7. Bố cục của Luận văn
2.1.1. Khái niệm nhân vật văn học
Nhân vật là một phương thức nghệ thuật. Một tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật bởi nó là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà văn, một khuynh hướng, một trường phái hoặc một dòng phong cách nào đó. Tùy vào ý đồ nghệ thuật của từng nhà văn mà nhân vật có thể có tên hoặc không có tên; có thể là những người được miêu tả đầy đặn về ngoại hình, nội tâm, tính cách nhưng cũng có thể là những người thiếu hẳn những nét đó, ngược lại họ có tiếng nói, giọng điệu, cảm xúc, nỗi niềm, ý nghĩ. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: "Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong các tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm Cám, chị Dậu, anh Pha...), cũng có thể không có tên riêng như "thằng bán tơ", "một mụ nào" trong Truyện Kiều" [18, tr.162]. Cuốn Từ điển Tiếng Việt lại cho rằng: Nhân vật là đối tượng (thường là con người) được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học nghệ thuật.
Các tác giả Giáo trình lí luận văn học lại đưa ra một khái niệm có phần rộng hơn: nhân vật văn học "đó không chỉ là con người có tên hoặc không có tên, mà có thể là những sự vật, loài vật khác nhau, ít nhiều mang bóng dáng tính cách của con người, được dùng như những phương thức khác nhau để biểu hiện con người. Đó là nhân vật Dế mèn, võ sĩ Bọ ngựa, con mèo lười trong truyện thiếu nhi của Tô Hoài; là vầng trăng, là bông hoa hồng trong thơ Hồ Chí Minh... Cũng có khi đó không phải là những con người, sự vật cụ thể mà chỉ là một hiện tượng về con người hoặc có liên quan đến con người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm." [15, tr.126]
Nhưng dù định nghĩa như thế nào thì nhân vật văn học vẫn là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, là kết quả của của một quá trình khám phá và chiêm nghiệm. Vì là sản phẩm sáng tạo của nhà văn nên nhân vật văn học mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo ra nó. Dấu ấn ấy được lặp đi lặp lại đến một lúc nào đó sẽ hình thành nên phong cách nghệ thuật của nhà văn. Đúng như Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng khẳng định: Trong thế giới nghệ thuật của nhà văn thường có một hình tượng tâm huyết cứ trở đi trở lại nhiều lần như là một "ám ảnh" đối với nhà văn. Những hình tượng như thế càng có tính phổ biến bao nhiêu, càng có ý nghĩa tư tưởng cơ bản và sâu sắc bấy nhiêu. Nói như vậy có nghĩa là căn cứ vào nhân vật chúng ta đã có thể hiểu được phong cách và tư tưởng nghệ thuật của một nhà văn. Đây là một điều quan trọng mà bất kì người nghiên cứu nào cũng cần phải biết khi tiến hành nghiên cứu tác phẩm cũng như tác gia văn học.
Các nhà văn có tên tuổi bao giờ cũng tạo ra cho mình một thế giới nhân vật mang đậm dấu ấn cá nhân. Là một nhà văn có tên tuổi viết về đề tài miền núi, Cao Duy Sơn đã chọn cho mình một nghệ thuật xây dựng nhân vật riêng vừa làm nổi bật những nét cơ bản của con người miền núi đồng thời qua đó góp phần khẳng định phong cách nghệ thuật của bản thân.