Bi ký về chuyện Hương Quang Liên Xã thuộc Hương Sơn Thảo Am ở Ngô Huyện xây dựng Tam Thánh Điện

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (Quyển Hạ) Phần 5 pdf (Trang 38 - 40)

(năm Dân Quốc 23 - 1934)

Đức Đại Giác Thế Tôn khéo trị những căn bệnh nơi thân nơi tâm chúng sanh, khéo làm cho thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui. Tâm bệnh có những thứ nào? Chính là tham - sân - si. Đã có những bệnh ấy, tâm chẳng thể chánh được, những ý niệm thuận theo tình kiến, trái nghịch lý sẽ ồ ạt dấy lên. Những niệm ấy đã khởi, ắt sẽ muốn thỏa lòng ham muốn của chính mình, cái tâm hèn tệ giết - trộm - dâm sẽ ngay lập tức biến thành sự thực. Đấy gọi là “do Hoặc tạo nghiệp, do nghiệp chuốc khổ trải trần điểm kiếp22 chẳng thuở nào xong!” Đức Như Lai thương xót, tùy theo từng căn bệnh của chúng sanh mà ban thuốc, bảo họ: “Tâm tham - sân - si chẳng phải là cái tâm vốn có của các ngươi, tâm các ngươi vốn viên minh tịnh diệu như tấm gương sáng sạch, trọn chẳng có một vật nào! Hễ có vật ở trước gương thì không vật nào chẳng được soi trọn vẹn. Vật đến chẳng cự tuyệt, vật đi chẳng lưu giữ. Giữ được tánh

22

thiên chân của ta, chẳng bị chuyển theo vật. Mê tâm đuổi theo cảnh thì gọi là ngu phu. Trái trần hợp giác liền dự vào dòng thánh”. Nếu con người biết được điều này, tâm bệnh sẽ lành. Tâm bệnh đã lành, thân bệnh chẳng có cội gốc nữa, dẫu cảm xúc lạnh - nóng cũng chẳng bị nguy hiểm. Tâm đã chánh thì thân sẽ chánh theo. Do đã không có tình niệm tham - sân - si, sẽ do đâu mà có những hạnh hèn tệ giết - trộm - dâm cho được? Ai nấy đều như thế thì dân là đồng bào, loài vật giống như ta, đối đãi bình đẳng, nào còn có chuyện tranh đất, giành thành, tàn sát lẫn nhau nữa ư?

Vì thế, những bậc vua quan thông minh duệ trí thời xưa không vị nào chẳng sùng phụng, hộ trì, bởi [Phật pháp] giữ yên đất nước khi chưa loạn, bảo vệ đất nước khi chưa nguy, nên đạt đến thái bình mà chẳng hay chẳng biết, chẳng tỏ lộ dấu vết vậy! Tiếc cho những nhà Nho đời sau tâm lượng hẹp hòi, nhỏ nhen, lấy diệu nghĩa từ kinh Phật để giúp cho những chuyện bàn xuông của bọn họ, nhưng bài xích thật lý do đức Phật đã nói, bảo là bịa đặt! Sự lý nhân quả ba đời, luân hồi sáu nẻo chính là đại kinh đại pháp khiến cho người hiền mau lên cảnh thánh, kẻ ngu gắng sức làm người dân lương thiện, [thế mà] bọn chúng bảo “thật ra chẳng có chuyện nhân quả báo ứng, con người chết đi, thần hồn đã diệt, còn ai để chịu tội và thác sanh?” Từ đấy, thiện không có gì để khuyên, ác không có gì để trừng phạt, đến nỗi hùa nhau phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu, bỏ thẹn, chẳng hề xấu hổ, ngược ngạo coi đó là vinh, đều là do những thứ học thuyết ấy ươm thành! Cõi đời đã loạn đến cùng cực, ai nấy đều lo sợ, muốn cứu vãn thì chẳng thể không noi theo đại pháp của đức Như Lai. Do vậy, các nơi đều lập Tịnh nghiệp xã hoặc Cư Sĩ Lâm để đề xướng nhân quả, chuyên tu Tịnh nghiệp.

Trụ Trì Hương Sơn Thảo Am ở Ngô Huyện là đại sư Thanh Thiền và các cư sĩ tại địa phương đã sáng lập Hương Quang Liên Xã từ lâu, nay đặc biệt xây cất năm gian Tây Phương Tam Thánh Điện ở phía Đông thảo am. Những tăng nhân sống trong am suốt năm tu tập, Tăng - tục tham dự liên xã định kỳ cử hành, sắm sửa đầy đủ kinh sách Tịnh tông để mọi người đọc tụng. Ngày Rằm mỗi tháng mọi người đều tụ lại, niệm Phật một ngày, hễ thuận tiện bèn giảng diễn tông chỉ của pháp môn Tịnh Độ ngõ hầu những người tu trì hiểu thấu triệt tự tâm, chẳng đến nỗi miệng nói cầu sanh Tây Phương mà lòng vẫn nhớ tưởng cõi này đến nỗi công phu sắp thành nhưng vì mắc lỗi hiểu lầm [đến nỗi] mong thoát sanh tử mà vẫn đọa luân hồi! Lại còn chỉ dạy cặn kẽ nhân quả, thuật đủ tội phước.

Phàm những ai tham dự liên xã đều phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng hành các điều thiện, giữ gìn tám đức “hiếu, đễ, lễ, nghĩa, trung, tín, liêm, sỉ”, dốc chí nơi tám sự “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, ắt sẽ khiến cho Nho tông nhờ Phật pháp mà được phục hưng, sự giáo hóa của Phật do hàng Nho sĩ mà được truyền rộng rãi, bù đắp thiên kiến “trong lòng sùng phụng, ngoài mặt chống trái”, tự lầm, lầm người của tiền nhân, dạy đời sau quy củ rộng lớn “sống trong cõi trần học đạo, tự lập, lập người”. Ba người cùng đi ắt có [người] là thầy ta; một ấp mười nhà, ắt có [nhà] trung tín. Ai cũng đều có thể là Nghiêu - Thuấn, ai cũng đều có thể thành Phật. Người ta là trượng phu, mình cũng là trượng phu, chớ nên tự khinh rồi cam phận lui sụt, ngõ hầu chẳng cô phụ Phật tánh sẵn có nơi tâm mình và đại pháp liễu thoát ngay trong đời này! Nguyện khắp những người đến [với liên xã này] đều ghi nhớ chớ quên thì may mắn lắm thay!

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (Quyển Hạ) Phần 5 pdf (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(40 trang)