉ để bên thứ ba phản hồi đó là trực tiếp đến cho KTV. Thế nhưng, với lý do áp lực mùa kiểm toán do thiếu nhân sự và thiếu thời gian nên Chi nhánh chỉ gửi mẫu thư xác nhận cho khách hàng kiểm toán và nhờ khách hàng lập rồi gửi cho bên thứ ba và đồng thời khách hàng cũng nhận luôn thư xác nhận từ Bên thứ 3. Điều này không đảm bảo tính khách quan cũng như rủi ro sai sót nội dung trong TXN mà KTV không thể kiểm soát được. Rủi ro này rất lớn, khi mà đơn vị cố tình làm giả thư xác nhận.
- Thứ tư, Chi nhánh không kiểm toán khoản mục trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Trích lập dự phòng phải thu là khoản mục khó, vừa do luật định yêu cầu các bằng chứng để trích lập dự phòng, vừa do công ty khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc do năng lực kế toán khách hàng hạn chế. Đa số các khách hàng của Chi nhánh không theo dõi tuổi nợ phải thu khách hàng và cũng không trích lập dự phòng. Khi kiểm toán, các KTV của Chi nhánh cũng không kiểm toán các khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi và cũng không có ý kiến ngoại trừ hoặc nhấn mạnh đối với khoản mục này trên Báo cáo kiểm toán. Điều này đôi khi ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC mà vô tình các KTV đã bỏ qua.
- Thứ năm, Chi nhánh không kiểm toán khoản người mua trả tiền trước. Do thực tế có rất nhiều khoản người mua trả trước đã không còn tồn tại do khách hàng đã bán hàng (hoặc cung cấp dịch vụ) nhưng khách hàng không ghi nhận doanh thu. Việc không ghi
nhận doanh thu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trên BCTC và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của khách hàng.
5.2 Kiến nghị
5.2.1 Kiến nghị chung về công tác kiểm toán tại Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán Immanuel
- Thứ nhất, số lượng nhân viên tại Chi nhánh ít, số lượng khách hàng kiểm toán nhiều nên Chi nhánh cần tuyển dụng thêm trợ lý kiểm toán có kinh nghiệm để chia sẻ công việc với các trợ lý khác. Theo em nghĩ thì 1 nhóm kiểm toán gồm 1 KTV, 1 trưởng nhóm, 3 trợ lý kiểm toán và 2 sinh viên thực tập. Nếu bố trí nhóm kiểm toán như vậy thì sẽ giảm áp lực cho nhân viên trong mùa kiểm toán, công việc sẽ hiệu quả hơn và giảm rủi ro của cuộc kiểm toán. Cụ thể, tiêu chí để tuyển trợ lý có năng lực phải có:
+ Tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành kiểm toán, kế toán; + Có ít nhất 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán; + Có chứng chỉ KTV là một ưu tiên;
+ Có kiến thức tốt về hệ thống kế toán, kiểm toán và pháp luật Việt Nam; + Có tinh thần đồng đội, khả năng làm việc nhóm và áp lực công việc cao; + Năng động, chịu khó, gắn bó với công việc và có tinh thần cầu tiến.
- Thứ hai, về nhân sự nhóm kiểm toán thì Chi nhánh cần sắp xếp nhóm kiểm toán sao cho có cả trưởng nhóm có kinh nghiệm, và các trợ lý thì có người có kinh nghiệm và chưa có kinh nghiệm để hỗ trợ công việc lẫn nhau, để thấy được năng lực của nhóm kiểm toán khi kiểm tại khách hàng. Chi nhánh phải đào tạo, huấn luyện định kỳ cho nhân viên liên tục từ 6 tháng đến 1 năm để bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng làm việc. Đối với sinh viên thực tập thì Chi nhánh nên có chương trình huấn luyện cho sinh viên trước khi đi kiểm toán tại khách hàng để sinh viên có cách nhìn tổng quan về những công việc mình phải làm. Các chương trình đào tạo, huấn luyện cụ thể như sau:
+ Đào tạo, huấn luyện về chương trình kiểm toán;
+ Đào tạo, huấn luyện về lập giấy tờ làm việc, hoàn thiện hồ sơ kiểm toán; + Đào tạo về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn;
- Thứ ba, Chi nhánh nên mua phần mềm quản lý cuộc kiểm toán hiện có trên thị trường hoặc tự thiết kế một chương trình quản lý kiểm toán chuyên nghiệp để quản lý cuộc kiểm toán được hiệu quả hơn. Có chương trình quản lý cuộc kiểm toán thì sẽ nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán, Ban giám đốc sẽ theo dõi tiến trình của cuộc kiểm toán và giảm thiểu nhiều rủi ro do sai sót trong lúc lập báo cáo kiểm toán. Phần mềm kiểm toán hiện tại được sử dụng phổ biến là phần mềm Audit System 2, Chi nhánh có thể mua bản quyền để sử dụng hợp pháp cho chi nhánh.
- Thứ tư, Chi nhánh chỉ áp dụng quy trình kiểm toán mẫu do VACPA ban hành để kiểm toán cho tất cả các khách hàng mà không xây dựng một quy trình riêng cho nhóm khách hàng cụ thể. Như vậy, Chi nhánh cần phân nhóm khách hàng để thực hiện kiểm toán hiệu quả hơn. Tiêu chí dùng để phân nhóm khách hàng bao gồm các tiêu chí: quy mô vốn, quy mô doanh thu và ngành nghề kinh doanh… Thực hiện phân nhóm khách hàng sẽ giúp KTV giảm bớt các thủ tục kiểm toán không phù hợp với từng nhóm khách hàng và đủ thời gian để kiểm chi tiết hơn cho những khoản mục chính, đảm bảo cuộc kiểm toán được hoàn thành một cách hiệu quả nhất.
5.2.2 Kiến nghị nhằm hoàn thiện quy trình kiểm toán khoản mục nợ phải thu khách hàng tại Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán Immanuel
- Thứ nhất, kiểm tra hệ thống KSNB của khách hàng để tìm hiểu về hệ thống KSNB đối với khoản mục phải thu khách hàng và các khoản mục có liên quan trực tiếp như doanh thu bán hàng – cung cấp dịch vụ, tiền mặt – tiền gửi ngân hàng, từ đó xác định các thử nghiệm cơ bản cho phù hợp với đơn vị.
KTV nên sử dụng bảng câu hỏi để phỏng vấn nhân viên đơn vị về khoản mục nợ phải thu khách hàng để có thể hiểu rõ hơn về hệ thống KSNB của khách hàng.
Bảng 5.1 Bảng câu hỏi phỏng vấn để xem xét hệ thống KSNB của khách hàng
Câu hỏi Trả lời Ghi chú Không áp dụng Có Không Yếu kém Quan trọng Thứ yếu
1. Các khoản bán chịu có được xét duyệt trước khi gửi hàng hay không?
2. Các chứng từ gửi hàng có được đánh số thứ tự liên tục trước khi sử dụng hay không
3. Các hóa đơn bán hàng có được đánh số thứ tự liên tục trước khi sử dụng hay không? 4. Có quy định bắt buộc kiểm tra để bảo đảm rằng mọi hàng hóa gửi đi đều đã được lập hóa đơn hay không?
5. Có bảng giá được duyệt để làm cơ sở tính tiền trên hóa đơn hay không?
6. Hóa đơn có được kiểm tra độc lập trước khi gửi đi hay không?
7. Hàng tháng có gửi một bảng sao kê công nợ cho khách hàng hay không?
8. Việc nhận hàng bị trả lại có sự phê duyệt của người có thẩm quyền hay không?
9. Đơn vị có thực hiện việc đối chiếu giữa tài