Lý thuyết chi phí đại diện được Jense và Meckling (1976) hoàn tất, lý thuyết này nhìn nhận có một cấu trúc vốn tối ưu cho doanh nghiệp với sự có mặt của chi phí đại diện. Jense và Meckling chia chi phí đại diện thành 2 loại:
- Chi phí đại diện phát sinh từ mâu thuẫn giữa cổ đông và trái chủ: Khi một doanh nghiệp gặp khó khăn, trái chủ và cổ đông đều muốn phục hồi, nhưng mặt khác quyền lợi của họ có thể mâu thuẫn nhau. Kiệt quệ tài chính tốn kém khi các mâu thuẫn quyền lợi cản trở quyết định đúng đắn về hoạt động đầu tư và tài trợ. Các cổ đông từ bỏ mục tiêu là tối đa hóa thị trường của doanh nghiệp mà thay vào đó theo đuổi mục tiêu hạn hẹp hơn là quyền lợi của riêng mình. Kết quả là các cổ đông sẽ thực hiện các trò chơi mà thiệt hại là chủ nợ còn các cổ đông được hưởng lợi. Tỷ lệ nợ càng cao thì các trò chơi càng trở nên hấp dẫn, nhưng việc thực hiện các trò chơi này phải thực sự tinh vi và đòi hỏi nhiều trình độ vì mọi hành động đều có sự điều chỉnh hành vi từ phía chủ nợ bằng việc đưa ra mức lãi suất tương ứng và nhà đầu tư sẽ có những quyết định kịp thời thể hiện qua mức giá sẵn sàng chi trả.
- Chi phí đại diện phát sinh từ mâu thuẫn giữa người sở hữu và giám đốc điều hành CEO: Chi phí đại diện là loại chi phí phát sinh khi một tổ chức gặp phải vấn đề về sự thiếu đồng thuận giữa mục đích của người quản trị và người sở hữu và vấn đề bất đối xứng thông tin. Vấn đề bất đối xứng thông tin tồn tại giữa người sở hữu và giám đốc điều hành CEO là điển hình của chi phí này. Chi phí đại diện có nguồn gốc từ mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và các nhà quản lý công ty do sự tách biệt giữa quản lý và sở hữu trong loại hình doanh nghiệp hiện đại. Khi cổ đông bị giới hạn hoặc mất kiểm soát đối với người quản lý thì người quản lý sẽ có động cơ tham gia vào hoạt động có lợi cho bản thân nhưng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.
Lý thuyết chi phí đại diện giải thích vì sao các công ty có quy mô lớn, dòng tiền nhiều lại thường có xu hướng dùng nợ nhiều hơn trong cơ cấu vốn của mình. Giải thích của lý thuyết này là do các điều khoản trong hợp đồng vay sẽ kiểm soát được hành vi của nhà quản lý không hướng đến mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.Lý thuyết này cho thấy các yếu tố: Tốc độ tăng trưởng, khả năng thanh toán hiện hành, quy mô doanh nghiệp có sự tác động đến cấu trúc vốn. Vì sự mâu thuẫn trong quản lý giữa các giám đốc điều hành và các cổ đông, các công ty có quy mô thì các cổ đông thường chú trọng đến việc sử dụng nợ nhiều hơn để kiểm soát hành vi của CEO.
2.2.2.5.Lý thuyết về sở hữu tập trung
Có nhiều nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của mức độ tập trung sở hữu trong công ty lên thành quả hoạt động cũng như ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp tuy nhiên cũng không thống nhất nhau trong các nghiên cứu. Một số nghiên cứu như của Garcia Meca and Sanchez – Ballesta (2011) cho thấy quyền sở hữu tập trung cho đến một mức độ nhất định nó ảnh hưởng tích cực đối với hoạt động điều hành và thành quả cũng như giá trị doanh nghiệp gia tăng, nhưng khi nó tăng vượt quá một mức nhất định ảnh hưởng sẽ trở nên tiêu cực. Ngoài ra sở hữu tập trung còn làm tăng các xung đột lợi ích giữa các cổ đông những người nắm cổ phần chi phối
và các cổ đông thiểu số và làm giảm tính thanh khoản của công ty theo nghiên cứu Turki et al.(2012).
Nghiên cứu của Thomsen & Pedersen (2000) cũng cho thấy một mối quan hệ đồng biến giữa mức độ tập trung sở hữu và giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên mối quan hệ này là phi tuyến tính, tức quan hệ này sẽ chuyển thành quan hệ nghịch biến sau khi công ty đạt được một thành quả nhất định.
Lý thuyết sở hữu tập trung trong nghiên cứu này nhằm giải thích mối quan hệ sở hữu nhà nước trong các công ty ảnh hưởng đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.
2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp 2.3.1. Sở hữu nhà nước