0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (40 trang)

Bi ký về việc chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai sáng lập ba viện dưỡng lão, dưỡng bệnh và trợ niệm

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (QUYỂN HẠ) PHẦN 5 PDF (Trang 35 -38 )

dưỡng lão, dưỡng bệnh và trợ niệm

(năm Dân Quốc 23 - 1934)

Sa Bà là cõi khổ sở cùng cực, vì thế cõi này thuộc về quán trọ trên đường lữ thứ; An Dưỡng là chốn vui sướng tột bậc, vốn là quê nhà sẵn có. Nhưng do chúng sanh mê muội chưa ngộ, bèn cứ khăng khăng coi quán trọ là quê nhà, chẳng biết có trụ xứ thanh tịnh an ổn tột bậc do cha ông đã tạo dựng. Do vậy, khởi tham - sân - si, tạo giết - trộm - dâm, luân hồi trong sáu nẻo, chìm đắm trong tam đồ từ kiếp này sang kiếp khác, không cách nào thoát ra. Đức Đại Giác Thế Tôn thương xót, thị hiện sanh trong thế gian, tùy thuận căn cơ thuyết pháp để các chúng sanh bỏ mê về với ngộ, theo đường về nhà. Do chúng sanh căn cơ chẳng phải chỉ có một, nên mỗi pháp đức Như Lai nói ra đều khác biệt. Nhưng các pháp ấy đều phải cậy vào tự lực, chỉ bậc thượng căn cao nhất mới có thể hoàn thành được ngay trong đời này. Nếu là kẻ kém hơn thì sẽ hai đời, ba đời mới giải quyết xong. Những kẻ trải kiếp dài lâu vẫn chưa thể giải quyết xong vẫn chiếm đa số! Lòng Như Lai phổ độ chúng sanh chan chứa nhưng chưa thỏa mãn được; do vậy, bèn đặc biệt mở ra một pháp tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, để thượng thánh hạ phàm đều cùng trong đời này thoát cõi Sa Bà đây lên cõi An Dưỡng kia. Bậc thánh sẽ mau thành Phật đạo, kẻ phàm sẽ dần dần chứng được Bồ Đề. Phổ độ chúng sanh cô đơn quạnh quẽ không nơi nương tựa, thỏa thích lớn lao bổn hoài xuất thế của đức Như Lai. Trên là Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, dưới là tội nhân Ngũ Nghịch, Thập Ác cực nặng đều là căn cơ được thâu nhiếp bởi pháp này. Chúng ta trên chẳng bằng được các vị như Văn Thù v.v… dưới chưa đến nỗi giống như hàng Ngũ Nghịch, Thập Ác, há lẽ đâu chẳng mạnh mẽ phát ra đại chí ngõ hầu vượt ngang ra khỏi tam giới ư?

Xét từ khi đại giáo được truyền sang phương Đông, tuy có môn đình Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh bất đồng, nhưng không một môn nào chẳng lấy vãng sanh Tịnh Độ làm chỗ quy túc! Núi Thiên Thai là đạo tràng của

Trí Giả đại sư. Đại sư dùng Ngũ Thời Bát Giáo19 để phán thích20 giáo pháp cả một đời đức Như Lai nhưng vẫn chú trọng nơi một môn Tịnh Độ. Tuy chưa thấy được phần kinh văn quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm nhưng đã lập pháp ngầm hợp, đủ thấy Phật và Tổ vốn [thở] cùng một lỗ mũi! Chùa Quốc Thanh là ngôi chùa được xây trên nền đất [ngôi chùa] lúc Đại Sư sắp nhập Diệt Định21. Đến nay đã một ngàn ba trăm mấy chục năm, tuy trải qua nhiều lượt biển dâu, có khi hưng, khi phế, nhưng nhờ được cao nhân làm Trụ Trì, cho đến hiện thời đạo phong vẫn chẳng suy sụp.

Đầu thời Càn Long nhà Thanh, Bảo Lâm Trân Công trùng hưng, điện đường, liêu xá mới toanh rạng ngời, nhưng còn ba viện chưa đủ sức để thành lập. Một là Dưỡng Lão vì bậc danh đức các phương, bậc kỳ cựu trong chùa, tuổi già lắng lòng chuyên lo tu tập đạo nghiệp của chính mình nhưng chưa có một tòa viện chuyên biệt thì làm sao giúp cho Tịnh nghiệp được? Hai là Dưỡng Bệnh: Thập phương tăng lữ cô quạnh một thân, đã đến chùa này nương tựa thì chính là người ruột thịt, hễ bị bệnh tật chẳng thể theo đại chúng, bèn dời đến nơi này để an dưỡng mong cho chóng lành. Nếu tuổi thọ sắp hết sẽ đưa sang Trợ Niệm Đường. Ba là Trợ Niệm, phàm người bệnh nặng sắp mất, sẽ chuyển sang viện này. Thường Trụ liền phái người luân phiên trợ niệm. Trụ Trì hay người trưởng ban sẽ khai thị, hướng dẫn người [sắp mất] ấy, để người ấy toàn thân buông xuống hết, nhất tâm niệm Phật. Trước mặt người ấy nên thờ tượng Phật tiếp dẫn, để người ấy tâm niệm, miệng niệm, tai nghe, mắt nhìn, trừ đức Phật ra, không còn nghĩ gì khác nữa, ngõ hầu chánh niệm

19

Ngũ Thời: Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa - Niết Bàn. Bát Giáo: Tám loại giáo hóa, gồm Hóa Nghi Tứ Giáo (bốn phương thức dùng để giáo hóa) gồm: Đốn, Tiệm, Bí Mật, Bất Định và Hóa Pháp Tứ Giáo (bốn nội dung giáo hóa) gồm Tạng, Thông, Biệt, Viên.

20

Phán thích: Phán định, giải thích.

21

Chùa Quốc Thanh nằm ở phía Nam ngọn Phật Lũng rặng Thiên Thai, do Tấn Vương Dương Quảng (sau này là Tùy Dạng Đế) xây dựng cho ngài Trí Khải (Trí Giả đại sư). Thoạt đầu, Định Quang thiền sư trụ trì tại núi này, thường bảo đệ tử: “Không lâu sau sẽ có vị thiện tri thức thù thắng lãnh chúng sống tại núi này”. Quả nhiên, không lâu sau có ngài Trí Khải vượt Trường Giang đến nơi này, mở mang pháp thí rộng lớn. Đại sư tính xây dựng chùa ở phía nam núi Phật Lũng, nhưng xây chưa xong đã nhập diệt. Tấn Vương Dương Quảng tiếc nuối khôn cùng, bèn lập hội trai tăng một ngàn vị, xây dựng ngôi phạm vũ nguy nga này, thoạt đầu đặt tên là Thiên Thai Sơn Tự. Nhưng sau này, vua nhớ lại khi còn là Thái Tử, nhằm khi ngài Trí Khải tới nơi đây, sư Định Quang đã từng báo mộng với nhà vua: “Ba nước (tức Bắc Châu, Bắc Tề, Trần) sẽ hợp thành một, người có thế lực lớn lao mới ở được chùa này, chùa xây xong, đất nước sẽ thanh bình”. Do vậy, đổi tên là chùa Quốc Thanh.

rạng rỡ, theo Phật vãng sanh. Đây chính là một đại sự khẩn yếu tột bậc của chốn tùng lâm hoằng pháp lẫn người xuất gia tu hành.

Người làm Trụ Trì và những vị có chức trách hãy nên coi người khác già - bệnh - chết giống như chính mình già - bịnh - chết, ắt sẽ lo liệu ổn thỏa, chắc chắn chẳng chịu quấy quá cho xong chuyện thì đạo đức hiện tại sẽ ngày một cao quý, phẩm sen vãng sanh càng thù thắng vậy! Huống chi cổ nhân tạo dựng tùng lâm vốn là vì người già kẻ bệnh mà lập, cũng như khiến cho tăng chúng đông đảo có chỗ nương tựa, người học ùn ùn có nơi để tham học, thừa sự. Có ai chẳng già? Có ai không bệnh? Ai mà không chết? Nếu chẳng đặc biệt lập ra một viện thì người già, người bệnh, thân tâm khó yên. Thân tâm đã chẳng yên thì niệm Phật cầu vãng sanh sẽ bị chướng ngại. Đấy chính là nguyên do thành lập riêng hai tòa điện đường Dưỡng Lão và Dưỡng Bệnh.

Nhưng già và bệnh còn có thể tạm để đó, chứ lâm chung chắc chắn khó thể coi thường, trì hoãn được! Nếu công phu chưa sâu, Phật niệm chưa thuần, lại thêm bệnh khổ trầm trọng, chẳng có tri thức khai thị, hướng dẫn, Tịnh lữ trợ niệm, sẽ trở vào luân hồi, trọn chẳng có hy vọng gì được liễu thoát! Nếu là người công phu đã sâu, Phật niệm đã thuần, lại có sức trợ niệm của đại chúng, há chẳng mau chóng thấy Phật, nghe pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn ư?

Do vậy biết chuyện trợ niệm quan hệ rất lớn. Đang trong lúc tánh mạng sắp chấm dứt ấy, nhằm lúc phán định thăng - trầm, mà đã có người khai thị, hướng dẫn, trợ niệm, ví như kẻ khiếp nhược tránh giặc tính ngồi thuyền trốn xa, được mọi người nâng đỡ, liền có thể vọt lên thuyền, liền được ngồi yên ổn đến tận bờ kia. Nếu là người không được khai thị, hướng dẫn, trợ niệm, ắt sẽ mắc cái họa phá hoại chánh niệm, đừng nói người công phu chưa sâu chẳng thể liễu thoát, dẫu là người Phật niệm đã thuần vẫn khó vãng sanh! Ví như dũng sĩ phá vòng vây lọt ra, tính ngồi thuyền thoát đi, bị mọi người chèo kéo, ngay lập tức té xuống vực sâu. Siêu phàm nhập thánh hay vẫn luân hồi y như cũ chỉ trong một hơi thở này! Lẽ được - mất quá nửa nằm trong tay vị Trụ Trì, một phần ít nằm trong tay những người giữ chức trách. Nếu vị Trụ Trì hay những vị có chức trách thấy người khác chết giống như cha mẹ, thầy, bạn của chính mình chết ắt sẽ cực lực trợ niệm đúng pháp, thành tựu vãng sanh. Đã được vãng sanh, lâu dần ắt sẽ viên thành Phật đạo. Thành tựu một người vãng sanh chính là thành tựu một chúng sanh thành Phật; công đức ấy há thể diễn tả được ư?

Đến năm Dân Quốc 17, 18, do không kiếm được người Trụ Trì nên [Quốc Thanh Tự] lâm vào cảnh suy bại sát đất. Năm Dân Quốc 19 (1930), những bậc kỳ lão trong núi và các vị hương thân cung thỉnh hòa thượng Khả Hưng là bậc đã xin thôi chức Trụ Trì về hưu trước kia trở lại làm Trụ Trì để mong khôi phục [nhà chùa]. Cụ Hưng bèn mời người bạn thân là pháp sư Tĩnh Quyền giúp sức. Do vậy, đặc biệt mở học xã để hoằng dương xiển phát tông Thiên Thai, hưng khởi điều lợi, trừ thói tệ, tiến hành đầy đủ trăm chuyện đã bị phế bỏ. Nay lại tính lập ra ba viện này, mỗi viện gồm năm gian, vị trí ở gần nhà bếp để tiện cung cấp những thứ thức ăn, trà, nước cho những vị già cả, bệnh tật. Mỗi viện đều cử người trông nom, đều lập quy ước. Trụ Trì và những vị có chức trách thường đi xem xét, chẳng để cho những người chăm sóc lười nhác, coi thường. Dụng tâm cẩn thận, sát sao đáng cho người khác khâm phục! [Hòa thượng Khả Hưng] sai Quang soạn bài ký. Do vui đẹp trước tấm lòng thành vì pháp vì người [của chùa Quốc Thanh] nên [Quang] quên mình hèn tệ, viết những ý chính. Nguyện từ nay trở đi, Trụ Trì và những vị có chức trách chùa Quốc Thanh cũng như Trụ Trì và những vị có chức trách các nơi trong hiện tại lẫn tương lai ai nấy đều chú ý sâu xa.

7. Bi ký về chuyện Hương Quang Liên Xã thuộc Hương Sơn Thảo Am ở Ngô Huyện xây dựng Tam Thánh Điện

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (QUYỂN HẠ) PHẦN 5 PDF (Trang 35 -38 )

×