7. Bố cục của Luận văn
3.2.1. Kết cấu truyện lồng truyện
Khi tiến hành khảo sát toàn bộ truyện ngắn của Cao Duy Sơn chúng tôi thấy có nhiều truyện được bắt đầu từ thời hiện tại. Mở đầu của của chuyện là câu chuyện của ngày hôm nay, từ đó ngược về hôm qua, về quá khứ để kể về hôm qua, về quá khứ. Những câu chuyện như vậy được gọi là câu chuyện thời quá khứ. Như vậy, với kết cấu vòng tròn hiện tại - quá khứ - hiện tại, câu chuyện từ thời hiện tại người kể chuyện kể lại câu chuyện quá khứ, cứ truyện nọ lồng vào truyện kia. Người ta gọi đấy là kiểu truyện gối truyện hay truyện lồng truyện, kể câu chuyện này nhưng vì nó có mối quan hệ mật thiết với câu chuyện khác nên người kể phải kể tiếp.
Có lẽ do nhà văn sử dụng kiểu kết cấu vòng tròn, đảo trật tự thời gian từ thời quá khứ đến thời hiện tại nên khi đọc truyện ngắn Cao Duy Sơn người đọc có cảm giác đó là tiếng vọng của năm tháng, của kí ức dội về, đầy chân thành và gợi cảm. Truyện không chỉ trình bày một câu chuyện thời quá khứ được nhìn từ hiện tại mà thường người kể chuyện cũng là một nhân vật trực tiếp tham gia vào biến cố của câu chuyện hoặc là người chứng kiến, là người trực tiếp được nghe nhân vật chính kể lại.
"Tôi" trong truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối kể lại câu chuyện về những lần sang thăm, những cuộc trò truyện giữa tôi với thầy giáo Hạc. Theo lời kể của tôi thì ngôi nhà của anh với ngôi nhà của thầy giáo Hạc cách nhau một con suối, vì để rút ngắn thời gian đi lại mà anh thường sắn quần lội tắt qua con suối phía sau nhà. Tôi kể lại những lần gặp gỡ, trò chuyện với những câu đùa, những lời tâm sự gần gũi, thân mật và cũng thoang thoảng một nỗi buồn của thầy giáo Hạc. Tuy nhiên câu chuyện này chỉ là phụ, trung tâm lại là một câu chuyện khác - câu chuyện về cuộc đời thầy giáo Hạc. Thầy kể: thầy vốn là người Hà Nội, vì "tuổi trẻ háo hức, muốn cống hiến và tới những miền đất lạ" nên thầy đã tình nguyện lên Mục Mã dạy học. Cuộc đời dạy học của thầy gặp thật nhiều chuyện không hay, tất cả đều xuất phát từ Bền - nàng tiên trong mắt thầy. Vì
tiên" ấy mà thầy đã bị kỷ luật, bị luân chuyển trường, bị hãm lương, bị đồng nghiệp và học trò hiểu lầm... rồi cuối cùng lại phải nuôi dưỡng đứa con của nàng tiên ấy. Cuộc đời của thầy thật nhiều éo le, lắm chuyện không suôn sẻ. Không lâu sau khi cô Bền để lại đứa con cùng một lá thư nhờ thầy nuôi dưỡng hộ, vợ thầy đã qua đời vì căn bệnh quái ác. Một mình thầy phải bươm chải, gà trống nuôi hai đứa con. Nhưng dù cuộc sống có thiếu thốn, vất vả đến đâu thầy cũng không một lần mà cũng chưa bao giờ có suy nghĩ phân biệt giữa con đẻ với con nuôi. Càng ngày thực phẩm càng khan hiếm, lo cho các con, thầy đã "gom tiền mua được đôi gà mái đẻ. Trong lúc chờ gà đẻ trứng, thầy trồng thêm luống rau và thường nhịn bữa, dành miếng ăn cho các con" [55, tr.26]. Thường xuyên nhịn bữa nên thầy trở lên "gầy và xanh như lá mom". Cuộc sống của thầy cứ thế trôi đi đến tận khi chuyển về dạy tại trường vùng ven thị xã, cuộc sống của thầy mới khá hơn. Thầy gom góp được một số tiền, mua một mảnh đất và dựng lên ngôi nhà bên suối.
Mở đầu truyện ngắn là thời gian hiện tại, từ đó từng câu chuyện trong quá khứ được lần lượt kể lại. Kết thúc tác phẩm lại là thời gian hiện tại với sự kiện cô Bền - nàng tiên năm xưa quay trở lại tìm thầy giáo Hạc để xin lại đứa con gái. Qua câu chuyện, nhà văn Cao Duy Sơn đã khắc họa lên một hình tượng nhân vật vừa có những ưu điểm vừa có những nhược điểm - thầy giáo Hạc mặc dù là một người hiền lành đến nhu nhược, hèn nhát "yêu còn không dám" nhưng cũng là một người thầy có tâm với nghề, đặc biệt là một người cha đáng trân trọng, tràn đầy yêu thương.
Cũng giống như Lý Biên Cương trong kết cấu truyện lồng trong truyện của Cao Duy Sơn, lớp truyện ở thì hiện tại chỉ mang tính chất giới thiệu, bản lề có vai trò như một cái cớ để dẫn dắt người đọc vào câu chuyện trung tâm nằm ở thời quá khứ. Mặc dù giống nhau như vậy nhưng trong việc sử dụng kết cấu truyện lồng trong truyện giữa hai nhà văn này vẫn có điểm khác nhau. Chính điểm khác nhau này đã làm nên những nét riêng, độc đáo, mang dấu ấn cá nhân của từng nhà văn.
Kêt cấu truyện lồng truyện trong truyện ngắn của Lý Biên Cương là kết cấu đa tuyến. Theo đó, cốt truyện thường trình bày một hệ thống sự kiện phức tạp, nhằm tái hiện nhiều bình diện khác nhau của đời sống, tái hiện những con đường diễn biến phức tạp của nhân vật. Kết cấu đa tuyến được biểu hiện ở việc trong một chuyện có nhiều nhân vật, nhiều không gian, nhiều sự kiện. Các sự kiện trong tác phẩm được diễn ra lần lượt hoặc đan cài vào nhau giữa các khoảng không gian. Còn kết cấu truyện lồng truyện trong truyện ngắn Cao Duy Sơn lại là kết cấu đơn tuyến. Trong một chuyện không có nhiều nhân vật, không gian cũng không quá rộng, các sự kiện cũng không phức tạp. Kiểu kết cấu này chính là phản ánh của lối tư duy đơn giản, bản chất mộc mạc, giản dị, chất phác của con người miền núi quê ông.
Ví dụ như trong truyện Gắn bó của Lý Biên Cương, sự kiện trung tâm là khu lò bị cháy, toàn đội gấp gáp tiến hành mọi hoạt động để cứu khu lò. Đan xen với sự kiện trung tâm ấy là hàng loạt các sự kiện khác xảy ra tại cùng thời điểm: kĩ sư Luận nhận được bức thư chia tay từ Nhi - người yêu của anh; hai cha con Hảo gặp nhau cũng trong chính lúc sự việc đang căng thẳng, bề bộn nhất; vợ giám độc Nghiêm vượt cạn một mình; Đạt kiếm có trốn chạy khỏi khu vực lò bị cháy; bác Nhượng cố hết sức cứu lò và bị ngộ độc... Còn trong truyện ngắn Hoa bay cuối trời
(Cao Duy Sơn), nhân vật trung tâm là Khơ và Dình, tất cả mọi sự kiện xuất hiện trong tác phẩm đều liên quan, gắn bó chặt chẽ với hai nhân vật này.
Với kết cấu truyện lồng truyện, thời gian truyện có sự thay đổi, đan cài liên tục từ thời gian hiện tại đến thời gian quá khứ rồi lại trở về với thời gian hiện tại. Nhờ đó mà câu chuyện được kể lại một cách linh hoạt, nhẹ nhàng, tự nhiên, không gò bó, gượng ép.
Truyện ngắn Hoa bay cuối trời mở đầu là thời gian hiện tại với cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Khơ và Phủ; tiếp đó câu chuyện trở về với thời gian quá khứ - khi mà Khơ còn là một chàng trai khỏe mạnh; rồi cuối cùng lại là thời gian hiện tại với một đám cưới không còn gì có thể đẹp và xúc động hơn.
Với việc sử dụng linh hoạt, có hiệu quả kiểu kết cấu truyện lồng truyện, nhà văn Cao Duy Sơn đã tạo cho các tác phẩm của mình một sự hài hòa vừa đủ, các nhân vật với những biến cố trong cuộc đời, những diễn biến trong tâm trạng cùng với những cung bậc cảm xúc đã được tái hiện một cách tự nhiên, sống động, tác động, gây ấn tượng mạnh đối với bạn đọc.