“Kiêm ái” là cái quyết định bộ mặt đạo đức của xã hội. Song cái gì là tiêu chí để xem xét xã hội ấy có thực sự “kiêm ái” hay không ? Theo Mặc Tử đó là “lợi”. Kiêm ái là vì lợi. Khi nào con người thực sự yêu thương nhau thì khi đó con người sẽ làm lợi cho nhau. Nên kiêm ái của Mặc Tử là “kiêm tương ái, giao tương lợi” (thương yêu lẫn nhau, đem lại điều lợi cho nhau). Mặc Tử giải thích: “Ta không biết rằng: người con có hiếu muốn làm cho cha mẹ mình sung sướng thì có muốn rằng người khác cũng yêu thương nhau và làm điều lợi cho cha mẹ họ không? Hay là lại muốn người khác ghét bỏ và làm hại cha mẹ họ? Lấy lý mà xét thì chắc là người con có hiếu ấy cũng muốn người khác thương yêu và làm điều lợi cho cha mẹ họ. Như thế thì trước hết ta phải làm thế nào để được như thế? Ta có muốn trước hết là làm điều thương yêu và có lợi cho cha mẹ người khác, rồi sau người báo đáp lại ta sẽ làm điều thương yêu và có lợi cho cha mẹ ta? Hay là ta muốn trước hết ta cứ ghét bỏ và làm hại cha mẹ người khác rồi sau người khác báo đáp lại ta cứ làm điều thương yêu và có lợi cho cha mẹ ta? Chắc hẳn là ta muốn trước hết phải làm điều thương yêu và có lợi cho cha mẹ ta vậy… Trong thơ Đại Nhã (Kinh Thi) có nói rằng: “không có lời nói nào mà không được trả lại, không có ân đức nào mà không được báo đáp: Ném cho ta quả đào, ta sẽ báo đền lại quả mận”. Điều đó có nghĩa là thương yêu người thì sẽ thấy được tình yêu thương, ghét bỏ người sẽ thấy sự ghét bỏ vậy” [45, tr.136-137].
Mặc Tử cho rằng giữa người với người chỉ có trên cơ sở “đối đãi với nhau cùng có lợi” mới có thể thực hiện được thứ tình yêu thương rộng khắp
không phân biệt thứ bậc của ông. Nếu làm được điều này thì việc xây dựng một xã hội mới mà ở đó con người sống trên nguyên tắc bình đẳng, yêu thương nhau sớm được thực hiện.
“Lợi” và “kiêm” quan hệ với nhau rất khăng khít “đem cái tai tinh, mắt sáng trông nghe cho nhau, đem cái tay chân khỏe mạnh làm lụng giúp nhau, mà kẻ có đạo thì dạy bảo nhau. Cho nên những người già nua không có vợ con thì có kẻ hầu, người nuôi cho trọn tuổi thọ, những kẻ nhỏ yếu, mồ côi cha mẹ thì có chỗ nương tựa cho đến khi khôn lớn. Nếu cho “kiêm” là phải thì cái lợi như thế đó” [5, tr.102]. Cái lợi trong tư tưởng của Mặc Tử có nét độc đáo riêng.
* “Lợi” luôn được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với “nhân” và “nghĩa”
Nếu như ở Nho gia của Khổng Tử, “lợi” là cái gì đó hoàn toàn đối lập với “nhân”, “nghĩa” thì ở Mặc Tử “lợi” lại gắn bó không tách rời với hai phạm trù này.
Về nhân, Mặc Tử nói “người nhân làm việc gì cũng mang lấy cái lợi, trờ cái hại cho thiên hạ. Họ lấy điều sau đây làm phép tắc: Cái gì lợi cho người thì làm, không có lợi thì ngừng” (Nhân giả chi sự tất vụ hưng thiên hạ chi lợi, trừ thiên hạ chi hại: Lợi nhân hồ vi, bất lợi nhân hồ tắc chi). Mặc Tử chỉ rõ: người có đức nhân mưu tính cho thiên hạ không khác gì người con có hiếu mưu tính cho cha mẹ. Người con có hiếu mưu tính cho cha mẹ ra sao? Đáp là cha mẹ nghèo thì làm cho cha mẹ giàu lên. Người nhân khi mưu tính cho thiên hạ cũng phải nghĩ tới việc thiên hạ nghèo thì phải cố gắng làm cho thiên hạ giàu lên.
Về nghĩa, Mặc Tử nói: “Nghĩa là cái chính đáng. Tại sao biết được nghĩa là cái chính đáng? Bởi thiên hạ có lợi thì trị, vô nghĩa thì loạn. Từ đó biết rằng nghĩa là cái chính đáng” (Nghĩa giả chính giả. Hà dĩ tri nghĩa chi vi chính dã? Thiên hạ hữu lợi tắc trị, vô nghĩa tắc loạn. Ngã dĩ thủ tri nghĩa chi vi chính dã). Ở đây, khi Mặc Tử cho rằng thiên hạ nếu có lợi thì trị, không có nghĩa thì loạn. Điều này có nghĩa ông quan niệm rằng có lợi thì thiên hạ trị,
vô lợi thì thiên hạ loạn. Như vậy, Mặc Tử đã đồng nhất lợi với nghĩa trong tư tưởng của mình.
* “Lợi” luôn được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với thiên hạ
Sách Mặc Tử kể rằng: có người khen vua các nước Kinh, Ngô ở phương Nam; vua các nước Tề, Tấn ở phương Bắc khi mới làm chư hầu thì đất không được vài trăm dặm, dân không được vài chục vạn thế mà nhờ chiếm nước người mà đất, mà dân nhiều lên gấp mấy chục lần. Mặc Tử bảo: Tuy bốn nước Kinh, Ngô, Tề, Tấn được lợi nhưng cái lợi ấy không phải đạo; giống như người thầy thuốc, trị bệnh cho cả thiên hạ mà chỉ có bốn, năm người khỏi thì sao gọi là thầy thuốc biết nghề. Như vậy, lợi của Mặc Tử không phải là tư lợi, nó không dành riêng cho một vài nước, một vài dân tộc mà là cái lợi của toàn thiên hạ.
Ý nghĩa, công dụng và ích lợi của “kiêm ái” do Mặc Tử đề ra thật là to lớn và thiết thực. Nhưng làm thế nào để cho mọi người tin tưởng vào nó, dựa vào đó để hành động trong đời sống. Bởi vì thực hiện “kiêm ái” khó chẳng khác nào như “kẹp núi Thái Sơn nhảy qua sông Hoàng Hà”. Mặc Tử đã bác bỏ lại luận điệu trên, ông cho rằng việc xách núi Thái Sơn nhảy qua sông Hoàng Hà là việc xưa nay chưa ai làm được, nhưng nếu con người biết yêu thương nhau, làm lợi cho nhau, thì đó là việc mà các đấng quân vương đời trước đã làm nhiều rồi. Ngày nay cho rằng không làm được chỉ vì các đấng quân vương không thích. Và từ đó Mặc Tử đưa ra tấm gương của các đấng quân vương xưa để chứng minh cho mọi người thấy “kiêm ái” được thực hành trong đời sống như thế nào. Ví dụ như, vua Vũ trong mấy năm trời lo việc trị thủy, làm việc ngày đêm, vì nghĩa, đi ngang qua nhà cũng không kịp ghé thăm người thân. Vua Thang trong lúc đại hạn đã cầu trời nhận mình làm vật hi sinh chuộc tội để trời tha cho dân chúng thoát khỏi hạn hán.
Trong quan điểm của Mặc Tử, muốn thực hành “kiêm ái” thì trước hết những người trên phải gương mẫu đem “kiêm ái” ra làm chính trị thì kẻ dưới ắt sẽ noi theo, vì: “tới những việc đánh thành đánh đồng, tự thân giết mình để
giữ danh tiếng mà khi ông vua muốn thì dân cũng làm được, huống chi cái việc yêu thương lẫn nhau và làm lợi cho nhau. Yêu người thì người yêu mình, làm lợi cho người thì người làm lợi cho mình, cái đó có khó gì đâu. Chỉ vì người trên không đem “kiêm ái” ra làm chính trị, kẻ sĩ không coi đó là nết của mình, thế thôi” [5, tr.103].
Kiêm ái là cái đạo của thánh nhân, bậc quân vương, đại phu nhờ nó mà yên ổn, đời sống nhân dân nhờ nó mà no đủ. Cho nên bậc quân vương không thể không xem kỹ đức “kiêm” mà thi hành nó. Thi hành nó thì vua chúa ắt có lòng huệ, bề tôi ắt có lòng trung, cha mẹ ắt có lòng từ, con ắt có lòng hiếu, anh ắt có lòng thương em, em ắt có lòng kính anh… Kiêm ái là đạo của thánh nhân mà là cái lợi của muôn dân.
Kiêm ái là đức cơ bản của mọi đức tính con người, là lợi lớn cho thiên hạ. Vì vậy, ngoài việc dùng quyền uy anh minh của trời và quỷ thần để thu phục mọi người yêu thương nhau, làm lợi cho nhau không phân biệt sang hèn, trên dưới. Mặc Tử còn chủ trương dùng sức mạnh và thế lực của nhà nước, thể chế xã hội để thống nhất tư tưởng và hành động của mọi người trong xã hội.
“Kiêm tương ái - giao thương lợi” là một tư tưởng đại đồng để lấy trí thức xây dựng cho một tôn giáo tình yêu bình đẳng, của một ý chí tối cao tuyệt đối vượt lên trên cả xã hội mà không độc đoán như một mệnh lệnh chính trị. Tuy nhiên, vì quá thiên về mặt “kiêm” mà bỏ rơi mặt “biệt” cho nên Mặc Tử đã vướng phải sai lầm.
Sau này phái Hậu Mặc cũng chỉ ra rằng đặc trưng cơ bản của “kiêm ái” là gồm yêu hết thảy mọi người như nhau và lợi ích là tiêu chuẩn để xem xét ý thức và hành động của con người ta có “kiêm ái” hay không. Không những thế họ còn cho rằng ngay cả những phạm trù đạo đức như: trung hiếu, chí công v.v…, cũng phải lấy mục đích làm lợi người là tiêu chuẩn trên hết. Thiên “Kinh thượng” viết: “Hiếu là lợi cha mẹ; trung là lợi vua; công là lợi dân” [4, tr.285]. Nhưng trước sự phê phán, công kích của các triết gia thuộc các trường phái triết học khác thời bấy giờ như Mạnh Kha, Tuân Hống, Hàn
Phi v.v …, và để cho học thuyết “kiêm ái” của Mặc gia phù hợp với điều kiện lịch sử xã hội mới, phái Hậu Mặc đã bổ sung và điều chỉnh thuyết “kiêm ái”, rằng: kiêm ái là gồm yêu và làm lợi cho tất cả mọi người như nhau, nhưng có sự phân biệt thân sơ, trên dưới, gần xa, già trẻ.
Kiêm ái là nền tảng đạo đức xã hội; nó được thể hiện trong đời sống chính trị thông qua các phạm trù “phi công”, “thượng hiền”, “thượng đồng”; thể hiện qua sinh hoạt đời thường thông qua các phạm trù “tiết dụng”, “phi nhạc”, “tiết táng”.