I. Phương hướng phát triển ngành trồng trọt
2. Phát triển ngành trồng trọt theo hướng thâm canh ngày càng cao trên cơ sở cân bằng sinh thá
trên cơ sở cân bằng sinh thái
Ai cũng biết những mặt tích cực mà thâm canh đem lại nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến các mặt trái của nó: đó là những mâu thuẫn bên trong quá trình này mà bản thân nó có thể đưa lại những hậu quả về sinh học, sinh thái và xã hội.
Có nhiều số liệu thống kê chỉ ra rằng quá trình thực hiện việc nâng cao năng suất cây trồng gắn liền với sự tiêu hao ngày càng lớn năng lượng nhân
tạo dưới dạng phân bón, thuốc trừ sâu, thuỷ lợi, các công cụ cơ giới hóa... Nếu như vào những năm 30, cả thế giới sử dụng khoảng 3,5 triệu tấn phân bón, thì đến những năm 90 con số này phải lên đến hàng trăm triệu tấn. Nhờ phân bón mà năng suất cây trồng có thể tăng từ 30 - 50%, nhưng để sản lượng tăng lên gấp đôi thì chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và kỹ thuật phải tăng gấp 10 lần. Sự thiếu hoàn thiện trong kỹ thuật canh tác cây nông nghiệp là một trong những nguyên nhân làm tăng hao phí năng lượng "nhân tạo". Sự thất thoát 50 - 60% nước tưới và phân bón không những dẫn đến thất thoát năng lượng mà còn gây ô nhiễm môi trường sống. Thâm canh trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đã và đang góp phần làm ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ do việc sử dụng rộng rãi một số lượng lớn thuốc trừ sâu, phân bón, các chất có hoạt tính sinh học, mà còn do việc nhập nội thuốc trừ sâu thiếu chọn lọc, từ đó mà các thành phần thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại tập trung trong cơ thể con người được tìm thấy ngày càng tăng, cũng từ đó cân bằng sinh thái học trong hệ sinh thái nông nghiệp có chiều hướng bị phá vỡ. Điều đó buộc chúng ta phải nhìn nhận lại vai trò của những phương pháp truyền thống trong trồng trọt thâm canh. Vì vậy bên cạnh việc đẩy mạnh thâm canh nhất thiết phải chú ý đến cân bằng sinh thái để phát triển ngành trồng trọt theo hướng bền vững, cạnh tranh tốt trong điều kiện hội nhập.