IV. Một số nguyên nhâ n:
1. Kinh nghiệm từ Trung Quốc:
Nhìn chung sau 20 năm TTCK Trung Quốc đã phát triển từ con số 0 đến một tầm vóc đáng kể. TTCK đã đem lại lợi ích to lớn cho Trung Quốc không chỉ ở phương diện huy động vốn cho đầu tư phát triển doanh nghiệp mà còn là kênh dẫn vốn quan trọng giúp Nhà nước điều chuyển vốn cho xây dựng kinh tế, kích cầu cũng như chống đỡ kiên cường với khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á. Chỉ tính riêng năm 2000 TTCK đã đem lại cho ngân sách Nhà nước hơn 40 tỷ tiền thuế (Báo Đầu tư và chứng khoán số 50, ngày 17/11/2000). TTCK đã góp phần đổi mới hệ thống DNNN, tạo điều kiện cho các cổ đông không chỉ tham gia kiểm soát doanh nghiệp bằng bỏ phiếu mà còn tạo sức ép đối với giới quản lý bằng giá cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra TTCK cũng mở ra kênh hội nhập linh hoạt cho các doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên TTCK Trung Quốc còn mang nhiều đặc điểm chưa trưởng thành. Thứ nhất, là sự can thiệp hành chính còn bao quát nhiều lĩnh vực song cơ chế quản lý chưa hợp lý nên tạo kẽ hở cho một số vụ lộn xộn, tham nhũng trên TTCK. Thứ hai, cơ chế vận hành TTCK đặt trong tình trạng thử nghiệm quá lâu kìm hãm quá trình đưa ra và hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất trong cả nước. Mặt khác tình thế phó mặc cho địa phương thử nghiệm có mặt mạch là phát huy được tiềm năng rất lớn của thị trường tài chính Trung Quốc hơn 1 tỷ dân song cũng dẫn đến kết cục rất phân tán và khác biệt giữa các địa phương gây tốn kém và khó khăn cho quá trình cơ cấu lại; Thứ 3, là tình trạng thông tin thiếu, không trung trực, không được giám sát diễn ra khá nhiều. Theo dự đoán của một số nguồn tin có thể đến 50% Công ty niêm
yết đã đưa ra thông tin sai lệch trong hồ sơ phát hành. ở Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, thậm chí Công ty niêm yết là Công ty ma, gây thiệt hại cho người đầu tư nhỏ. UBGQCK đã phải xử lý nhiều vụ phát hành lừa đảo và thao túng cổ phiếu. Thứ tư là sự bất cập của cán bộ trước sự phát triển quá nhanh của TTCK mà không có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm tập trung đào tạo. Có những Công ty chứng khoán còn tư vấn sai cho khách hàng. Những thiếu sót này không phải Chính phủ Trung Quốc không nhận ra. Gần đây một số tiết lộ từ các bản báo cáo do UBGQCK cho thấy các hiện tượng lộn xộn đã được xem xét để xử lý. Tuy nhiên dường như có hai lý do để chính quyền không mạnh tay: Lý do thứ nhất là chủ trương của Trung Quốc từ đầu đến nay chú trọng vào phát triển TTCK hơn là hoàn thiện khâu quản lý. Điều này khá nhất quán với đường lối nói chung, đặc biệt là nhằm mục tiêu thu hút nguồn vốn dài hạn của nước ngoài mà Trung Quốc đang rất cần. Lý do thứ hai la cải cách quản lý TTCK của Trung Quốc rất khó khăn, cho đến năm 1997 quyền lực của UBGQCK vẫn bị chia sẻ với Ngân hàng trung ương và chính quyền địa phương. Hơn nữa luật chứng khoán là cơ sở quản lý của UBGQCK ban hành chậm cũng gây khó khăn chơ cơ quan này. Song cho đến gần đây, theo ý kiến của nhiều nhà phân tích quốc tế, nếu Trung Quốc không nỗ lực khắc phục những thiếu sót này thì ngay cả mục tiêu tăng trưởng và thu hút vốn nước ngoài cũng khó đạt được như mong muốn. Theo thông báo của các nhà chức trách, sắp tới Trung Quốc sẽ tiến hành cơ cấu lại TTCK, xây dựng các Công ty chứng khoán mạnh bằng hợp tác liên kết và sáp nhập cũng như tạo điều kiện thông thoáng hơn cho sự tham gia của người nước ngoài.